Cách thợ máy Nga sửa chữa xe tăng “thần tốc” ngay tại tiền tuyến Ukraine
VOV.VN - Xe tăng Ukraine thường phải đưa tới các trung tâm sửa chữa cách xa tiền tuyến, thậm chí với xe tăng do phương Tây cung cấp phải đưa tới các nước láng giềng. Trong khi đó, đội sửa chữa của Nga hoạt động gần, thậm chí ngay trên tiền tuyến.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã thu hút sự chú ý tới một nhiệm vụ quan trọng là sửa chữa và bảo trì thiết bị của cả Nga và Ukraine. Thách thức lớn nhất là phải di chuyển quãng đường tương đối xa trong khi những phương tiện này cần phải được sửa chữa càng nhanh càng tốt.
Gennady Alyohin, một cựu chiến binh Nga cho biết, có sự khác biệt đáng kể giữa đội sửa chữa xe tăng của Nga và Ukraine. Xe tăng Ukraine thường phải đưa tới các trung tâm sửa chữa cách xa tiền tuyến, thậm chí với xe tăng do phương Tây cung cấp phải đưa tới các nước láng giềng. Trong khi đó, đội sửa chữa của Nga hoạt động gần, thậm chí ngay trên tiền tuyến.
Lý do rất đơn giản. Các thiết bị được triển khai ở tiền tuyến - từ xe tăng, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh cho đến máy bay không người lái, xe bọc thép được thiết kế cho các hoạt động cứu thương hay máy kéo – đều là những phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc yểm trợ, vận chuyển và hỏa lực cần thiết cho các hoạt động quân sự hiện tại. Nếu không có chúng, cá chiến dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng xe tăng, mà mọi thiết bị đều dễ bị hỏng hóc, đặc biệt là trong vùng xung đột khắc nghiệt. Các khí tài quân sự thường hoạt động quá công suất và nhanh chóng bị hao mòn. Để giảm thời gian phương tiện phải ngừng hoạt động, việc sửa chữa và bảo trì cần phải được thực hiện trong điều kiện áp lực cao, thậm chí ngay dưới làn đạn của đối phương.
Vậy Nga đã làm điều đó như thế nào? Họ sử dụng các “xưởng sửa chữa” di động chuyên dụng có tên MTO-UB 1, được đặt trên khung gầm của xe Ural-4320. Đối với các công việc sửa chữa lớn, nhà máy nằm gần tiền tuyến sẽ là nơi cung cấp các phụ tùng thay thế cần thiết.
Sau sửa chữa, trước khi đưa vào hoạt động trở lại, tất cả thiết bị đều trải qua kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo mọi vấn đề đều đã được giải quyết, giảm nguy cơ hỏng hóc trong điều kiện chiến đấu.
Sửa chữa theo kiểu mô-đun
Khi các thiết bị quân sự như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và bệ phóng tên lửa bị hư hỏng trong xung đột, chúng thường được sửa chữa thông qua một quy trình được gọi là “phương pháp tổng hợp”. Về cơ bản, đó là việc thay thế các mô-đun hư hỏng hoặc đã hao mòn hết bằng những mô-đun hoàn toàn mới. Kỹ thuật này được ưa chuộng do tiết kiệm nhiều thời gian.
Tương tự, khi động cơ bị hư hỏng nặng, chúng sẽ ngay lập tức được thay thế bằng động cơ mới. Động cơ bị hư hỏng sẽ được vận chuyển về nhà máy để sửa chữa.
“Phương pháp hiệu quả này giúp chúng tôi cắt giảm cả khoảng cách phải di chuyển và thời gian mà không ảnh hưởng đến chất lượng”, Alyokhin cho hay.
Thông thường, những phương tiện này không thể tự di chuyển đến địa điểm của các tiểu đoàn sửa chữa và phục hồi. Vì vậy, các binh sỹ vận hành chúng sẽ phải đưa chúng ra khỏi chiến trường.
Theo Alyokhin, hiệu quả của các xưởng sửa chữa dã chiến cùng không hề thua kèm các xưởng sửa chữa chuyên biệt. Điều này là nhờ có sự hợp tác giữa các nhà máy sản xuất với lực lượng quân đội.
Việc duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự. Vì vậy, cần phải khôi phục hoặc sửa chữa kịp thời mọi loại vũ khí cần thiết để không làm ảnh hưởng đến nhịp độ chiến đấu.
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi vũ khí và thiết bị quân sự, các đội sửa chữa của Nga thường thay thế các bộ phận bị hư hỏng bằng những bộ phận còn hoạt động được. Những thiết bị thay thế này có thể lấy từ kho dự trữ hoặc được trưng dụng từ các thiết bị thu được của quân đội Ukraine.
Trước khi được gửi đến các đơn vị sửa chữa, thiết bị thường được đưa ra khỏi chiến trường. Đây là lúc các đơn vị như BREM-1M, cỗ máy bánh xích được Lực lượng Kỹ thuật Không quân Nga sử dụng, phát huy tác dụng. Loại máy này thường dùng để kéo xe tăng T-72, T-80, T-90. Nó cũng đóng vai trò như một “xưởng sửa chữa lưu động” được trang bị cần trục thủy lực, tời, máy hàn điện.
Xe giải cứu xe bọc thép [ARV] đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giải cứu các phương tiện khẩn cấp khỏi vùng hỏa lực của đối phương cũng như hỗ trợ các đội bảo trì và sửa chữa.
Hoàn thành trong thời gian cực ngắn
Các chuyên gia quân sự đã ghi nhận vai trò then chốt của các đơn vị kỹ thuật và sửa chữa lành nghề trong việc nhanh chóng khôi phục gần như tất cả các loại vũ khí và thiết bị quân sự bị hư hỏng nhẹ khi hành quân hoặc trong chiến đấu.
Theo ông Alyokhin, “Với sự phân công lao động hiệu quả trong các đơn vị và cơ sở sửa chữa, có thể khôi phục tới 70% thiết bị quân sự bị hư hỏng để đưa chúng trở lại hoạt động”.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các hoạt động phức tạp như thay nòng hệ thống pháo binh trên chiến trường đã được tinh giản một cách hiệu quả.
“Ngay cả những hệ thống cỡ nòng lớn như pháo tự hành Malka 203 mm — có nòng dài 11 mét và nặng 11 tấn — giờ đây cũng có thể được bảo dưỡng trong vài giờ”, ông Alyokhin nói với truyền thông Nga.
Malka được Quân khu miền Bắc của Nga sử dụng rộng rãi để tấn công các sở chỉ huy, công sự bê tông và máy móc hạng nặng của đối phương. Với tầm bắn vài km, đội pháo Malka có thể nạp đạn và điều chỉnh mục tiêu chỉ trong 40 giây. Tuy nhiên, nòng của Malka, được đánh giá là có thể bắn khoảng 1.500 phát, có xu hướng bị mòn nhanh chóng với mức độ xả đạn trong các cuộc giao tranh hiện nay.
“Với điều kiện các cơ chế công nghiệp và hậu cần vẫn ổn định, quy trình sửa chữa hiện nay có thể được hoàn thành trong một khung thời gian cực kỳ ngắn”, ông Alyokhin kết luận.