Cái giá Ukraine phải trả khi dồn binh lực cho trận chiến ác liệt tại vùng Kursk

VOV.VN - Sau nhiều tháng liên tục bị đẩy lùi trên mặt trận Donbass, đồng thời đối mặt với tình trạng thiếu binh sỹ và đạn dược nghiêm trọng, Ukraine đã tiến hành cuộc đột kích bất ngờ nhằm xâm nhập lãnh thổ Nga. Tuy vậy cái giá mà Ukraine phải trả không hề nhỏ khi tập trung binh lực thực hiện chiến dịch này.

Theo giới phân tích, động thái của Ukraine có mục tiêu chính trị rõ ràng, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ về mặt quân sự đối với Kiev.

Mục tiêu của Ukraine

Về mặt chính trị, mục đích của chiến dịch xâm nhập biên giới Nga là tạo đòn bẩy cho Ukraine trước các cuộc đàm phán trong tương lai. Nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, nhiều khả năng Mỹ sẽ rút bớt viện trợ quân sự và buộc Ukraine phải đàm phán. Chính quyền Kiev muốn đảm bảo rằng nếu phải tham gia vào quá trình đó, họ sẽ có những thứ mà Nga muốn đánh đổi để có sự nhượng bộ. Do vậy, quân đội Ukraine buộc phải chiếm giữ một phần đất của Nga trong suốt thời gian đàm phán hòa bình diễn ra.

Theo giới phân tích, nước cờ táo bạo của Ukraine nhằm xâm nhập biên giới Nga được lên kế hoạch kỹ lượng và đảm bảo bí mật đến phút chót, khiến cả những nước phương Tây ủng hộ Kiev phải bất ngờ và làm thay đổi phần nào cục diện cuộc chiến đã kéo dài hơn 2 năm.

Bà Natia Seskuria, một chuyên gia về Nga đồng thời là cộng sự tại Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh cho rằng: “Ukraine đã chứng minh họ có thể thực hiện thành công một chiến dịch bí mật và quan trọng là xâm nhập vào lãnh thổ Nga, vượt qua cả ranh giới đỏ”.

Lực lượng đột kích được Ukraine âm thầm tập hợp tại các vùng nông thôn ở Sumy, phía Đông Bắc Ukraine. Bên cạnh đó, Kiev cũng triển khai các đơn vị giàu kinh nghiệm, thiện chiến từ các khu vực khác tới. Theo nhiều video và tài khoản mạng xã hội, các đơn vị như Lữ đoàn tấn công đường không số 82, thời gian gần đây chiến đấu ở khu vực Kharkov, cũng được điều động cho nhiệm vụ xâm nhập biên giới.

Bên cạnh chiến dịch xâm nhập Kursk, Ukraine cũng tiến hành tấn công vào các sân bay của Nga. Máy bay chiến đấu của Nga là trọng tâm của các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng máy bay thả bom lượn nhắm vào các vị trí tiền tuyến, gây thiệt hại nặng nề cho Kiev. Vì thế, việc bắn hạ máy bay là rất quan trọng khi Ukraine muốn giảm áp lực lên hệ thống phòng thủ.

Kiev phải trả giá đắt 

Tuy vậy, Ukraine vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Nước này đang bị thiếu binh sỹ để luân chuyển và trấn giữ phòng tuyến khi hoạt động tại Kursk. Điều Kiev cần làm là tập hợp những gì sẵn có làm nguồn dự trữ hoạt động và đưa vào trục chiến đấu mới. Vẫn chưa rõ Kiev sẽ tiến được bao xa trên lãnh thổ của Nga, nhưng để có được đòn bẩy cho đến khi các cuộc đàm phán diễn ra, họ cần phải nắm giữ chắc chắn khu vực đã kiểm soát.

Điều này không dễ dàng, bởi ngay khi mặt trận ngừng sôi sục, Nga sẽ củng cố hệ thống phòng thủ, sau đó điều động pháo binh, lực lượng tác chiến điện tử và bổ sung binh lực. Trong ngắn hạn, các hoạt động này sẽ khiến Nga phải giảm bớt tần suất tấn công ở Donbass, nhưng điều này có lẽ chỉ là tạm thời vì Nga có đủ nhân lực và trang thiết bị để chiến đấu trên cả 2 mặt trận.

So với Nga, Ukraine vẫn kém hơn về số lượng binh sỹ và vũ khí. Rủi ro đối với Kiev sẽ tăng dần theo thời gian. Theo giới phân tích, sau chiến dịch xâm nhập biên giới Nga, Ukraine sẽ gặp khó khăn khi muốn thu hẹp các khoảng trống trên tiền tuyến. Chưa kể, nước này vẫn chưa tìm ra cách thức hiệu quả để đối phó với máy bay không người lái, bom lượn, pháo binh, thiết bị tác chiến điện tử cùng các tổ hợp tên lửa chiến thuật của Nga. Trong khi đó, sức mạnh về quân sự có thể giúp Nga tiếp tục tiến quân tới Pokrovsk, Toretsk và các thị trấn khác ở Donbass. Để bảo vệ những thị trấn đó, Ukraine chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.

