Các nước Trung-Đông Âu Visegrad nhận định gì về việc Brexit
VOV.VN - Vốn được hưởng nhiều lợi ích từ khi gia nhập EU năm 2004, cả bốn nước nhóm Visegrad đều có những mối lo ngại riêng khi Anh rời khỏi EU.
Các nước nhóm Visegrad (Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia) lo ngại sự ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu và những ảnh hưởng của nó tới môi trường kinh tế, chính trị hay xã hội không phải là không có cơ sở. Kể từ khi tham gia vào kế hoạch mở rộng EU 12 năm trước đây, những nền kinh tế nhỏ này được hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của cả khu vực đồng Euro, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nước Anh.
Cả bốn nước nhóm Visegrad gồm đều có những mối lo ngại riêng khi Anh rời khỏi EU. (ảnh minh họa: Alamy). |
Anh là nước đóng góp lớn thứ 4 vào EU sau Đức, Pháp và Italy, và những hỗ trợ tài chính của EU đã giúp những nền kinh tế Trung và Đông Âu đạt tăng trưởng nội địa và phát triển hệ thống hạ tầng nhanh chóng. Tuy nhiên lo ngại về ảnh hưởng của kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23/6 tới các nước này là khác nhau.
Tại Ba Lan, nền kinh tế lớn thứ 6 trong Liên minh châu Âu, sự ra đi của Anh có thể sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính trị và kinh tế của nước này. Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski đã cảnh báo rằng khi Anh quyết định rời khỏi EU, đây sẽ là một kịch bản tồi tệ với Ba Lan. Khi đó, theo ông, các nước khu vực đồng Euro sẽ thống trị trong Liên minh châu Âu và Ba Lan sẽ bị lẻ loi hơn trong cuộc chơi do nước này vẫn chưa tham gia khu vực đồng tiền chung này.
Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về một hiệu ứng domino có thể xuất hiện tại EU khi Anh rời khỏi khối này, trong đó có thể sẽ có thêm trường hợp khác muốn rời khỏi liên minh hoặc tái đàm phán xác định vị trí của mình trong tổ chức này.
Thế nhưng một trong những lo ngại lớn nhất đối với Ba Lan chính là tương lai của lực lượng kiều dân nước này hiện đang sống và làm việc tại Anh. Các nhà phân tích cho rằng nếu Anh rời khỏi EU, chính phủ nước này có thể sẽ hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm đối với người nhập cư, trong đó có khoảng 1 triệu người Ba Lan.
Trong trường hợp luật nhập cư của Anh trở nên thắt chặt hơn, dự đoán có khoảng một nửa số kiều dân Ba Lan tại Anh sẽ có nguy cơ mất việc làm và buộc phải về nước. Viễn cảnh này có thể sẽ làm đảo lộn cơ cấu thị trường lao động của Ba Lan khi tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang cố gắng kìm chế ở mức 10%. Đây cũng sẽ là một thách thức đối với Ba Lan bởi nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Quan trọng hơn, lượng kiều hối từ Anh chuyển về Ba Lan, hiện đang ở mức 1,1 tỉ euro/năm, sẽ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều gia đình nghèo ở nước này. Lo ngại "hiệu ứng domino" ở EU từ Brexit
Với Hungary, họ quan tâm tới việc mất đi một đồng minh trên bàn đàm phán tại các hội nghị thượng đỉnh của EU. Cả Hungary và Anh đều có chung quan điểm về nhiều vấn đề của EU, trong đó hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia và vai trò của quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thay vì sự lấn sân của EU vào công việc nội bộ nước này.
Thủ tướng Hungary Victor Orban và thủ tướng Anh David Cameron từ trước tới nay thường có chung quan điểm không tán thành các đề xuất của EU. Họ cũng là hai nhà lãnh đạo duy nhất phản đối bầu ông Jean Claude Juncker là Chủ tịch của Ủy ban Châu Âu. Vì vậy cuối tuần trước thủ tướng Orban đích thân tuyên bố Hungary không muốn mất một đồng minh như Anh và cam kết thực hiện một chiến dịch vận động Anh ở lại EU ngay trong giới truyền thông của nước này.
