Bầu cử Tổng thống Syria: Kỳ vọng tái thiết đất nước
VOV.VN - Ngày 26/5, hàng triệu người dân Syria đã đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới. Đây là lần thứ 2, Syria tổ chức bầu cử Tổng thống kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các cuộc xung đột đã khiến khoảng nửa triệu người Syria thiệt mạng, một nửa dân số phải trốn chạy và tỵ nạn sang các nước láng giềng hoặc sang khu vực châu Âu, gây ra một trong những cuộc khoảng hoảng người di cư tồi tệ nhất trong nửa đầu thế kỷ 21.
Liệu cuộc bầu cử Tổng thống lần này có mang lại làn gió mới nào cho quốc gia Trung Đông này, nơi mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá là “không còn chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình”.
Tổng thống Syria liệu có thêm 1 nhiệm kỳ 7 năm nữa?
Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố trong vòng 48 giờ sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu. Trước đó, cử tri ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu ở 46 đại sứ quan, lãnh sự quán Syria trên khắp thế giới được đánh giá diễn ra trong bầu không khí tích cực và dân chủ.
Ủy ban bầu cử tư pháp tối cao ở Syria cho biết cử tri tham gia tích cực và đông đảo được đảm bảo tiến đúng quy trình bầu cử phù hợp với hiến pháp và luật tổng tuyển cử. Cơ quan này cho biết do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nên thời gian bầu cử được kéo dài đến 12 giờ đêm ở tất cả các trung tâm bầu cử ở các bang. Các nhà báo quốc tế, các quan sát viên được mời theo dõi cuộc bầu cử để đảm bảo khách quan, minh bạch.
Quá trình kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó nhưng tới sáng 27/5 chưa có kết quả sơ bộ do quá trình kiểm đếm phiếu được tiến hành thủ công. Dù vậy, so với hai ứng cử viên còn lại, Tổng thống Bashar Al-Assad vẫn được đánh giá là có khả năng giành chiến thắng vượt trội nhưng điều này vẫn phải chờ kết quả kiểm phiếu. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định việc tổ chức bầu cử tổng thống đúng thời hạn thể hiện một thông điệp tới toàn thế giới rằng kẻ thù của Syria không và sẽ không làm suy yếu chủ quyền, quyết định độc lập và tự do của quốc gia này, bất kể áp lực như thế nào.
Cam kết tái thiết đất nước và triển vọng?
Khẩu hiệu tranh cử của ông Assad lần này là mong muốn làm việc và tái thiết đất nước. Trong cuộc nói chuyện với cử tri khi đi bầu cử ông Assad vẫn tái khẳng định sẽ làm việc và xây dựng các thành phố, làng mạc và thị trấn, khôi phục lại cho các cánh đồng đồng thời khẳng định tất cả người dân Syria ở bên trong và ngoài là những người duy nhất có công lao cho mọi thành tích. Điều đó cho thấy quyết tâm của ông Bashar Al-Assad trong việc xây dựng và tái thiết đất nước.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là ông Assa và chính quyền Syria hiện nay được đông đảo cử tri tín nhiệm với nỗ lực giải phóng đất nước khỏi khủng bố và các thế lực chống phá. Chính quyền này với sự ủng hộ của Nga, Iran, nhiều nước Arab đã giải phóng 2/3 lãnh thổ, đưa đất nước có thể nói là giành thắng lợi trước các cuộc chiến ủy nhiệm và các tổ chức khủng bố. Do đó nếu thắng cử ông Assad có nhiều điều kiện hơn các ứng cử viên khác cả về kinh nghiệm, uy tín và sự ủng hộ của cử tri, cộng đồng quốc tế để có thể thực hiện cam kết tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, câu chuyện tái thiết Syria có lẽ sẽ còn dài dù vẫn đề này từ nhiều năm nay đã được bàn thảo đề cập. Nga và Trung Quốc đã có các kế hoạch hỗ trợ và tham gia tái thiết, đồng thời có quan hệ tốt với chính quyền