Bầu rồi lật đổ người được bầu - Ai Cập bộn bề khó khăn
(VOV) - Sau Mùa xuân Arab, hàng triệu dân xứ Kim Tự Tháp lại xuống đường lật đổ chính người mà họ đã bầu nên trước đó.
Sau quyết định của quân đội Ai Cập công bố đêm 3/7 (giờ Ai Cập) về đình chỉ Hiến pháp, trao quyền điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển giao cho Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao và tiến hành bầu cử Tổng thống trước thời hạn, cụm từ Cách mạng, hay Cách mạng 30/6 đã được giới truyền thông, các lực lượng đối lập cùng hàng triệu người dân Ai Cập nhắc đến.
Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm rưỡi sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” lật đổ Tổng thống Mubarak (tháng 1/2011), hàng triệu người dân đất nước Kim Tự Tháp một lần nữa xuống đường nhằm thay đổi chế độ cầm quyền do chính họ tạo ra và họ lại thành công. Lịch sử Ai Cập bước sang trang mới với bộn bề khó khăn và thách thức phía trước.
Phe đối lập thành công chóng vánh, lực lượng Morsi phản đòn vô vọng
Trong cuộc Cách mạng 30/6, các lực lượng đối lập theo chủ nghĩa thế tục đã chiến thắng các lực lượng Hồi giáo theo chủ nghĩa thần quyền cùng một chính quyền non trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh chính trị và phải thừa hưởng nhiều gắnh nặng từ chế độ cũ để lại. So với cuộc “cách mạng” được gọi là “Mùa xuân Arab” năm 2011, cuộc Cách mạng 30/6 được đánh giá là thành công khá chóng vánh và dễ dàng của phe đối lập.
Phe đối lập biểu tình phản đối Tổng thống Mohamed Morsi (ảnh: EPA) |
Trong đó, sự vào cuộc của quân đội được coi là bước ngoặt quyết định của cuộc Cách mạng. Chỉ hơn 24 giờ sau khi chiến dịch biểu tình với hàng triệu người đòi Tổng thống Morsi phải từ chức đồng loạt nổ ra trên toàn lãnh thổ Ai Cập, quân đội Ai Cập đã ra tối hậu thư 48 giờ cho tất cả các lực lượng chính trị “đáp ứng các yêu cầu của nhân dân Ai Cập”.
Tổng thống Morsi và các lực lượng Hồi giáo lập tức nhận ra hành động của quân đội Ai Cập là nhằm vào chính mình và cũng lập tức có hành động đáp trả. Các lực lượng ủng hộ Tổng thống kêu gọi người dân xuống đường biểu tình để “bảo vệ sự hợp hiến”, trong khi Tổng thống Morsi tuyên bố vẫn duy trì quyền lực hợp pháp của mình. Vài giờ trước thời hạn chót kết thúc, Tổng thống Morsi đưa ra sáng kiến thành lập chính phủ mới cũng đề nghị sẵn sàng sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, những sự phản kháng này chưa đủ để đảo ngược cục diện và thay đổi thực tế là có hàng triệu người ủng hộ phe đối lập và quân đội đang quyết tâm theo đuổi mục đích của mình trên các quảng trường và đường phố. Ý nguyện của những người biểu tình đã được quân đội lắng nghe và đáp ứng.
“Cách mạng xanh” thay thế Mùa xuân Arab
Quyết định đình chỉ Hiến pháp và bãi nhiệm Tổng thống Morsi của quân đội là điều tất yếu sau những gì diễn ra, đó là nhận xét của rất nhiều nhà phân tích và quan sát khu vực. Ngoài hai sự kiện đẫm máu đáng chú ý là vụ tấn công trụ sở Tổ chức Anh em Hồi giáo ở ngoại ô Cairo khiến 8 người chết và cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi tại quảng trường Phục Hưng ở tỉnh Giza khiến 18 người thiệt mạng, cuộc Cách mạng 30/6 đã không phải chứng kiến nhiều sự kiện đẫm máu như trong cuộc Cách mạng mùa xuân Arab, cho dù số người tham gia trong cuộc Cách mạng lần này lớn hơn rất nhiều số người gia nhập cuộc “Cách mạng” cách đây 2 năm rưỡi. Vì lẽ này, nhiều người đã gọi cuộc Cách mạng 30/6 là cuộc Cách mạng màu xanh, Cách mạng hòa bình…. Cũng vì Cách mạng diễn ra và thành công quá nhanh chóng, đổ máu không nhiều, nên nhiều người đã lạc quan tin rằng, đất nước Ai Cập bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, thời kỳ của sự ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.
