Bị bỏ lại khi Mỹ rút đi, một số cựu điệp viên và quân nhân Afghanistan gia nhập IS-K
VOV.VN - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tung ra những lời mời gọi bằng số tiền lớn để chiêu mộ các chiến binh mới từ chính các cựu điệp viên và quân nhân Afghanistan.
Tiếp tục chống Taliban bằng cách gia nhập IS
Một số cựu thành viên của cơ quan tình báo và đơn vị quân sự tinh nhuệ Afghanistan do Mỹ đào tạo đã bị bỏ lại sau khi Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á này và hiện họ đang bị Taliban săn lùng. Trước thực tế này, họ đã gia nhập lực lượng duy nhất còn có khả năng thách thức chế độ Taliban – Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Số lượng kẻ đào tẩu gia nhập IS tương đối nhỏ nhưng đang gia tăng, theo các thủ lĩnh Taliban, cựu quan chức an ninh của Afghanistan, và những người biết đến những kẻ này.
Những tân binh này có khả năng giúp tổ chức cực đoan IS nâng cao năng lực chuyên môn trong thu thập tình báo và tác chiến, từ đó có thể tăng cường khả năng đối đầu với chế độ Taliban.
Một cựu quan chức Afghanistan cho biết, một cựu sĩ quan quân đội quốc gia Afghanistan từng chỉ huy kho vũ khí và đạn dược của quân đội ở Gardez (thủ phủ tỉnh Paktia) đã gia nhập chi nhánh của IS ở Afghanistan (còn gọi là IS-K). Y đã bị tiêu diệt cách đây một tuần trong cuộc đụng độ với các chiến binh Taliban.
Theo vị cựu quan chức nói trên, một vài người mà ông biết – đều là thành viên cơ quan tình báo và quân đội nước cộng hòa Afghanistan trước đây, cũng đã gia nhập IS sau khi Taliban lục soát nhà họ và yêu cầu họ ra trình diện với nhà cầm quyền mới.
Một cư dân của khu Qarabagh nằm về phía bắc Kabul cho hay, người họ hàng của anh ta – cựu thành viên cao cấp thuộc lực lượng đặc nhiệm Afghanistan, biến mất vào tháng 9/2021 và giờ đã trở thành thành viên một tiểu tổ của IS-K. Cư dân này cho biết thêm, 4 quân nhân khác của Quân đội Quốc gia Afghanistan mà anh này biết đều đã gia nhập nhóm IS-K trong các tuần gần đây.
Rahmatullah Nabil – cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Quốc gia của Afghanistan, đã rời đất nước này ngay trước khi Taliban lên nắm quyền. Ông cho biết: “Ở một số khu vực, IS trở nên rất hấp dẫn đối với các thành viên ngành an ninh và quốc phòng bị bỏ rơi. Nếu có phong trào kháng chiến, họ sẽ gia nhập, nhưng hiện tại IS là nhóm vũ trang duy nhất như vậy”.
Các lực lượng Taliban hồi đầu tháng 9/2021 đã dập tắt phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir do Ahmad Massoud lãnh đạo. Các thủ lĩnh của phong trào kháng chiến này sau đó đã chạy trốn ra nước ngoài.
Kịch bản Iraq đang lặp lại?
Taliban đã từ lâu cáo buộc rằng IS-K là sáng tạo của cơ quan tình báo Afghanistan và Mỹ nhằm gieo rắc sự chia rẽ trong nội bộ phong trào Hồi giáo này. Cả Mỹ và chính quyền Afghanistan trước đây đều bác bỏ tuyên bố đó của Taliban.
Hàng trăm ngàn quân nhân, nhân viên tình báo và cảnh sát của nước cộng hòa Afghanistan trước đây hiện nay rơi vào cảnh thất nghiệp, đồng thời nơm nớp lo cho mạng sống của mình dù cho phía Taliban có cam kết ân xá.
Chỉ có một bộ phận nhỏ trong số này, hầu hết thuộc Tổng cục An ninh Quốc gia, quay trở lại làm việc dưới sự giám sát của Taliban. Như hầu hết các nhân viên khác trong chính quyền Afghanistan, họ chưa được trả lương trong các tháng qua.
Một quan chức cấp cao của phương Tây cảnh báo: “Đây chính là những gì từng bắt đầu xảy ra ở Iraq, khi các viên tướng thời Saddam Hussein bị vỡ mộng... Bạn phải cẩn trọng”.
