Campuchia thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
VOV.VN - Theo số liệu thống kê của bộ Môi trường Campuchia công bố vào ngày 18/11/2023: có hơn 2,9 triệu người đã trực tiếp đăng ký tham gia chiến dịch: “Tôi không sử dụng túi nilon” và có khoảng hơn 8,8 triệu người tham gia gián tiếp chương trình này.
Họ là cha, mẹ và các thành viên gia đình của những người trực tiếp tham gia chiến dịch. Như vậy, tổng số người tham gia chiến dịch này đã chiếm hơn 52% tổng dân số Campuchia. Có thể nói, đây là thành tích rất nổi bật của Campuchia trong việc bảo vệ môi trường.
Campuchia có thể đạt được thành tích này vì một số lý do sau:
Thứ nhất, Campuchia đã sử dụng tốt các phương tiện truyền thông xã hội, thông tin đại chúng để phổ biến các thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp liên quan đến môi trường, cắt giảm rác thải nhựa. Các phương tiện truyền thông xã hội và thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa và tác động đến ý thức của cộng đồng.
Thứ hai, nước này đã tổ chức thành công các hoạt động giáo dục, tập huấn cho nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội: giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động, … nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, Campuchia thực hiện các chương trình tình nguyện, sự kiện, chương trình liên quan đến môi trường, cắt giảm sử dụng túi nilon nhằm kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Các chương trình này được tổ chức thường xuyên và đan xen nhau, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ tư, xây dựng và phát triển các mô hinh cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cắt giảm việc sử dụng túi nilon. Các mô hình cộng đồng có thể là các tổ chức phi chính phủ, các câu lạc bộ, tổ chức truyền thông cộng đồng. Các mô hình này có vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong việc thực hiện các chính sách, quy định, giải pháp về môi trường, cắt giảm việc sử dụng túi nilon.
Cách Campuchia xử lý vấn đề rác thải nhựa
Chính sự tiện lợi trong sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần là nguyên nhân gây ra tình trạng “khủng hoảng rác thải nhựa” mà môi trường đang phải gánh chịu. Tác hại của rác thải nhựa mọi người đã nhận ra, song việc thay đổi hành vi lại không hề đơn giản.
Và để giải quyết vấn đề này, Campuchia đã đưa ra một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cho các đối tượng là người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất về tác hại của túi ni lông đối với nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, xây dựng và triển khai các chính sách, biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các chợ, trung tâm thương mại hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Hiện nay, một số siêu thị lớn tại Campuchia đã thực hiện việc bán túi nilon và khuyến khích người dân tự sử dụng túi thân thiện với môi trường (mỗi chiếc túi nilon được bán với giá khoảng 1000 riel= 5000 VND)
Thứ ba, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải túi ni lông, đồ nhựa sử dụng một lần thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
Kế hoạch hành động
Chiến lược tuần hoàn về Môi trường giai đoạn 5 năm (2023-2028) đã chính thức được Chính phủ Campuchia triển khai từ ngày 15/11/2023, với 3 mục tiêu ưu tiên về sạch, xanh và bền vững. Trong đó mục tiêu “sạch” tập trung vào quản lý môi trường, cập nhật năng lực đánh giá ô nhiễm, cải thiện khả năng đánh giá tác động môi trường. Mục tiêu “Xanh” tập trung vào giữ gìn và mở rộng các khu vực bảo tồn thiên nhiên, kết hợp cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Trong khi mục tiên thứ ba về “bền vững” tập trung vào việc tuân thủ các quy định môi trường, mở rộng hợp tác và phối hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia Eang Sophalleth, để định hướng thực hiện thành công các mục tiêu mà chiến lược này đưa ra, Campuchia sẽ tập trung chủ yếu vào nâng cao hiệu quả của các chính sách và biện pháp về quản lý môi trường, hướng tới mục tiêu dài hạn là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo cho phát triển bền vững.
Các em học sinh Campuchia hô khẩu hiệu nói không với túi nilon.
Trong bối cảnh Campuchia đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2050, Bộ trưởng Eang Sophalleth cho biết, chiến lược mới cũng sẽ đề ra những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm cho việc giữ gìn môi trường bền vững.
Cùng với đó, Campuchia cũng thúc đẩy lộ trình hướng đến một nền kinh tế xanh, với mục tiêu trung hòa khí thải và duy trì mật độ che phủ rừng 60% vào năm 2050, thông qua 3 nhóm biện pháp về củng cố chính sách, xây dựng năng lực quản lý số, và tăng cường chương trình khuyến khích chuyển đổi xanh.