Cách Hàn Quốc ứng xử với Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên trong chiến lược an ninh mới
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vừa công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, trong đó vạch ra mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu”. Quyết tâm này đưa ra trong bối cảnh Seoul nhận định, “xung đột về giá trị, hệ tư tưởng và lợi ích trên quy mô toàn cầu đang làm lung lay trật tự thế giới hiện nay”.
Một mặt Hàn Quốc xác định việc Triều Tiên nâng cao năng lực hạt nhân là thách thức an ninh cấp bách nhất, mặt khác họ lại tiếp cận mềm dẻo hơn trong quan hệ với láng giềng Nhật Bản, hài hòa với những đối tác lớn khác như Trung Quốc, Nga…Điều này được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng trong một năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Cứng rắn với Triều Tiên
Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 7/6 đã công bố văn bản về chiến lược an ninh quốc gia mới có tên gọi "Chiến lược An ninh quốc gia: Quốc gia trung tâm toàn cầu tự do, hòa bình, thịnh vượng". Đây là lần sửa đổi sau 5 năm kể từ khi chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Moon Jae-in đưa ra tầm nhìn "Bán đảo Triều Tiên hòa bình và thịnh vượng" vào năm 2018.
Theo đó, chính phủ đương nhiệm xem vũ khí hạt nhân và vũ khí sát thương hàng loạt (WMD) của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh đáng quan tâm hàng đầu, tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đối phó với những đe dọa chưa biết trước của nước này. Lập trường này trái ngược so với chính sách về Triều Tiên của chính phủ nhiệm kỳ trước có phương châm thực hiện giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua các cuộc hội đàm liên Triều và Mỹ-Triều.
Ngoài ra, Chiến lược An ninh quốc gia mới còn tái xác nhận việc duy trì xây dựng nền tảng cho mối quan hệ liên Triều, chỉnh sửa các bộ luật và chế độ liên quan, cũng như nêu rõ xử phạt nghiêm khắc như phạt tiền đối với các hành vi phạm pháp hoặc sai lệch của một số tổ chức và cá nhân trong quá trình xúc tiến dự án hợp tác giao lưu liên Triều.
Cũng trong ngày hôm qua, Hàn Quốc trúng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa tiếp theo bắt đầu từ sang năm. Hàn Quốc cho rằng điều này sẽ thúc đẩy việc ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên khi mà Hàn Quốc có thể tham gia thảo luận và biểu quyết về các vấn đề nổi cộm của Hội đồng Bảo an, bao gồm vấn đề Triều Tiên.
Như vậy, điều mà ai cũng dễ nhận thấy rằng Triều Tiên sẽ có những phản ứng mạnh mẽ, mà trước tiên sẽ thúc đẩy thực hiện kế hoạch phóng tên lửa như đã công bố trước đó trong tháng 6 này. Triều Tiên có thể sẽ “lãng quên” phương án giải quyết thông qua đối thoại Mỹ-Triều hay Triều-Hàn…như đã từng mong muốn và thực hiện, chú tâm vào những việc mình cần làm đó là nghiên cứu và phát triển hạt nhân mới mục tiêu ngăn chặn nguy cơ tấn công từ bên ngoài. Có lẽ, khu vực bán đảo Triều Tiên lại nóng lên, được quan tâm chỉ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Mềm dẻo với Nhật Bản
Trong khi cứng rắn với Triều Tiên, trong chiến lược an ninh mới, Hàn Quốc thể hiện phương châm xuyên suốt mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản bằng việc chủ động và mềm dẻo trong các vấn đề mâu thuẫn.
Trong chiến lược an ninh mới, khác với chiến lược an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Moon Jae-in, Chính phủ đương nhiệm đề ra nội dung về việc chia sẻ các giá trị phổ quát với Tokyo, đồng thời tăng cường hợp tác giữa bán đảo Triều Tiên với khu vực, thế giới, không nhắc đến việc phản ứng cứng rắn đối với vấn đề tranh chấp quần đảo Takeshima/Dokdo, nhấn mạnh tăng cường hợp tác 3 nước Hàn-Nhật-Mỹ, nhất là trong vấn đề Triều Tiên. Tại danh mục ngoại giao với các nước Đông Á, Seoul cũng đã nhấn mạnh thành quả trong việc cải thiện mối quan hệ với Tokyo. Tại sao lại như vậy?
