Bầu cử Mỹ và số phận Hiệp ước START mới
START mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hồi tháng 4 vừa qua, song vẫn cần phải được Duma quốc gia Nga và Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
>>Liệu Hiệp ước START – 2 có đi vào ngõ cụt?
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Nga và Mỹ có nguy cơ bị đình trệ sau khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga quyết định rút lại đề nghị phê chuẩn Hiệp ước này sau bầu cử tại Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước đã ký với Nga trước khi Quốc hội mới của Mỹ bắt đầu làm việc vào tháng 1 năm tới.
Nga và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) |
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Konstantin Kosachev vừa cho biết, Ủy ban này quyết định rút lại đề nghị phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới với Mỹ sau những kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
Hiệp ước cần khoảng 2/3 số thượng nghị sỹ, tức là 67 phiếu ủng hộ, trong Thượng viện Mỹ thông qua. Trong khi cán cân quyền lực trong Quốc hội Mỹ đã thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua với chiến thắng thuộc về Đảng Cộng hòa, gây khó khăn cho việc thông qua Hiệp ước mới.
Theo ông Konstantin Kosachev, nếu các thượng nghị sĩ thất cử trong cơ cấu cũ không thể phê chuẩn Hiệp ước này trong những tuần tới, thì cơ hội phê chuẩn ở Thượng viện mới sẽ hoàn toàn thấp hơn so với hiện nay.
Tính đến sớm ngày 3/11, Đảng Cộng hòa giành được 46 ghế so với 51 ghế của Đảng Dân chủ trong tổng số 100 ghế ở Thượng viện. Để có thể thông qua ở Thượng viện, văn kiện này cần giành được 67 phiếu ủng hộ, trong khi đảng Cộng hòa có truyền thống kém nhiệt tình hơn trong những tiến triển về ngoại giao với Nga.
Bên cạnh đó, ông Kosachev cũng nêu một lý do nữa buộc Duma Quốc gia Nga đưa ra quyết định này liên quan đến tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ mà phía Nga coi là một tuyên bố gây lo ngại sâu sắc.
Theo đó, Mỹ đang tìm cách mở rộng hiệu lực của START mới sang các tổ hợp tên lửa trực chiến bố trí trên xe lửa trong trường hợp các tổ hợp này được thiết lập.
Tuyên bố cũng nêu rõ, START mới không hạn chế hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và đặc biệt nhấn mạnh các hệ thống vũ khí phi hạt nhân không thuộc phạm vi hiệp định này. Theo ông Kosachev, với tuyên bố này, phía Mỹ đang phớt lờ những quan ngại của phía Nga. Vì vậy, Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga buộc phải hoặc rút lại đề nghị phê chuẩn, hoặc sửa đổi dự luật về phê chuẩn START mới có tính đến những quan ngại của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn quyết tâm để Hiệp ước được thông qua tại Thượng viện. Ông Obama ngày 4/11 thúc giục Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới với Nga, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội vào cuối năm nay. Ông Obama cho biết sẽ mời lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tổ chức cuộc họp vào ngày 18/12 tới. Ông Obama nói: “Đây không phải là vấn đề của đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, mà là An ninh Quốc gia Mỹ. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thông qua START mới vào cuối năm nay và gửi đến phía Nga thông điệp rằng chúng ta quan tâm tới việc cắt giảm đầu đạn hạt nhân, đồng thời gửi đến thế giới thông điệp rằng nước Mỹ rất quan tâm đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Nhưng việc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama không nắm được đa số ghế tại Hạ viện và do Thượng viện Mỹ lại có kế hoạch thay đổi nội dung Hiệp ước Start mới theo hướng có lợi cho Mỹ, đã khiến cho Hiệp ước này có nguy cơ bị đình trệ./.