Bầu cử Nghị viện châu Âu: Phép thử cho nhất thể hóa

VOV.VN - Cuộc bầu cử lần này được coi là phép thử đối với liên minh châu Âu và đặc biệt là khu vực đồng tiền chung Euro.

Từ ngày 22-25/5, diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, theo đó, người dân các nước thành viên Liên minh châu Âu đi bầu những nghị sỹ châu Âu của quốc gia mình.

Cuộc bầu cử quan trọng

Bắt đầu từ hôm 22-25/5, người dân 28 nước thành viên Liên minh châu Âu tiến hành bỏ phiếu nhằm lựa chọn những đại diện xứng đáng ở quốc gia mình làm nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu.

Trụ sở Ủy ban châu Âu


Theo ông Frederic Vincent trưởng bộ phận phát ngôn về công dân và ngân sách châu Âu của Ủy ban châu Âu, thì cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng.

“Kể từ năm 1979 công dân châu Âu được bầu trực tiếp các nghị sỹ châu Âu trong nghị viện châu Âu. Hiện giờ Liên minh có 28 nước thành viên, sẽ bầu hàng trăm nghị sỹ mới. Cuộc bầu cử nghị viện lần này có ý nghĩa quan trọng bởi Nghị viện châu Âu có vai trò chủ chốt trong việc ban hành các luật, các văn bản. Nhất là hiệp ước Lisbon hiện nay trao nhiều quyền và vai trò cho nghị viện trong việc soạn thảo các luật, các văn bản của châu Âu”, ông Vicent nói.

Gọi là bầu cử châu Âu, nhưng thực chất các quốc gia tiến hành bầu những người đại diện của nước mình. Đây là cuộc đua tranh giữa các đảng phái nhưng vì là bầu cử cho Nghị viện châu Âu nên nó có tính chất liên quốc gia.

Chính vì thế, bầu cử châu Âu thường không tập trung vào một đảng phái nào cụ thể mà là về một khuynh hướng chính trị mà nổi bật nhất hiện nay là 5 phe, gồm: các đảng cực tả, các đảng xã hội, các đảng tự do, các đảng xanh và các đảng bảo thủ. Mà các xu hướng chính trị này thì trong các nước thành viên châu Âu là không giống nhau. Tương quan lực lượng giữa các đảng phái ở Đức khác với tương quan lực lượng ở Pháp hay ở Hà Lan, ở Italy.

Xu hướng bài châu Âu gia tăng

Điều mà các cử tri châu Âu đang quan tâm nhất là xu hướng “bài châu Âu”, tức là các đảng cực hữu, hoặc cực tả ở nhiều quốc gia như ở Pháp, ở Bỉ, ở Áo… đang có xu hướng mạnh lên.

Điều này rất dễ hiểu vì châu Âu chìm trong khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, người dân châu Âu mất niềm tin vào khối, mất niềm tin vào các dự án tương lai của một cộng đồng châu Âu chung nên các đảng phái này thắng thế.

Nếu các đảng này, ví dụ như đảng Mặt trận quốc gia (FN) ở Pháp mà thắng trong cuộc bầu cử này thì châu Âu sẽ đối mặt với rất nhiều thay đổi tiêu cực, chẳng hạn việc sửa đổi các Hiệp ước về tự do đi lại, tự do kiếm việc làm trong không gian Schengen hay các Hiệp ước về kiểm soát ngân sách…

Đó đang là điều khiến nhiều người lo ngại, và vì thế, cuộc bầu cử này được xem là bài test quan trọng cho mức độ tín nhiệm của Liên minh châu Âu, là cơ hội để cử tri châu Âu nói lên tiếng nói của mình trước thực trạng khá u ám của khu vực suốt mấy năm qua.

Điều thứ hai đáng chú ý, đó là bầu cử châu Âu cũng được xem như là bài đánh giá tín nhiệm đối với các đảng cầm quyền ở các quốc gia, như đảng Xã hội ở Pháp hay liên minh UDI-SPD ở Đức. Nếu các đảng này thất bại thì cũng xem như cử tri không tin tưởng vào các chính sách hội nhập châu Âu của họ.”

Suy giảm lòng tin và nghi ngờ đối với các thể chế châu Âu

Những cuộc điều tra trước bầu cử đều đem lại những tín hiệu không mấy khả quan. Chính một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu cho thấy người dân châu Âu không còn lòng tin đối với Liên minh châu Âu cũng như đối với các thể chế chính của liên minh. Có đến 59% người châu Âu được hỏi cho biết họ không còn lòng tin nữa, trong khi con số 32% vẫn tin tưởng vào Liên minh châu Âu.

Tại các quốc gia thành viên chủ chốt như Pháp, Đức, tỷ lệ mất lòng tin cũng rất lớn. Và trong số những người được hỏi, chỉ 12% cho rằng Liên minh châu Âu đem lại thịnh vượng về kinh tế, đối nghịch với 17% người cho rằng Liên minh châu Âu đồng nghĩa với thất nghiệp gia tăng.

Nhiệm vụ nặng nề chờ đợi Ban lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu

Châu Âu đang ở vào thời điểm mà như nhiều phân tích nhận định là cần phải có những cuộc cải cách sâu rộng mang tính bước ngoặt về thể chế để tìm lại đà tăng trưởng kinh tế. Những cải cách này đòi hỏi phải có những con người mới.

Ông Jose Manuel Barroso đã làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu 10 năm và càng về cuối thì uy tín của ông này càng giảm, mâu thuẫn giữa ông Barroso với một số nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên, đặc biệt là Pháp, càng tăng.

Châu Âu cần một vị Chủ tịch mới quyết đoán hơn, biết sử dụng quyền lực của Ủy ban châu Âu một cách linh hoạt hơn để đoàn kết các nước thành viên vốn đang bị chia rẽ rất lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hiện có 3 ứng cử viên được xem là nặng ký, gồm ông Jean Claude Juncker – cựu Thủ tướng Lucxembourg (Đảng Nhân dân châu Âu), ông Martin Schulz- người Đức (Đảng Xã hội châu Âu) và bà Christine Lagarde (người Pháp đang là Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF).

Tuy nhiên, dù nhà lãnh đạo nào được bầu cũng sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề mà EU phải thúc đẩy.

Ông Frederic Vincent-Trưởng bộ phận phát ngôn về công dân và ngân sách châu Âu của Ủy ban châu Âu


Ông Frederic Vincent-Trưởng bộ phận phát ngôn về công dân và ngân sách châu Âu của Ủy ban châu Âu nhận định : “Tiếp tục cải cách để củng cố kinh tế châu Âu, nhất là khu vực đồng euro là một trong những ưu tiên quan trọng nhất đối với ban lãnh đạo mới của châu Âu. Tiếp đó, Liên minh châu Âu sẽ phải thúc đẩy quan hệ với các nước gần châu Âu như Nga hay Nam Đại tây Dương. Ngoài ra, vấn đề nhập cư đang đau đầu một số nước phía Nam như Italy, Malta... Câu chuyện mở rộng thành viên vẫn tiếp tục, hiện vẫn có một số đơn xin gia nhập như những nước Balkan hay Thổ Nhĩ Kỳ”.

Sau cuộc bầu cử này, ban lãnh đạo mới của châu Âu sẽ phải tiếp tục đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề. Về kinh tế là việc đảm bảo Quy tắc Vàng được thực hiện đầy đủ, tức các nước thành viên trong Eurozone không được để thâm hụt ngân sách quá 3% GDP.

Về chính trị là phải cải cách các thể chế của Liên minh, xem xét lại kế hoạch mở rộng về phía Đông và quy chế với các thành viên mới gia nhập. Điều quan trọng hàng đầu, cuối cùng, vẫn phải là lấy lại được niềm tin của cử tri châu Âu vào Liên minh./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên