Các binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ ở nhà máy Azovstal liệu có đối mặt án tử hình?
VOV.VN - Rất nhiều binh sĩ Ukraine cố thủ ở nhà máy Azovstal đã bị Nga bắt làm tù binh. Bên trong nước Nga, một số quan chức đã kêu gọi áp dụng án tử hình đối với các binh sĩ này.
Phía Ukraine muốn bảo toàn tính mạng các chiến binh Azov
Hơn 1.700 binh sĩ Ukraine bảo vệ nhà máy Azovstal ở Mariupol đã bị Nga bắt làm tù binh kể từ ngày 16/5/2022, theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga.
Giới chức Ukraine đã đề xuất các bảo đảm cho các quân nhân đó được hồi hương thông qua một cuộc trao đổi tù binh. Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ cứu được sinh mạng của các binh sĩ này khi ông nói “Ukraine cần những người anh hùng Ukraine còn sống”.
Trên mặt trận Donbass, thành phố Mariupol có tầm quan trọng chiến lược mà Ukraine quyết giữ còn Nga quyết chiếm. Còn tại Mariupol, nhà máy thép Azovstal lại là một trọng điểm giao tranh giữa đôi bên. Nơi đây là một khu phức hợp rộng lớn với hệ thống đường hầm chằng chịt giúp quân Ukraine có thể phòng thủ trong một thời gian dài. Quân đội Nga đã thực hiện bao vây chặt chẽ khu vực Azovstal mà không tiến công vào bên trong để tránh tổn thất cho quân nhân Nga. Sau một thời gian bị bao vây, các binh sĩ Ukraine bên trong nhà máy này bị cạn kiệt dần đạn dược, nước ngọt và lương thực. Được sự chấp thuận của Tổng thống Ukraine, họ đã đầu hàng quân đội Nga.
Quan điểm của các quan chức lập pháp Nga
Trong khi đó, Nga chưa vội vàng đàm phán về một cuộc trao đổi tù binh liên quan đến Azovstal. Thậm chí Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin còn tuyên bố rằng không thể trao trả các tù binh Ukraine.
Vào ngày 26/5 tới đây, Tòa án tối cao Liên bang Nga theo kế hoạch sẽ ra phán quyết về việc có gọi Tiểu đoàn Azov là “một tổ chức khủng bố” hay không. Các nguồn tin cho hay, Văn phòng Tổng công tố viên của Nga đang tích cực họp kín bàn về vấn đề này.
Một số nhà lập pháp Nga vừa hối thúc áp dụng cả án tử hình đối với các quân nhân Ukraine bị bắt giữ tại nhà máy thép Azovstal, Mariupol.
Chủ tịch Ủy ban Duma về Các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky đã gợi ý đưa các thành viên của tiểu đoàn Azov ra xét xử, cũng như dỡ bỏ việc hoãn án tử hình ở Nga kể từ năm 1996.
Ông Slutsky (đồng thời cũng là thành viên của đoàn đàm phán của Nga với Ukraine) đe dọa: “Cả thế giới cần thấy rằng những phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine xứng đáng bị hành quyết”.
Công ước Geneva
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Đức Egon Ramms cho rằng không thể xử tử các binh sĩ Ukraine đó theo một cách giản đơn được, vì theo ông này, họ là tù binh và do đó họ được bảo vệ theo Công ước Geneva 1949.
Công ước Geneva về cách đối xử với tù binh được thông qua vào tháng 8/1949. Điều 13 của Công ước này tuyên bố: “Các tù binh luôn phải được đối xử một cách nhân đạo”.
Trong bối cảnh đó, Andreas von Arnauld – trưởng khoa Luật tại trường Đại học Christian Albrechts ở Kiel, Đức, nhấn mạnh rằng các tù binh không thể bị trừng phạt chỉ vì họ là bên tham chiến trong xung đột vũ trang, nhưng họ có thể bị xét xử và trừng phạt nếu họ dính vào các tội ác chiến tranh. Trong trường hợp đó (phạm tội ác chiến tranh), các chiến binh đó vẫn có quyền được xét xử một cách có trật tự và công bằng tại một phiên tòa.
Nhưng vấn đề không đơn giản chỉ có vậy. Nga cam kết tuân thủ Nghị định thư 13 của Công ước châu Âu về Bảo vệ nhân quyền với nội dung cấm án tử hình; tuy nhiên, Nga chưa bao giờ phê chuẩn công ước này. Nga đã rút khỏi Hội đồng châu Âu vào tháng 3.
Giới điều tra Nga tích cực thu thập chứng cứ
Mới đây một tòa án Ukraine kết án một binh sĩ Nga với mức án cao nhất là chung thân vì tội danh anh này đã giết chết một dân thường Ukraine.
Cụ thể, Ukraine đã kết án chung thân đối với trung sĩ người Nga Vadim Shishimarin 21 tuổi vì đã gây ra cái chết cho một nam giới 62 tuổi tại một ngôi làng ở khu vực Sumy trong giai đoạn đầu cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine.
Trong bối cảnh ấy, giới chức Nga đe dọa xét xử các chiến binh Ukraine từng cố thủ ở khu vực nhà máy thép Azovstal thuộc thành phố Mariupol.
Cơ quan điều tra của Nga cho hay, họ có ý định thẩm vấn các thành viên lực lượng phòng thủ ở Mariupol để “nhận diện các phần tử quốc gia chủ nghĩa” và quyết định xem liệu họ có tham gia các tội ác chống lại dân thường hay không.
Thời gian qua, truyền thông Nga cho rằng lực lượng Ukraine ở khu vực Mariupol, đặc biệt là các thành viên của tiểu đoàn Azov, là lực lượng cực đoan theo kiểu phát xít và đã phạm nhiều tội ác với các dân thường gốc Nga.
Trên thực địa, lực lượng Azov cũng gây nhiều thương vong cho lực lượng vũ trang Nga. Tiểu đoàn Azov đã đăng tải lên mạng xã hội nhiều video clip mà họ nói là ghi cảnh phá hủy các mục tiêu Nga, bao gồm các xe tăng và xe quân sự của quân đội Nga.
Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2/2022 với lý do “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Ban đầu họ tiến công Ukraine từ 3 hướng lớn, trong đó có hướng Bắc, nhằm thẳng vào thủ đô Kiev. Một thời gian sau, quân đội Nga từ bỏ mục tiêu Kiev và dồn sức vào mặt trận Donbass ở miền Đông Ukraine./.