Bị “trói chân” tại Kursk, Ukraine dùng lối đánh du kích đối phó Nga
VOV.VN - Khi những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trôi qua, số phận của vùng lãnh thổ mà Ukraine giành được tại tỉnh Kursk, miền Tây nước Nga có khả năng quyết định biên giới tương lai của Kiev. Trong bối cảnh bị Moscow áp đảo cả về nhân lực và vật lực, Kiev đã tung chiến thuật du kích nhằm bào mòn sức mạnh của đối phương.
Quân đội Ukraine đã chiếm được các vùng lãnh thổ ở Kursk vào tháng 8/2024 sau chiến dịch đột kích lớn khiến Điện Kremlin bất ngờ. Ngay sau đó, Nga đã huy động hàng chục nghìn binh sỹ, tiến hành các cuộc phản công theo từng đợt để đẩy lùi đối phương.
Khoảng 20.000 binh sỹ Ukraine đang phải gồng mình giữ vững phòng tuyến trong một khu vực ngày càng bị thu hẹp dần tại Kursk sau khi Tổng thống Vladimir Putin điều động khoảng 50.000 binh lính Nga, 10.000 binh sỹ Triều Tiên và sử dụng công nghệ quân sự tiên tiến để phá vỡ vị thế của Ukraine.
"Ukraine muốn sử dụng lãnh thổ này như một con bài mặc cả. Nhưng tôi cho rằng Nga sẽ không đồng ý đàm phán cho đến khi họ giành lại được toàn bộ khu vực Kursk. Đàm phán có thể được thúc đẩy sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Và chính quyền Biden đang cố gắng tăng cường hỗ trợ để đưa Ukraine vào một vị thế tốt hơn", ông John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định.
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, Nga đã giành lại khoảng 40% diện tích lãnh thổ mà Ukraine chiếm được ở Kursk. "Ở giai đoạn cao trào, chúng tôi kiểm soát khoảng 1.376 km2 lãnh thổ Kursk, nhưng con số hiện nay nhỏ hơn. Hiện giờ chúng tôi chỉ kiểm soát khoảng 800km2”, nguồn tin này nêu rõ.
Vào tháng 10/2024, Tổng thống Putin đã yêu cầu cho các chỉ huy của Nga đẩy lùi Ukraine ra khỏi Kursk trước ngày 25/2/2025 — nhưng khung thời gian này có thể đã bị rút ngắn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.
Ông Trump cam kết sẽ nhanh chóng thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025 để chấm dứt các cuộc giao tranh. Đội ngũ của ông vẫn chưa công bố chi tiết cụ thể về cách thức chấm dứt xung đột nhưng một số nhà phân tích cho rằng, kế hoạch này có thể bao gồm việc đóng băng tiền tuyến và trao đổi đất đai giữa hai bên.
Căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang trong tháng này sau khi Tổng thống Biden cho phép quân đội Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga. Chính quyền Biden cho rằng, việc Triều Tiên điều binh sỹ hỗ trợ Nga trong các cuộc giao tranh ở Kursk là một trong những yếu tố khiến họ đưa ra quyết định này.
Ukraine tung chiến thuật du kích
Ukraine bắt đầu bắn tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga từ tuần trước, nhằm vào những mục tiêu quân sự ở Bryansk, Karachev, Kaluga, Kursk và nhiều nơi khác. Moscow đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung tấn công thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả mối đe dọa mới từ Kiev. Ngoài khu vực Kursk, Ukraine cũng đang mất lợi thế trong các cuộc giao tranh ở Donetsk. Theo Tổng thống Zelesnky, vùng lãnh thổ miền đông này vẫn là mục tiêu chính của Nga và Kiev đang phải đối mặt với “những thách thức nghiêm trọng nhất”.
Một số chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng diễn ra đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng, chiến dịch của Kiev tấn công tỉnh Kursk còn mang giá trị lớn hơn, chứ không chỉ là “con bài mặc cả”.
"Tôi không cho rằng, Ukraine biết rõ họ sẽ phải đàm phán nên muốn chiếm một phần lãnh thổ Nga để tăng đòn bẩy chính trị bởi Nga sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc giành lại vùng lãnh thổ này nếu họ tập trung toàn lực", nhà phân tích George Barros tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh lưu ý.
Thay vào đó, ông Barros tin rằng cuộc tấn công Kursk là một nỗ lực của Ukraine nhằm buộc Tổng thống Putin phải giảm bớt nguồn lực và nhân sự từ các mặt trận khác để bảo vệ vùng biên giới.
"Nếu Nga củng cố vùng biên giới này theo cách mà họ đã làm với phần còn lại của tiền tuyến là vây siết và từng bước đẩy lùi đối phương, họ sẽ phải gia tăng đáng kể binh lực và vật lực” ông Barros nhận định với Washington Examiner. Trong trường hợp Moscow không phân bổ nguồn lực lớn để bảo vệ Kursk, Ukraine sẽ có cơ hội mở rộng quy mô của chiến dịch xâm nhập và tiến hành nhiều cuộc tấn lớn hơn.
Chuyên gia quân sự Oleksii Hetman của Ukraine tiết lộ, các đơn vị của nước này đang sử dụng chiến thuật du kích tại Kursk, cho phép họ chống lại lực lượng Nga với quân số đông gấp 10 lần và duy trì quyền kiểm soát những vùng lanh thổ chiếm được.
Giải thích về chiến thuật này, ông Oleksii Hetman cho biết: “Đối phương cố gắng giao chiến với các đơn vị của chúng tôi vì họ đông hơn gấp 3 đến 10 lần. Việc giao tranh trực tiếp với quân Nga trên các cánh đồng trống hoặc rừng rậm không có công sự sẽ khá bất lợi cho Ukraine, vì thế chúng tôi tránh những tình huống như vậy và chuyển sang chiến thuật du kích. Theo đó, từng đơn vị nhỏ của chúng tôi di chuyển cơ động trên lãnh thổ Nga, nhằm mục đích gây thiệt hại tối đa cho đối phương”.
Hiện các bên đang cạnh tranh để gia tăng lợi ích trước khi chính quyền mới của Mỹ lên nắm quyền. Nếu các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức ở thời điểm hiện tại, có lẽ không bên nào hài lòng với vị thế của họ, ông Barros lưu ý.
Cả Nga và Ukraine đều phải chịu tổn thất lớn khi xung đột bước sang năm thứ 3. Cuộc chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế của hai nước, đồng thời gây tê liệt các cơ sở hạ tầng xã hội. Cho dù các cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kursk là một phần của chiến lược chính trị lớn hơn, hay đơn giản chỉ là ván bài của Ukraine để làm suy yếu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, thì đây vẫn là trung tâm của các cuộc tranh luận.
"Không có câu trả lời đúng hay sai khách quan nào khi nói đến vấn đề này. Tôi cho rằng các chuyên gia sẽ còn tiếp tục tranh luận về tính chiến lược của Kursk trong một thời gian dài”, ông Barros lưu ý.