Bước tiến lớn của Trung Quốc trong hành trình chinh phục không gian

VOV.VN - Sự kiện phóng thành công tàu Thần Châu-12 đưa 3 phi hành gia lên trạm vụ trũ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và dư luận Trung Quốc.

Trung Quốc vừa phóng thành công tàu Thần Châu 12 đưa người lên khoang lõi Thiên Hòa, bắt đầu nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này.

Bước tiến lớn của Trung Quốc

Đây là cột mốc mới trong sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc, bởi đây là sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên trong quá trình xây trạm không gian của nước này. Với ý nghĩa đó, sự kiện phóng thành công tàu Thần Châu-12 đưa 3 phi hành gia lên trạm vụ trũ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và dư luận Trung Quốc.

Trước lễ phóng 1 ngày, một cuộc họp báo đã được tổ chức nhằm giới thiệu về kế hoạch chuyến bay và phi hành đoàn. Vào ngày 17/6 – thời điểm lễ phóng diễn ra, truyền thông Trung Quốc, từ truyền hình đến báo mạng đã đưa tin dày đặc và dành nhiều khung giờ để tường thuật trực tiếp lễ xuất quân của 3 phi hành gia, lễ phóng tên lửa và việc phi thuyền kết nối thành công với khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ - nơi các phi hành gia sẽ làm việc trong vòng 3 tháng tới. Đặc biệt, các công nghệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu và phát triển được tuyên truyền đậm, nhằm khẳng định năng lực tự chủ công nghệ của nước này trong lĩnh vực không gian.

Điều đáng nói là lễ phóng diễn ra trước thời điểm ngày 1/7, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc không xa, do vậy càng gây chú ý. Đối với Trung Quốc, sự kiện này đã “viết thêm một chương hào hùng cho sự phấn đấu suốt trăm năm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thậm chí có cư dân mạng nước này còn bày tỏ, sẽ rất xúc động và tự hào nếu thấy các phi hành gia Trung Quốc vẫy quốc kỳ từ không gian vào ngày 1/7. Sự kiện phóng tàu Thần Châu-12 từ sớm đã tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng truyền thông xã hội nước này. Theo thống kê, các chủ đề liên quan đến Thần Châu-12 đã thu hút khoảng 300 triệu lượt xem ở Trung Quốc.

Lợi ích từ trạm vũ trụ Thiên Cung

Lợi ích đầu tiên và lớn nhất có thể thấy đó là về mặt khoa học và công nghệ vũ trụ, điều mà không nhiều quốc gia có được. Để xây trạm vũ trụ, Trung Quốc sẽ phải thực hiện 11 nhiệm vụ phóng trong năm nay và năm sau.

Riêng năm nay đã có 3 sứ mệnh được hoàn thành. Tiếp theo Thần Châu-12, tàu chở hàng Thiên Châu-3 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-13 dự kiến sẽ được phóng vào tháng 9 và 10/2021. Ba phi hành gia khác được thay sau đó sẽ bắt đầu 6 tháng làm việc tại khoang lõi Thiên Hòa trên quỹ đạo.

Sau 5 nhiệm vụ phóng trong năm 2021, Trung Quốc dự kiến ​​có thêm 6 nhiệm vụ khác, bao gồm phóng khoang thí nghiệm Vấn Thiên (Wentian) và Mộng Thiên (Mengtian), hai tàu chở hàng và hai phi thuyền có phi hành đoàn vào năm 2022 để hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ.

Mỗi nhiệm vụ này sẽ giúp Trung Quốc không ngừng hoàn thiện các công nghệ vũ trụ, bao gồm việc xây dựng, vận hành, quản lý trạm không gian cùng hàng loạt các thí nghiệm khoa học và thử nghiệm công nghệ. Điều mà từ trước tới nay chỉ Mỹ và Nga làm được.

Chỉ riêng việc phóng Thần Châu-12 đã cho thấy, thời gian lên đến trạm vũ trụ của Trung Quốc đã rút ngắn từ 2 ngày của 5 năm trước trong sứ mệnh của Thần Châu-11 xuống còn 6,5 tiếng trong lần này và chỉ bằng gần 1/4 thời gian mà tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon của Mỹ lên tới phòng thí nghiệm trên quỹ đạo hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Hơn 20 năm sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đi vào hoạt động, Trung Quốc vẫn phải đứng ngoài dự án quốc tế khổng lồ này vì bị Mỹ từ chối. Trong khi đó, là một nước lớn trên thế giới, Trung Quốc từ lâu đã hiểu rằng, mình không thể đứng ngoài trong cuộc đua không gian.