và Tổng thống Syria Basah Al Assad. Đó là sự thuận lợi cho Syria. Nhưng số tiền cần tái thiết lến tới 400 tỉ USD và để Syria trở về như trước năm 2010 mất từ 10 đến 20 năm với điều kiện chiến tranh kết thúc ngay bây giờ, trong khi người dân đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với sự cạn kiệt nguồn lực của nhà nước và hậu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Đây là vấn đề rất khó với Syria và bất cứ ai làm tổng thống chứ không riêng ông Assad. Đến nay, Ủy ban tái thiết Syria mới huy động được khoảng 307 triệu USD giúp người dân xây dựng lại những ngôi nhà bị tàn phá. Trong khi các nước phương Tây và Mỹ hạn chế hỗ trợ cho chính quyền Bashar al-Assad để tái thiết. 1/3 lãnh thổ Syria vẫn do Thổ Nhĩ Kỳ với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây kiểm soát và trong khu vực này vẫn có các nhóm cực đoan, khủng bố. Sự yên bình của Syria hiện nay chỉ là tạm thời, căng thẳng, đụng độ và xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào khiến cho câu chuyện tái thiết trở nên vô cùng khó khăn.
Vì sao quốc tế phản ứng trái chiều về bầu cử ở Syria?
Trước hết, bầu cử tổng thống là một hoạt động chính trị của Syria theo hiến pháp nước này quy định và đó là vấn đề nội bộ của Syria.
Thứ hai, cử tri Syria ở trong và ngoài nước hoàn toàn có quyền đi bầu cử nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh và ở tây bắc Syria, chẳng hạn như Idlib, Afrin, Ras al-Ain và Jarabulus cử tri sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử, với diện tích ước tính chiếm khoảng 10% diện tích của Syria vì lý do an ninh và do Thổ Nhĩ Kỳ mà đứng sau là Mỹ và phương tây hậu thuẫn kiểm soát thì rất khó để đánh giá là “không công bằng và không tự do”.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nói rằng những tuyên bố của các nước phương Tây phủ nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống hiện nay ở đất nước ông là không có giá trị gì. Ông Al-Assad nhấn mạnh rằng Syria không chú ý đến tuyên bố của phương Tây về cuộc bầu cử và khẳng định phong trào quần chúng trong các cuộc bầu cử là đủ. Ông khẳng định công dân Syria được tự do và quyền quyết định nằm trong tay họ chứ không phải bất kỳ bên nào khác.
Trên thực tế vấn đề Syria là cuộc chiến ủy nhiệm giữa một bên là chính quyền Syria của tổng thống Bashar Al-Assad được Nga, Iran ủng hộ với một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và phương Tây. Chưa kể Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và phương Tây vẫn muốn Syria chuyển đổi chế độ và tổng thống Al Assad hay chính quyền của ông phải ra đi thì việc các nước này tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử hay cho rằng sự kiện này “không công bằng và không tự do” cũng là dễ hiểu.
Đối với Nga, họ có một lập trường khác, họ bảo vệ tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống Syria và cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Syria, tuân thủ hiến pháp Syria năm 2012 nên không mâu thuẫn với bất kỳ hình thức nào. Nga cho rằng các tuyên bố từ một số nước phản đối bầu cử là một phần của chiến dịch gây áp lực chính trị đối với Syria và một nỗ lực mới nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Syria
Kịch bản này gợi nhớ đến cuộc bầu cử tổng thống Syria cách đây 7 năm đã diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, kinh tế nghèo nàn, khủng bố gia tăng. Cuối cùng, ông Assad nhận được gần 89% phiếu bầu. Ông al-Assad tiếp tục nắm quyền lực mà cha ông đảm nhận vào năm 1970 và sau khi truyền lại cho ông vào năm 2000./.