Ở góc độ cá nhân, cha của ông Yoon Suk-yeol đã từng du học tại trường Đại học Hitotsubashi của Nhật Bản - một ngôi trường có lịch sử hàng trăm năm và đã từng là giáo sư thỉnh giảng của trường này về thống kê ứng dụng. Ông có nhiều giao lưu về mặt học thuật với nhiều học giả của Nhật Bản. Một số học giả Nhật Bản đánh giá rằng cha của Tổng thống Hàn Quốc là người nói tiếng Nhật rất tốt, am hiểu sâu sắc về Nhật Bản và có phong cách lãnh đạo. Có lẽ ở góc độ nào đó gia đình Tổng thống và bản thân Tổng thống cũng có nhiều ấn tượng tốt đẹp với Nhật Bản.
Trong buổi tuyên bố nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2022, ông Yoon Suk-yeol cho biết sẽ thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. Ngay sau đó, ông đã chỉ đạo đoàn lãnh đạo cấp cao do Phó Chủ tịch Quốc hội thăm Nhật Bản, tạo tiền đề cho những cuộc thương lượng, trao đổi về cải thiện quan hệ hai nước. Ông Yoon cũng nhiều lần tuyên bố rằng sẽ gác lại quá khứ hướng tới phát triển quan hệ với Nhật Bản vì lợi ích của cả hai nước. Tổng thống coi đây là thành tựu ngoại giao trong một năm đầu của nhiệm kỳ.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, kinh tế thế giới suy thoái, khó khăn có thể còn kéo dài, việc thúc đẩy đối tác hợp tác vì sự phát triển có lẽ là chính sách ngoại giao khôn ngoan hơn cả. Những vấn đề mâu thuẫn với Nhật Bản như việc bồi thường cho lao động thời chiến, hay tranh chấp quần đào Takeshima/Dokdo vốn đã kéo dài, gây tổn hại cả thời gian, công sức của cả hai bên. Hàn Quốc đã “mở lòng” trước và được đón nhận. Nhật Bản cũng “thuận gió theo mưa” hối hả thúc đẩy những hành động thực tế nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Sâu sắc quan hệ với Mỹ, ôn hòa với Trung Quốc
Hiện tại, quân đội Mỹ vẫn đang hiện diện tại Hàn Quốc. Các hoạt động đều diễn ra đều đặn với việc đảm bảo an ninh trong trường hợp bị đe dọa. Trước đó, Seoul và Washington đã thiết lập một hướng dẫn chung về an ninh mạng nhằm liên kết một cách ổn định hệ thống kiểm soát chỉ huy liên quân và tăng cường an ninh mạng. Theo đó, hướng dẫn quy định rõ về việc quân đội hai nước phải trao đổi thông tin về các mối đe dọa, như thông báo ngay lập tức cho nước đối phương khi phát hiện mối đe dọa an ninh mạng trong hệ thống đang liên kết, từ đó nâng cao năng lực thực thi an ninh mạng.
Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra tuyên bố chung về việc thành lập "Nhóm thảo luận Hàn-Mỹ về kỹ thuật tân tiến và chủ chốt thế hệ mới" được dẫn dắt bởi Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) hai nước. Cùng với lĩnh vực kinh tế, hợp tác an ninh cho thấy quan hệ hai nước đang phát triển lên thành "đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu".
Như vậy, riêng với Mỹ cả chiến lược an ninh mới và cũ đều coi sự hiện diện của Mỹ trong chính sách đảm bảo an ninh là đương nhiên và cần thúc đẩy.
Đối với Nga, nhất là từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine phát sinh, Hàn Quốc vẫn bỏ lửng lập trường về Nga, nhưng nói rõ ràng rằng tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Nga nhất là trong cung ứng nguồn dầu lửa, khí đốt. Với Trung Quốc cũng vậy, Hàn Quốc duy trì chính sách ngoại giao ôn hòa, tránh căng thẳng. Và đây cũng là chính sách ngoại giao thời Tổng thống Yoon Suk-yeol./.