The Guardian cho rằng, kịch bản tốt nhất dành cho Ukraine là các đơn vị của họ tiến sâu hơn và khiến Nga phải chịu tổn thất nặng nề khi cố gắng đẩy lùi quân đội Ukraine. Tuy nhiên, việc dàn trải các nguồn lực của Ukraine sẽ tạo cơ hội cho Moscow tìm ra những kẽ hở trong hệ thống phòng thủ của đối phương và đạt được các bước tiến mới ở những nơi khác.

Thách thức dài hạn đối với Ukraine là việc mất vũ khí và trang thiết bị. 11 ngày sau cuộc tấn công khu vực Kursk của Nga, quân đội Ukraine tuyên bố kiểm soát 1.150km2 và đang giao tranh với các lực lượng của Moscow để kiểm soát thêm 563km2 nữa. Nhưng nỗ lực tiến công đã khiến cánh quân tại Kursk của Ukraine mất 6 lữ đoàn, một số tiểu đoàn độc lập và các đơn vị hỗ trợ. Ngoài ra, Kiev còn bị mất số lượng đáng kể xe bọc thép. Tỷ lệ tổn thất của Ukraine tương đối lớn so với tỷ lệ tổn thất của Nga. Vẫn chưa rõ tỷ lệ này có thay đổi khi Ukraine mở rộng chiến dịch xâm nhập hay không.

Vượt qua các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nga ở biên giới từ ngày 6/8, Ukraine đã nỗ lực giành lại thế chủ động trong một cuộc chiến đang rơi vào bế tắc suốt nhiều tháng qua: cả hai bên đều chiến đấu trên chiến hào và cố gắng tiến xa hơn vài trăm mét. Tuy vậy, trong chiến dịch xâm nhập biên giới, xe tăng, xe bộ binh của Ukraine đang trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của máy bay không người lái và pháo binh Nga.

Theo một nhà phân tích của Oryx, trong 9 ngày đầu tiên của cuộc đột kích, quân Ukraine đã mất 4 xe tăng và 41 xe bộ binh, trong đó có xe tăng Challenger 2 quý hiếm do Anh sản xuất và một số xe chiến đấu Stryker do Mỹ cung cấp.

Tình trạng tiêu hao các phương tiện bộ binh - bao gồm cả xe chiến đấu bánh xích và xe chở quân - đặc biệt nghiêm trọng đối với lực lượng vũ trang Ukraine. Họ đang mất những chiếc xe có giá trị này với tốc độ gần gấp đôi bình thường. Đặc biệt, sự tổn thất đó lại diễn ra trên một mặt trận hạn chế, chỉ kéo dài 80km tại tỉnh Kursk.

Việc mất quá nhiều thiết bị có giá trị có thể khiến các chỉ huy Ukraine lo lắng. Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, Ukraine sẽ bị buộc phải đàm phán. Còn nếu bà Harris thắng cử, nước này có thể tiếp tục nhận được viện trợ quân sự. Dẫu vậy, với số lượng thiết bị và trang thiết bị dự trữ có hạn, Ukraine có thể không đủ khả năng tiến hành những cuộc tấn công có quy mô lớn hơn vào năm 2025, Forbes nhận định.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khoảnh khắc Ukraine dùng rocket đánh sập cây cầu chiến lược ở tỉnh Kursk
Khoảnh khắc Ukraine dùng rocket đánh sập cây cầu chiến lược ở tỉnh Kursk

VOV.VN - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vừa cho biết, Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công vào cây cầu quan trọng ở khu vực biên giới Kursk của Nga.

Khoảnh khắc Ukraine dùng rocket đánh sập cây cầu chiến lược ở tỉnh Kursk

Khoảnh khắc Ukraine dùng rocket đánh sập cây cầu chiến lược ở tỉnh Kursk

VOV.VN - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vừa cho biết, Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công vào cây cầu quan trọng ở khu vực biên giới Kursk của Nga.

Ukraine có kế hoạch tạo ra "vùng đệm" ở biên giới Nga
Ukraine có kế hoạch tạo ra "vùng đệm" ở biên giới Nga

VOV.VN - The Independent dẫn nguồn tin từ một đại tá cấp cao của Ukraine cho biết, đang lên kế hoạch tạo ra một “vùng đệm” ở khu vực biên giới của Nga.

Ukraine có kế hoạch tạo ra "vùng đệm" ở biên giới Nga

Ukraine có kế hoạch tạo ra "vùng đệm" ở biên giới Nga

VOV.VN - The Independent dẫn nguồn tin từ một đại tá cấp cao của Ukraine cho biết, đang lên kế hoạch tạo ra một “vùng đệm” ở khu vực biên giới của Nga.

Nga dựng mê cung chiến hào, tiếp tục sơ tán dân tại vùng Kursk
Nga dựng mê cung chiến hào, tiếp tục sơ tán dân tại vùng Kursk

VOV.VN - Các lực lượng Nga đang bắt đầu xây dựng mạng lưới chiến hào ở khu vực biên giới trong bối cảnh Ukraine ngày càng tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn về quy mô tiềm tàng của cuộc đột kích.

Nga dựng mê cung chiến hào, tiếp tục sơ tán dân tại vùng Kursk

Nga dựng mê cung chiến hào, tiếp tục sơ tán dân tại vùng Kursk

VOV.VN - Các lực lượng Nga đang bắt đầu xây dựng mạng lưới chiến hào ở khu vực biên giới trong bối cảnh Ukraine ngày càng tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn về quy mô tiềm tàng của cuộc đột kích.