Bước ngoặt trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump siết chặt chi tiêu
VOV.VN - Ông Trump đã làm được một điều mà chưa một người tiền nhiệm nào thành công trong suốt 40 năm qua: thuyết phục Hạ viện thông qua đề xuất cắt giảm 9 tỷ USD ngân sách dành cho các chương trình mà đảng Cộng hòa coi là “lãng phí” và “không còn phục vụ lợi ích nước Mỹ”.
Trong bài đăng mới đây trên nền tảng Truth Social, ông Trump mô tả việc Hạ viện thông qua gói cắt giảm trị giá 9 tỷ USD là "một thắng lợi lớn!".
Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một tổng thống Mỹ đệ trình thành công yêu cầu hủy bỏ ngân sách lên Quốc hội và nhận được sự phê chuẩn chính thức. Theo giới quan sát, sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực kéo dài hàng chục năm của Đảng Cộng hòa nhằm thu hẹp vai trò của chính phủ liên bang trong các lĩnh vực mà họ xem là cồng kềnh và không cần thiết.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng hòa, dưới sự dẫn dắt của ông Trump, đang tăng tốc theo đuổi chương trình nghị sự cốt lõi: loại bỏ các khoản chi tiêu bị cho là không phù hợp với định hướng “Nước Mỹ trên hết”, đồng thời tái định hình chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt và ưu tiên cho các mục tiêu đối nội.
Có gì trong đề đề xuất cắt giảm của ông Trump?
Hạ viện Mỹ vừa chính thức phê chuẩn đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc thu hồi khoảng 9 tỷ USD (tương đương 13,8 tỷ USD theo một số quy đổi ngân sách) từ nguồn công quỹ liên bang, chủ yếu cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống phát thanh – truyền hình công cộng và các chương trình viện trợ nước ngoài. Việc cắt giảm gây ra làn sóng lo ngại trong nội bộ lưỡng đảng, nhất là ở những khu vực nông thôn – nơi các đài địa phương đóng vai trò thông tin thiết yếu.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds (Nam Dakota) cho biết ông đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump nhằm chuyển hướng một phần ngân sách Bộ Nội vụ để tiếp tục hỗ trợ phát thanh công cộng dành cho cộng đồng người Mỹ ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tammy Baldwin (Wisconsin) cảnh báo: “Nếu không có khoản hỗ trợ này, nhiều đài phát thanh – truyền hình địa phương sẽ buộc phải đóng cửa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”.
Bên cạnh đó, đề xuất của ông Trump cũng nhắm đến các chương trình viện trợ nhân đạo toàn cầu. Theo đề xuất ban đầu, gần 8,3 tỷ USD sẽ bị hủy bỏ, bao gồm hỗ trợ y tế, viện trợ lương thực và các chương trình gìn giữ hòa bình quốc tế. Sau khi Thượng viện điều chỉnh, mức cắt giảm được giảm xuống còn khoảng 7,9 tỷ USD, trong đó loại trừ khoản 400 triệu USD dành cho PEPFAR – một chương trình nổi bật trong cuộc chiến chống HIV/AIDS được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu không có nguồn tài trợ thay thế, việc Mỹ rút vốn khỏi các nỗ lực chống HIV toàn cầu có thể khiến hơn 4 triệu người tử vong vì AIDS và hơn 6 triệu người nhiễm HIV mới vào năm 2029.
Tranh cãi xung quanh "chiến thắng" của ông Trump
Bên cạnh các tranh cãi nội dung, nhiều đảng viên Dân chủ còn cáo buộc dự luật lần này đã làm xói mòn vai trò giám sát của Quốc hội. Truyền thống lâu nay là các khoản viện trợ hoặc chi tiêu công chỉ được điều chỉnh hoặc hủy bỏ nếu có sự đồng thuận lưỡng đảng. Tuy nhiên, gói cắt giảm lần này được thông qua với sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ đảng Cộng hòa và phản đối hoàn toàn từ đảng Dân chủ.
Các đảng viên Cộng hòa ôn hòa có phần lưỡng lự, thậm chí không ít người phản đối việc cắt giảm các chương trình mang tính biểu tượng như PBS hay viện trợ y tế nước ngoài. Dù vậy, phần lớn vẫn quyết định bỏ phiếu thuận vì lo sợ sẽ làm tan vỡ sự đoàn kết nội khối dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Trump.
Tại Hạ viện, cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn hàng giờ vì những tranh cãi gay gắt ngay trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Một số đảng viên Dân chủ đã đề cập đến những Dù vậy, dự luật cuối cùng đã được Thượng viện thông qua với tỷ lệ sít sao 51 - 48, hoàn toàn nhờ vào sự chệnh lệch thành viên lưỡng đảng khi không một nghị sĩ Dân chủ nào ủng hộ.
Điều đáng chú ý là đề xuất cắt giảm này được thông qua chỉ vài tuần sau khi chính quyền Trump cùng các nhà lập pháp Cộng hòa thông qua dự luật cải cách thuế và chi tiêu gây tranh cãi mà cũng không có lấy một lá phiếu Dân chủ ủng hộ. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), chính sách đó có thể khiến nợ công Mỹ phình to thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.