Về góc độ kinh tế, nếu Anh lựa chọn rời EU, tăng trưởng kinh tế của Hungary sẽ giảm 0,3% và kim ngạch thương mại của nước này sẽ giảm khoảng 4-4,5 tỉ euro.
Phản ứng với kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh hôm 23/6, Thủ tướng CH Séc Bohuslap Sobotka cho rằng sự ra đi của Anh không có nghĩa đặt dấu chấm hết đối với Liên minh châu Âu. Điều lúc này EU cần làm, theo thủ tướng Sobotka, là khối này cần phải có sự thay đổi nhanh chóng để thích ứng với tình hình mới và thực hiện kế hoạch hội nhập của mình.
Trước đó thủ tướng Sobotka cảnh báo sẽ là một sai lầm lớn nếu như Anh rời khỏi EU. Ông khẳng định Anh là một thành viên đóng vai trò quan trong giải quyết nhiều vấn đề của châu Âu trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng người di cư, và biến đổi khí hậu. Ông cho rằng hơn lúc nào hết Châu Âu cần phải đoàn kết để vượt qua những thách thức này thay vì lựa chọn chủ nghĩa dân tộc.
CH Séc cũng có cơ sở để lo ngại sự ra đi của Anh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của quốc gia này. Theo các nhà phân tích, về lâu dài Anh có thể sẽ đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng khoảng 0,5-1% và khu vực đồng euro sẽ giảm khoảng 0.15-0.25% nếu Anh rời khỏi EU. Sự suy giảm này chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế CH Séc vốn phụ thuộc khá nhiều vào khu vực đồng Euro, đặc biệt là Đức.
Theo đó, tăng trưởng GDP của nước này dự báo sẽ mất hàng chục điểm phần trăm và ngành sản xuất ô tô, vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào xuất khẩu của CH Séc, chắc chắn sẽ bị tổn thương khi nhu cầu nhập khẩu sản phẩm này dự kiến sẽ giảm đáng kể. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế nhận định những ảnh hưởng này không phải là quá nghiêm trọng bởi CH Séc là nền kinh tế nhỏ, thương mại hai chiều với nước Anh còn ở mức khiêm tốn.
Trong khi đó, Slovakia - thành viên còn lại trong nhóm bốn nước Visegrad - rất quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý ở Anh bởi một kết quả xấu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vai trò chủ tịch luân phiên của nước này tại Liên minh châu Âu, bắt đầu từ 1/7 tới. Brexit gây sốc cho cộng đồng quốc tế
Thủ tướng Robert Fico đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Anh tách ra khỏi EU, cảnh báo về tác động tiêu cực của nó tới kế hoạch hội nhập của cả khu vực. Lo ngại hơn, ông cảnh báo về những phản ứng tiêu cực có thể có từ một số nước khác muốn theo chân Anh rút ra khỏi EU.
Rõ ràng với diễn biến mới này nhiệm vụ của Slovakia trong sáu tháng tới với tư cách là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu sẽ trở nên chông gai hơn rất nhiều.
Về mặt kinh tế, Ngân hàng nhà nước Slovakia nhận định sự ra đi của Anh sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế nhỏ bé của nước này do xuất khẩu của Slovakia sang Anh chỉ chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Nhưng ngân hàng này lo ngại sự suy giảm tăng trưởng của khu vực đồng Euro sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới nền kinh tế của Slovakia, đặc biệt là xuất khẩu bởi có tới 72% lượng hàng hóa nước này được xuất khẩu sang EU.
Dự đoán GDP của Slovakia sẽ sụt giảm khoảng 0.34%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0.4% và hàng nghìn người sẽ mất việc làm. Slovakia cũng lo ngại hơn về tương lai của khoảng 90.000 kiều dân nước này tại Anh khi Anh thắt chặt luật nhập cư và các chính sách an sinh xã hội.
Rõ ràng nhóm các nước Trung-Đông Âu Visegrad có lý do để lo ngại về một kết quả bất lợi theo sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Chắc chắn những nước này sẽ phải có đối sách nhằm giảm thiểu những tác động này, đảm bảo sự tăng trưởng và ổn định lâu dài ở trong nước và khu vực./.