Bầu cử Myanmar: Lộ trình hướng tới dân chủ

Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung đánh dấu một bước tiến tới hòa giải dân tộc và tiến trình chính trị có sự tham gia của tất cả các thành phần tại Myanmar.

Dù chỉ là cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung 48 ghế nghị sĩ, trong đó có 40 hạ nghị sĩ, 6 thượng nghị sĩ và 2 nghị sĩ cấp bang, song cuộc bỏ phiếu ngày 1/4 vừa qua ở Myanmar được dư luận hết sức quan tâm. Bởi nó đánh dấu một bước tiến tới hòa giải dân tộc và tiến trình chính trị có sự tham gia của tất cả các thành phần tại Myanmar, nhằm thực hiện lộ trình dân chủ, cải cách, đổi mới để phát triển và hội nhập.

Việc kiểm phiếu được tiến hành trước sự chứng kiến của đại diện các ứng cử viên và 10 nhân chứng là dân thường. Dự kiến kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trong vòng một tuần tới. Tuy nhiên, ngay tối 1/4, đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã thông báo bà San Suu Kyi - đại diện của Đảng này - đã giành được chiến thắng lịch sử khi đắc cử một ghế nghị sĩ đại diện cho Kawhumu (thị trấn cách thành phố Yangon khoảng 2 giờ xe chạy) tại Hạ viện Liên bang Myanmar, với 75% phiếu ủng hộ. Đảng này cũng tuyên bố giành được ít nhất 10 ghế trong tổng số 45 ghế được bầu lại trong cuộc bỏ phiếu này.

Bà San Suu Byi giành thắng lợi sau khi nhận được 75% số phiếu bầu (Ảnh: Internet)

Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hôm 1/4 diễn ra khá êm ả, theo như lời của Tổng thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ông Surin Pitsuwan là, dù còn một số khiếu nại về sai phạm nhưng “không nghiêm trọng”. Đây chỉ là một cuộc bầu cử bổ sung, song lại thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó được xem là một phép thử cho những bước đầu cải cách của đất nước Chùa Vàng.

Cuộc bầu cử bổ sung lần này thêm một bằng chứng cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực của Myanmar trong vòng một năm qua kể từ khi Tổng thống Thein Sein được Quốc hội bầu và chính phủ dân sự tuyên thệ nhậm chức. Sự tham gia của nhiều đảng phái, đặc biệt là sự tham gia sau 15 năm vắng bóng và thắng lợi của nhân vật chính trị đối lập San Suu Kyi trong bầu cử bổ sung lần này cho thấy chính quyền dân sự đang thật sự hướng tới hoà giải dân tộc và thực thi nền dân chủ.

Với cuộc bầu cử bổ sung lần này, Chính phủ Myanmar đã hoàn thành 6 bước trong lộ trình 7 bước (được công bố và thực hiện từ đầu năm 2003), để chuyển sang bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng: Xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ; lãnh đạo đất nước do Quốc hội bầu; chính phủ và các tổ chức trung ương do Quốc hội thành lập.

Cùng với việc thực hiện lộ trình 7 bước, Chính phủ dân sự do Tổng thống Thein Sein đứng đầu cũng đã trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thoả thuận sơ bộ với các nhóm sắc tộc, nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua luật lao động mới, giảm thuế đầu tư nước ngoài, qua đó tạo một bầu không khí mới trong đời sống chính trị trong nước, tiến tới hoà hợp dân tộc bằng tuyên bố chính sách mới về ngừng bắn, đàm phán hoà bình với các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai trong cả nước.

Thời gian qua, Chính phủ Myanmar cũng đã ký thoả thuận hoà bình sơ bộ với 6 nhóm vũ trang và đặc biệt việc Tổng thống Thein Sein ngày 4/11/2011 ký sắc lệnh “Sửa đổi luật đăng ký đảng phái” theo đó đảng NLD của bà San Suu Kyi được đăng ký và khôi phục vị trí hợp pháp, là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hoà giải. Sự cải cách chính trị cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khởi sắc về kinh tế.

Từ chỗ nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập niên bị bao vây, cấm vận, giờ đây Myanmar đứng trước cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Myanmar tăng 5,5% trong tài khoá 2011 (tính đến tháng 3/2012) và có thể đạt 6% cùng kỳ năm tới. Myanmar, với nguồn tài nguyên phong phú, với chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đang là điểm đến của nhiều công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, con đường phía trước của Myanmar còn nhiều khó khăn, thách thức. Về mặt xã hội, Myanmar có dân số hơn 59 triệu người song lại có tới 135 dân tộc với nền văn hoá và lối sống khác nhau có thể dẫn đến nguy cơ chia rẽ khu vực và sắc tộc, đe doạ ổn định xã hội. Về kinh tế và đầu tư, cơ sở hạ tầng của Myanmar còn nghèo nàn, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và chưa thuận lợi. Myanmar còn nhiều việc phải làm để duy trì được những kết quả của bước đầu cải cách.

Và cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này sẽ là chất xúc tác, tạo ra bầu không khí dân chủ thật sự tại Myanmar để đất nước Chùa Vàng nhanh chóng hội nhập quốc tế và phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên