Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố
VOV.VN – Vụ xả súng tối 20/4 trên Đại lộ Champs Elysees khiến chủ đề “chống khủng bố” vốn đã là ưu tiên số 1 càng được đẩy lên cao trào.
Hai ngày trước vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống, chính trường Pháp nhiều biến động và nóng bỏng khôn lường.
Các ứng cử viên Tổng thống Pháp 2017. Ảnh: Reuters. |
Nhiều đề xuất đa dạng để chống khủng bố
Trong bối cảnh nước Pháp đang phải đối diện với nguy cơ khủng bố, các ứng cử viên thậm chí còn đang được cho là đích ngắm tấn công. Thế nhưng, đây lại có thể là yếu tố có thể lấy điểm của cử tri nếu các ứng viên có một chiến lược phù hợp.
Ứng cử viên Fillon – Củng cố Liên minh quốc tế
Người được chờ đợi nhất trong chủ đề này có lẽ là cựu Thủ tướng Francois Fillon. ứng cử viên cánh hữu đã đề xuất củng cố liên minh quốc tế mạnh để loại trừ các mối đe dọa khủng bố từ ngoài và trong; thúc đẩy hợp tác tình báo đặc biệt trong nội khối EU.
Ở trong nước, ông Fillon đề xuất nhiều biện pháp “rắn” là ngăn chặn không cho các phần tử cực đoan thánh chiến từng đi Syria quay trở lại Pháp, tước quốc tịch đối với những thành phần giương vũ khí nhằm vào dân tộc mình; trục xuất những phần tử nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia của Pháp; giải tán các tổ chức có mục tiêu phá hủy xã hội và các giá trị của nước Pháp…
Ứng cử viên Marine Le Pen – Đóng cửa biên giới
Về phần mình, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đề xuất đóng cửa biên giới, vì theo bà không thể chống khủng bố khi không biết những kẻ đi qua lại biên giới với Pháp và mang vũ khí vào.
Tăng thêm các phương tiện cho cảnh sát và quân đội, tăng ngân sách quân đội, cụ thể là tăng thêm 15.000 vị trí trong lực lượng an ninh; phá hủy các mạng lưới Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo… là những đề xuất đáng chú ý của bà Le Pen. Những điều ít biết về ứng viên Tổng thống Pháp tiềm năng Marine Le Pen
Ứng cử viên Emmanuelle Macron – Xây dựng nền quốc phòng mạng
Ứng cử viên Emmanuel Macron thì kêu gọi xây dựng một nền quốc phòng trên mạng, tăng thêm lực lượng cảnh sát và hiến binh.
Tuy nhiên, đề xuất này được xem là không có gì mới mẻ do đang nằm trong ưu tiên thực hiện của chính phủ hiện tại.
Ông Macron cũng đề xuất tiếp tục các chiến dịch can thiệp tại vùng Sahel, bắc Mali để ngăn chặn tận gốc nguồn gốc khủng bố.
Ứng cử viên Mélenchon – Chấm dứt tình trạng khẩn cấp
Ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon thì tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp; phát triển mạng lưới tình báo con người chứ không phụ thuộc quá vào hệ thống kỹ thuật.
Ngoài ra, một số ứng cử viên khác nêu đề xuất ký thỏa thuận với các nhà thờ Hồi giáo tại Pháp; cải thiện tình hình đời sống tại các khu ngoại ô nghèo; hay chấm dứt các hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài; hoặc thậm chí ra khỏi EU và NATO để nước Pháp tự lo an ninh của mình.
Cử tri chán nản và chần chừ trước giờ bầu cử
Sự chần chừ nguy hiểm có đi bỏ phiếu hay không và nếu đi thì sẽ bỏ phiếu cho ai trong cử tri Pháp xuất phát từ quá nhiều diễn biến khó lường trên chính trường Pháp thời gian qua, kéo dài suốt từ nhiều tháng vận động tranh cử, cho tới các đấu đá nội bộ cả tả và hữu trong các bầu cử sơ bộ; khiến cử tri thực sự chán nản.
Nhìn lại, có thể nói cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dù chưa bắt đầu cũng đã ghi danh vào lịch sử nền cộng hòa với nhiều điểm bất ngờ nhất, dù không mấy tích cực. Sự chần chừ nguy hiểm của cử tri Pháp trước bầu cử Tổng thống
Đó là lần đầu tiên một cựu Tổng thống ông Sarkozy thất bại ngay từ vòng sơ bộ cánh hữu; lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm là ông Hollande tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai; lần đầu tiên một lãnh đạo phe “nổi loạn” trong nội bộ đảng Xã hội cầm quyền vượt lên thành ứng cử viên chính thức của cánh tả.
Cũng lần đầu tiên nước Pháp chứng kiến một ứng cử viên tự do không thuộc đảng phái nào là cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuelle Macron-xuất phát từ việc chán chường bộ máy và bỏ ra tìm con đường riêng.
Bóng ma bê bối đè nặng và phổ biển khiến lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống tại Pháp – ban đầu được xem là sáng giá số 1 – ông Francois Fillon – bị truy tố ngay khi đang tranh cử.
Tất cả những bê bối và đấu đá nội bộ khiến chưa thực sự cho một nhân vật nào vượt trội trong số các ứng cử viên Tổng thống. Thêm vào đó, tình hình kinh tế u ám, an ninh bị đe dọa chưa từng có, cuộc khủng hoảng nhập cư làm rối loạn xã hội… tất cả khiến cử tri Pháp hoang mang và chán nản; đặc biệt có một số không nhỏ quyết định “trả thù” bằng cách tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên cực hữu.
Mỗi ứng cử viên một số ưu điểm – nhưng không ai nổi trội
Nhân vật được xem là ẩn số có thể gây bất ngờ nhất ông Emmanuel Macron vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây nhất, thủ lĩnh của phong trào "Tiến bước" hội tụ nhiều ưu thế: trẻ trung (mới 39 tuổi), đầy năng lực (nguyên Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ F. Holland), trung dung (không tả cũng không hữu) để có thể tranh thủ nhiều lực lượng, hứa hẹn có những đổi mới trong cách thức điều hành, mang lại một "làn gió mới" mà nhiều người Pháp mong đợi.
Với khẩu hiệu "nước Pháp trước tiên", nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN Marine Le Pen đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội Pháp, tác động đến tâm lý bộ phận không nhỏ dân chúng đang bức xúc trước cuộc khủng hoảng nhập cư, các cuộc khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp, truyền thống và bản sắc dân tộc bị đe dọa trước sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai...
Ứng cử viên cánh hữu cựu Thủ tướng Francois Fillon nếu không bị vướng bê bối thì được đánh giá là nhân vật nhiều triển vọng nhất, vừa có nhiều kinh nghiệm chính trị cũng như cương lĩnh rõ ràng, hơn nữa theo quy luật thông thường, sau nhiệm kỳ cánh tả cầm quyền, cờ sẽ được cử tri giao trở lại vào tay cánh hữu. Ông Fillon cũng có lợi thế về sự ổn định trong số các cử tri ủng hộ ông, ở một quốc gia vốn tôn trọng nền chính trị truyền thống và chưa thực sự cởi mở với các tư tưởng mới kiểu Macron và đặc biệt chưa dung thứ các tư tưởng cực hữu của Le Pen.
Nhân vật tạo bất ngờ nhất trong những ngày qua là ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon- được đánh giá là nhân vật “trong sạch nhất” trong số các ứng cử viên. Ưu thế nổi trội của Jean-Luc Mélenchon là tài ăn nói, khả năng hùng biện. Ông là người duy nhất có tỷ lệ ủng hộ tăng cao gần đây, gắn liền với các cuộc mít tinh diễn thuyết trực tiếp ở nhiều nơi.
Hai ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng 1, tình hình rất khó dự đoán. Tuy nhiên, nhiều nhận định vẫn cho rằng khả năng lớn là hai ứng cử viên Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ vào vòng hai. Nhưng sau vụ xả súng tối qua ngay trên Đại lộ Champs Elysees, khó có thể nói chắc là sẽ không có sự cố nào lớn tại Pháp và khi ấy, rất có thể sẽ có đột phá nào đó./. Bầu cử Tổng thống Pháp: Chặng đua nước rút vòng một