Bên trong cuộc thảo luận của phương Tây về việc Ukraine gia nhập NATO
VOV.VN - Các quan chức Mỹ và Đức đề xuất NATO nên cam kết trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới rằng Ukraine có một "cầu nối" để gia nhập liên minh, thay vì một "con đường không thể đảo ngược" như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói vào tháng 4/2024.
Cuộc thảo luận trước thềm thượng đỉnh NATO
Mỹ và một số đồng minh chủ chốt, bao gồm cả Anh đang tích cực thảo luận về mức độ cam kết mạnh mẽ với tư cách thành viên NATO của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh sắp tới ở Washington. Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với sự chỉ trích từ nhiều nước châu Âu vì không sẵn sàng tiến xa hơn như một số quốc gia mong muốn, đặc biệt là những nước giáp biên giới với Nga, các nguồn tin của Mỹ và châu Âu quen thuộc với các cuộc thảo luận cho hay.
Các quan chức Mỹ và Đức đã đề xuất rằng liên minh nên cam kết trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới rằng Ukraine có một "cầu nối" để trở thành thành viên NATO, thay vì một "con đường không thể đảo ngược" như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói vào tháng 4 bằng ngôn ngữ được Anh cùng một số nước Đông và Trung Âu ủng hộ, nhiều nguồn thạo tin nhận định với CNN.
Tuyên bố cuối cùng NATO đưa ra về Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới ở Washington là rất quan trọng. Nó sẽ được các đồng minh thảo luận cụ thể trong những ngày tới và sau đó được xem xét kỹ lưỡng vì tuyên bố này sẽ vạch ra cho thế giới, đặc biệt là Nga, những mục tiêu cho Ukraine trong NATO.
"Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Washington, chúng tôi sẽ tiến hành các bước đi cụ thể đưa Ukraine tới gần NATO và đảm bảo rằng có một cầu nối để nước này trở thành thành viên - một cây cầu vững chắc và sáng sủa", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định tại cuộc họp của ngoại trưởng các nước NATO ở Prague, Cộng hòa Séc vào cuối tháng 5.
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden không cho rằng từ "không thể đảo ngược" sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn bộ liên minh, khi đặc biệt chỉ ra việc Hungary có thể là bên sẽ cản trở. Quan chức này cho biết, Mỹ tin rằng họ sắp đạt được một giải pháp với tất cả đồng minh về mặt ngôn từ song từ chối cho xem trước quyết định trên.
Một số thành viên NATO cũng do dự sử dụng từ này bởi Ukraine chưa thực hiện được tất cả các cải cách dân chủ và chống tham nhũng cần thiết để trở thành thành viên, một quan chức Mỹ khác nói.
Giữa bối cảnh thời điểm đến hội nghị thượng đỉnh còn khoảng 1 tháng nữa, chủ đề này vẫn là tâm điểm căng thẳng trong các cuộc thảo luận đang diễn ra.
Theo một nhà ngoại giao Trung Âu: "Hầu hết các nước Trung Âu đều thất vọng vì sự mơ hồ và trì hoãn của chính quyền Tổng thống Biden" trong việc phác thảo một lộ trình cụ thể cho Ukraine.
Một quan chức châu Âu khác mà quốc gia của người này có quan điểm tích cực hơn so với Mỹ về tư cách thành viên của Ukraine thì tiết lộ rằng, các nước châu Âu đã trực tiếp vận động Nhà Trắng để lộ trình gia nhập của Ukraine trở nên rõ ràng nhất có thể.
"Chúng tôi cảm thấy cần phải vạch ra một con đường mới. Cần xem xét việc theo dõi nhanh (tư cách thành viên của Ukraine)", quan chức này nói.
Hồi tháng 4/2024, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zleensky tại Kiev rằng, "công việc mà chúng tôi thực hiện đang đưa Ukraine vào một con đường không thể đảo ngược để trở thành thành viên NATO, để đến khi thời điểm thích hợp, Ukraine có thể trở thành thành viên NATO ngay lập tức".