Chính vì vậy, khi nhận thấy mình bị bỏ rơi dù nhiều lần đề nghị tham gia dự án ISS, Trung Quốc đã hạ quyết tâm tự thân phát triển ngành công nghệ không gian, đặt nhưng mục tiêu đầy tham vọng ngoài vũ trụ và đang dần dần hiện thực hóa chúng.

Có thể nói, cho đến nay, số người trong không gian của Trung Quốc đã không còn thua kém Mỹ và Nga. Điều này cho thấy cục diện không gian do Mỹ và Nga thống trị suốt nhiều thập kỷ qua đang thay đổi.

Ngoài lợi ích quan trọng nhất là khoa học, việc Trung Quốc đưa người lên sinh sống và làm việc trong không gian còn nhắm đến các những lợi ích to lớn về xã hội, kinh tế đằng sau nó, thậm chí cả những lợi ích lâu dài về mặt chính trị và quân sự trong tương lai.

Cuộc cạnh tranh giành lợi thế trong không gian

Trạm vũ trụ của Trung Quốc rất có thể sẽ là trạm không gian duy nhất trong vũ trụ bao la kể từ sau năm 2024. Điểm lại quá trình phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc thời gian qua, chúng ta có thể thấy, chiến lược thám hiểm không gian của Trung Quốc không chỉ có xây trạm vũ trụ, mà mang tính hệ thống rất cao.

Trong khi xây trạm vũ trụ, Trung Quốc đã đưa tàu“Hằng Nga-5” lên Mặt Trăng và đem mẫu vật trở về Trái Đất, đồng thời phóng thiết bị thăm dò sao Hỏa "Thiên Vấn-1" và đã hạ cánh thành công trên hành tinh Đỏ.

Trong bước đi tiếp theo, nước này sẽ lần lượt thực hiện các sứ mệnh của Hằng Nga 6, 7 và 8, đồng thời quy hoạch xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng với sự hợp tác của Nga.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thăm dò các hành tinh, sau "Thiên Vấn-1", từ nay đến khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thăm dò các tiểu thiên thể, thu thập mẫu vật trên sao Hỏa và mang về Trái Đất, cùng các sứ mệnh liên quan đến sao Mộc và thám hiểm giữa các hành tinh.

Như vậy, nếu các nước không vận hành các trạm vũ trụ và tiến hành các chương trình thám hiểm không gian của riêng mình, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc duy nhất và hàng đầu thống trị vũ trụ.

Dường như ý thức được sự lo ngại của quốc tế trước một chương trình không gian quy mô, hệ thống và bài bản như vậy, Trung Quốc đã rất hào phóng khi cho biết sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, chính phủ trên phạm vi rộng rãi. 

Ngay từ năm 2018, Cơ quan đưa người vào vũ trụ Trung Quốc và Văn phòng Liên Hợp Quốc về các vấn đề ngoài không gian (UNOOSA) đã cùng thông báo rằng 9 thí nghiệm khoa học từ 17 quốc gia đã được chấp nhận để tiến hành trên trạm vũ trụ của Trung Quốc. Các thí nghiệm được chọn đến từ cả các nước phát triển và đang phát triển. Đây được dự báo sẽ là dự án hợp tác không gian quốc tế lớn nhất đối với Trung Quốc.

Động thái này sẽ giúp Bắc Kinh nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng trước mắt là trong lĩnh vực khoa học vũ trụ và tiếp đó sẽ là những lĩnh vực khác khi chìa khóa công nghệ thám hiểm không gian nằm trong tay Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu
Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu

VOV.VN - Trung Quốc đang tăng tốc và trở thành “đối thủ đáng gờm” trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu.

Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu

Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu

VOV.VN - Trung Quốc đang tăng tốc và trở thành “đối thủ đáng gờm” trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu.

Khoảnh khắc tàu Thần Châu-12 rời bệ phóng tên lửa, đưa người lên trạm vũ trụ
Khoảnh khắc tàu Thần Châu-12 rời bệ phóng tên lửa, đưa người lên trạm vũ trụ

VOV.VN - Vào lúc 9h22 phút sáng 17/6, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-12 của Trung Quốc đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi tỉnh Cam Túc, miền Tây Nam nước này.

Khoảnh khắc tàu Thần Châu-12 rời bệ phóng tên lửa, đưa người lên trạm vũ trụ

Khoảnh khắc tàu Thần Châu-12 rời bệ phóng tên lửa, đưa người lên trạm vũ trụ

VOV.VN - Vào lúc 9h22 phút sáng 17/6, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-12 của Trung Quốc đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi tỉnh Cam Túc, miền Tây Nam nước này.