Năm 2003, Mỹ giải tán lực lượng vũ trang và an ninh của Iraq sau khi đưa quân vào nước này. Các đối tượng này vẫn giấu vũ khí tại nhà. Với nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu, họ trở thành một nguồn cung tân binh cho các nhóm chiến binh như al-Qaeda và IS.
Giới chức an ninh Mỹ cho hay, IS-K đang hứa hẹn cung cấp các khoản tiền mặt lớn cho các chiến binh mới tuyển ở Afghanistan. Trong một phiên điều trần gần đây tại Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Colin Kahl cảnh báo rằng IS ở Afghanistan có thể xây dựng năng lực tấn công phương Tây và đồng minh trong vòng 6 đến 12 tháng nữa.
Mặc dù Taliban và IS-K đều nói rằng họ muốn thiết lập một trật tự Hồi giáo nghiêm ngặt ở Afghanistan, hai nhóm này có những khác biệt sâu sắc về tôn giáo, hệ tư tưởng, và chính trị.
Taliban chủ yếu theo trường phái Hồi giáo Sunni Hanafi, chủ trương xây dựng một quốc gia-dân tộc Afghanistan. Họ tuyên bố mong muốn tìm kiếm quan hệ hữu hảo với tất cả các nước, bao gồm cả Mỹ. Họ xem người thiểu số Hazara của dòng Hồi giáo Shiite như những người Hồi giáo anh em.
Trong khi đó, IS theo truyền thống Hồi giáo Salafi hà khắc hơn, coi người Shiite là những kẻ bội giáo, cần phải diệt trừ. Chúng theo đuổi xây dựng một caliphate Hồi giáo toàn cầu thông qua chinh phục quân sự.
IS-K chịu ảnh hưởng từ các thủ lĩnh gốc của IS ở Syria và Iraq. IS-K do một nhóm các chiến binh Taliban Afghanistan và Taliban Pakistan thành lập vào năm 2014. Nhóm chiến binh này cho rằng ban lãnh đạo của Taliban khi ấy thiếu cấp tiến khi cố gắng hòa đàm với Mỹ. IS-K kiểm soát một số khu vực của miền đông Afghanistan cho đến khi Taliban mở một cuộc tiến công vào năm 2015 và làm suy yếu đáng kể nhóm này.
IS đang mạnh lại nhưng Taliban không công khai thừa nhận điều đó
IS-K đã phục hồi mạnh trong năm 2021 này, tận dụng sự sụp đổ của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan và việc rút lui của lực lượng chống khủng bố của Mỹ. IS-K đã giết chết 200 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ tại sân bay Kabul vào tháng 8/2021, và kể từ đó đã tiến hành một chuỗi tấn công vào Taliban, chủ yếu ở tỉnh Nangarhar (miền đông Afghanistan), và bây giờ thêm Kabul là một trọng điểm tấn công. Nhóm IS này cũng nhận trách nhiệm đã đánh bom các thánh đường Hồi giáo ở các thành phố Kunduz và Kandahar vào tháng 10 khiến hơn 100 tín đồ thiệt mạng.
Mỹ đã bắt đầu cung cấp cho Taliban các thông tin tình báo về IS. Tuy nhiên, giới chức Taliban ngần ngại thừa nhận sự hợp tác này và nói chung hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các thách thức do IS đặt ra.
Liên quan đến IS, Mawlawi Zubair – một chỉ huy Taliban với 750 cảnh sát đảm trách an ninh khu vực tây nam của Kabul, tuyên bố: “Chúng tôi không đối diện với mối đe dọa nào cũng như không lo lắng về bọn chúng. Chúng tôi không cần một chút trợ giúp nào từ bất cứ ai để chống lại IS”.
Gần đây xảy ra một vụ quăng lựu đạn vào các binh lính Taliban ở khu vực vườn thú Kabul. Zubair cho rằng các cuộc tấn công như thế này 100% là do các cựu thành viên lực lượng vũ trang Afghanistan thực hiện.
Zubair cho biết thêm, IS đang lợi dụng tâm lý bất mãn do tình hình kinh tế ở Afghanistan xấu đi sau khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 15/8/2021.
Vị chỉ huy này thừa nhận “hiện nay chúng tôi đối diện với không phải một số mà rất nhiều khó khăn”. Ông ta đánh giá: “Nếu chúng tôi khắc phục được các vấn đề về kinh tế và hành chính thì IS sẽ biến mất trong vòng 15 ngày trên toàn lãnh thổ Afghanistan”./.