Tuy nhiên, có một sự thừa nhận chung rằng, quan điểm của NATO ngoài hội nghị thượng đỉnh cần phải được cải thiện so với cuộc họp năm ngoái ở thủ đô Vilnius của Litva, khi các đồng minh tuyên bố rằng "tương lai của Ukraine là ở NATO" nhưng không đưa ra mốc thời gian. Các thành viên của NATO thông báo vào thời điểm đó rằng họ sẽ loại bỏ yêu cầu về Kế hoạch Hành động Thành viên đối với Ukraine, nhằm giúp nước này dễ dàng gia nhập liên minh hơn, nhưng vẫn từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Điều đó đã khiến Tổng thống Zelensky không hài lòng khi ông đăng trên mạng xã hội X rằng, việc không đưa ra mốc thời gian cho tư cách thành viên là "chưa từng có và vô lý".
Cam kết mơ hồ năm 2008
Trở lại năm 2008 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Budapest, Ukraine lần đầu tiên được đưa ra một cam kết mơ hồ về lời mời gia nhập liên minh trong tương lai.
"Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có ngôn ngữ thể hiện rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh. Ngôn ngữ chính xác về những gì chúng tôi sẽ đồng ý hiện đang được thảo luận giữa các đồng minh. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một giải pháp tốt, đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh", ông Stoltenberg nói tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/6/2024.
Chính quyền Tổng thống Biden đã ca ngợi hiệp ước quốc phòng 10 năm mới ký với Ukraine và gọi nó là "cầu nối để Ukraine trở thành thành viên cuối cùng trong Liên minh NATO".
Tuy nhiên, với nhiều nước châu Âu, điều đó vẫn chưa đủ.
"Dĩ nhiên chúng tôi sẽ ủng hộ 'điều không thể đảo ngược”, một quan chức Đông Âu nói. Quan chức này nhận định "việc chúng tôi mong muốn nhiều hơn từ phía Mỹ không phải là bí mật", đồng thời cho biết, họ hy vọng chính quyền Washington vẫn có thể "linh hoạt" trước thềm cuộc họp chính thức vào tháng tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình sẽ chỉ bắt đầu với Ukraine nếu Kiev chính thức từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
"Ngay sau khi Kiev tuyên bố họ sẵn sàng cho một quyết định như vậy, lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán sẽ ngay lập tức được đưa ra từ phía chúng tôi", Tổng thống Putin nói.
Một nội dung quan trọng trong tư cách thành viên NATO là nguyên tắc phòng thủ tập thể tại Điều 5 Hiệp ước NATO. Theo đó, các đồng minh NATO sẽ bảo vệ bất kỳ thành viên nào bị tấn công. Ukraine đã tăng cường nỗ lực gia nhập NATO kể từ năm 2014.
Từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022, giới chức nước này và châu Âu đã cáo buộc Mỹ quá lo ngại về việc khiêu khích Nga cũng như nguy cơ xung đột leo thang. Ukraine vừa biết ơn, vừa thất vọng khi chứng kiến Mỹ cung cấp các gói hỗ trợ vũ khí ngày càng lớn hơn nhưng với tốc độ chậm hơn mức cần thiết.
Tháng trước, ông Stoltenberg đã gián tiếp chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công Nga, điều mà Ukraine nói rằng chẳng khác nào họ phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.
"Ukraine có quyền tự vệ và điều đó bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", ông Stoltenberg nói với The Economist.
Ngày 30/5, chính quyền Tổng thống Biden thông báo Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga nhưng chỉ theo một cách hạn chế: đó là nhắm vào các mục tiêu quân sự bên kia biên giới từ thành phố Kharkov chứ không phải bằng vũ khí đáng gờm nhất của Mỹ là tên lửa tầm xa ATACMS.
Anh thường có lập trường cứng rắn hơn so với Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như cách sử dụng những vũ khí này. Nhìn chung, trong suốt cuộc xung đột, các quan chức Anh - đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong NATO luôn hy vọng Nhà Trắng có lập trường quyết liệt hơn.
Các quan chức mà CNN trao đổi nhấn mạnh rằng, khi nói đến thông cáo của NATO thì vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra và việc sử dụng ngôn từ vẫn đang được thảo luận tích cực trước thềm hội nghị.
Một quan chức Đông Âu cho biết: "Khi văn bản được đặt trên bàn và các quốc gia bắt đầu đàm phán, chúng ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán và dĩ nhiên chúng tôi muốn nó tham vọng nhất có thể".