Thế kiềng 3 chân
Tuy nhiên, thực tế là đất nước Ai Cập đang một lần nữa bước vào thời kỳ chuyển giao quyền lực đầy khó khăn, căng thẳng trong khi vẫn đang phải đối mặt với bộn bề thách thức, đặc biệt là vấn đề kinh tế, do hệ lụy từ cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab”. Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, bài toán lý tưởng nhất cho Ai Cập vẫn là đạt được thỏa thuận về chia sẻ quyền lực giữa 3 thế lực lớn và có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội lúc này là: quân đội – các lực lượng đối lập, thế tục – các đảng Hồi giáo (bao gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi).
Sẽ là sai lầm lớn nếu bất kỳ bên nào bị gạt ra khỏi cục diện tương lai chính trị sắp tới tại Ai Cập. Trong đó, rất nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, loại bỏ hoàn toàn vai trò của Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ chỉ càng khắc sâu sự rạn nứt, chia rẽ và tình trạng phân cực trong xã hội Ai Cập. Thế nhưng, chia sẻ quyền lực thế nào cho thỏa đáng đang là dấu chấm hỏi lớn khi mà một bên đang ở thế thượng phong (phe đối lập) và bên khác (lực lượng Hồi giáo) vừa thất thế trong một cuộc đối đầu quyền lực nghẹt thở. Hơn thế, trong chính nội bộ mỗi bên, vẫn đang tồn tại những bất đồng quan điểm nhất định về nhiều vấn đề then chốt. Như nhận xét của một nhà phân tích người Ai Cập, sự hoài nghi trong nội bộ của chính các bên đang là một rào cản lớn cho vấn đề chia sẻ quyền lực với bên khác.
Một lần nữa, Quân đội Ai Cập, lực lượng có uy tín cao trong công chúng cùng thực lực lớn nhất, đang được chờ đợi là người cầm cân nảy mực tốt nhất cho cuộc điều đình đầy khó khăn này.
Chính trị và… hơn thế nữa
Ngay cả khi giả định giai đoạn chuyển giao kéo dài từ 6 tháng cho đến một năm diễn ra suôn sẻ thì Chính quyền mới chắc chắn vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn, đứng đầu là vấn đề kinh tế. Các nhà phân tích đặc biệt nhấn mạnh rằng, nguyên nhân chính khiến người dân Ai Cập xuống đường và làm sụp đổ Chính quyền như vừa qua là do vấn đề kinh tế, vấn đề cơm ăn áo mặc và cuộc sống hàng ngày của người dân, chứ không phải hoàn toàn vì vấn đề chính trị.
Sự điều hành yếu kém về kinh tế của Chính quyền Morsi đã không mang lại một cuộc sống vật chất (và cả tinh thần) tốt đẹp như kỳ vọng cho hàng triệu người dân vốn luôn chờ đợi những sự đổi thay tích cực từ sau “Cách mạng” mùa xuân Arab. Tâm lý bất mãn, thất vọng và thiếu niềm tin vào bộ máy cầm quyền ngày càng phình to lên trong dân chúng, đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao ngày càng thôi thúc những cái đầu đã mất dần kiên nhẫn của dân Ai Cập.
Các lực lượng đối lập, vốn cũng đang bất mãn mạnh mẽ về việc Chính quyền ra sức thâu tóm quyền lực về phe Hồi giáo và phản bội lại cuộc “Cách mạng” mùa xuân Arab, đã nhận ra thực tế này, phát động biểu tình quần chúng chống Chính quyền và đã thành công.
Bởi vậy, việc vực dậy, phục hồi và đưa nền kinh tế Ai Cập sắp kiệt quệ hiện nay đi lên, tiếp tục được coi là thách thức lớn nhất, đe dọa sự tồn vong của bất kỳ chính phủ tương lai nào của Ai Cập.
Bên cạnh đó, việc giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn nội tại trong xã hội Ai Cập, khôi phục vị thế của đất nước trong khu vực và xây dựng một chính sách ngoại giao khôn ngoan trong bối cảnh khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, cũng sẽ là những thử thách không hề đơn giản cho mọi Chính quyền mới. Bất kỳ bộ máy cầm quyền tương lai nào của Ai Cập cũng phải vượt qua được những thách thức này mới có hy vọng làm cho Ai Cập thực sự bước vào thời kỳ ổn định, phát triển và thịnh vượng lâu dài, trở lại vị thế đầu tàu của thế giới Arab như kỳ vọng của nhiều người dân đất nước Kim Tự Tháp./.