Cán cân quân sự của Nga và Ukraine sau 1.000 ngày xung đột

VOV.VN - Khi cuộc xung đột cán mốc 1.000 ngày, Nga và Ukraine đều chưa bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Trong khi đó, con số thương vong ngày càng cao và 2 bên phải phụ thuộc vào đồng minh cùng các đối tác để gia tăng tiềm lực quân sự.  

Khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022, nhiều người cho rằng thủ đô Kiev sẽ sớm thất thủ và Ukraine cũng khó có thể giữ được phần còn lại của đất nước trước một đối thủ lớn mạnh hơn nhiều. Quân đội Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể làm chậm bước tiến của lực lượng Nga. Dù không thể đẩy lùi hoàn toàn đối phương, nhưng với sự hỗ trợ từ phương Tây, ít nhất Kiev đã không bị thất bại.

Nhưng gần ba năm sau, triển vọng đối với Ukraine trở nên ảm đạm hơn. Nga đang triển khai số lượng lớn nhân lực và vũ khí để giành được các vùng lãnh thổ tại Ukraine. Ước tính, Moscow đang nắm giữ khoảng 20% diện tích lãnh thổ của đối phương. Trong khi đó, Ukraine phải vật lộn để giảm thiểu tổn thất, duy trì tinh thần chiến đấu và nỗ lực thuyết phục các đối tác rằng họ có thể xoay chuyển tình thế nếu được viện trợ nhiều hơn.

Triển vọng ảm đạm với Ukraine

Khi cuộc xung đột cán mốc 1.000 ngày, không bên nào bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Tổng thống đắc cử mỹ Donald Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột, nhưng vẫn chưa rõ ông sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho bên nào. Một số nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể chấm dứt xung đột bằng cách ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Giáo sư Phillips O'Brien, tại Đại học St. Andrews, Scotland nhận định, bối cảnh này dường như đang khiến Nga phải thúc đẩy chiến lược ở miền Đông. "Nếu ông Trump cắt viện trợ cho Ukraine và lệnh ngừng bắn dẫn đến xung đột đóng băng, Nga muốn đảm bảo rằng họ sẽ giành được nhiều lãnh thổ hơn khi điều đó xảy ra".

Đối với Ukraine, chìa khóa cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào sẽ là sự đảm bảo từ phương Tây rằng họ sẽ không cho phép Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tương tự trong tương lai. “Nếu không, một lệnh ngừng bắn sẽ là yếu tố gây bất ổn liên tục ở châu Âu", ông Phillips O'Brien lưu ý.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine đã mất nhiều vùng lãnh thổ nhưng cũng đạt được những bước tiến đáng chú ý. Họ đã nỗ lực chống lại một đối thủ lớn hơn nhiều với sức mạnh không quân vượt trội và giành lại một số vùng đất thông qua các cuộc phản công táo bạo. Năm thứ hai được đánh dấu bằng việc Ukraine mất Bakhmut và cuộc phản công thất bại. Về cơ bản quân đội giữa hai nước đã chiến đấu trong tình thế bế tắc dọc theo tuyến đầu dài 1.000 km. Vào cuối năm 2023, Quốc hội Mỹ đã trì hoãn việc phê duyệt gói viện trợ vũ khí, kinh tế và nhân đạo trị giá 61 tỷ USD cho Kiev.

Trong bối cảnh Ukraine đang cạn kiệt đạn dược và vũ khí, triển vọng của nước này đã xấu đi đáng kể khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3. Vào tháng 2/2024, thành trì Avdiivka của Ukraine đã sụp đổ sau nhiều tháng bị Nga không kích, với việc sử bom lượn có từ thời Liên Xo được trang bị hệ thống dẫn đường. Việc Avdiivka thất thủ đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Sau đó Nga tiếp tục tấn công thành phố Kharkov ở đông bắc, gây thêm sức ép cho Ukraine.

Bước ngoặt đáng chú ý trong cuộc xung đột này là việc Ukraine bất ngờ đột kích và xâm nhập biên giới Nga vào đầu tháng 8/2024. Họ đã chiếm giữ hàng trăm km2 lãnh thổ ở tỉnh Kursk. Đây có thể là một quân bài quan trọng đối với Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, nhưng điều này vẫn không ngăn cản lực lượng Nga chiếm thêm đất ở phía đông Ukraine.

Phát biểu với Sky News, chuyên gia quân sự và quốc phòng Simon Diggins nhận định, mặc dù chưa đạt được mục tiêu đưa Ukraine thành một quốc gia trung lập, nhưng Nga đã thành công trong việc củng cố quyền kiểm soát đối với số lượng lớn khu vực ở Donbass.

"Các tỉnh phía đông là nơi tạo nên sức mạnh công nghiệp của Ukraine và hợp thành cầu nối trên bộ đến bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014. Xét theo quan điểm này, Moscow có thể đã thành công một phần. Họ chưa hoàn toàn kiểm soát toàn bộ miền Đông Ukraine, nhưng đã giành một số lượng đáng kể các thành phố và thị trấn ở đây", ông Simon Diggins lưu ý.

Ông Diggins nói thêm, xét về vị thế quân sự, quân đội Nga vẫn đang tiếp tục tiến lên, mặc dù rất chậm và họ đang nắm ưu thế bằng cách tiến hành các cuộc không kích ồ ạt. Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích John Foreman cho rằng Nga đang có lợi thế trong một năm qua. Cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk có thể khiến Moscow bất ngờ, nhưng "không làm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến" theo hướng có lợi cho Kiev. Theo chuyên gia Diggins, Ukraine "hoàn toàn không có cơ hội" giành lại các tỉnh đang bị Nga chiếm đóng, nhưng đã chứng minh được rằng họ khá thành công trong nỗ lực phòng thủ.

Tiềm lực quân sự của Nga và Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, đến thời điểm hiện tại, có 700.000 binh sỹ Nga đang chiến đấu ở Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng Moscow sẽ cần một lực lượng lớn hơn nhiều để đẩy nhanh tiến độ giành lãnh thổ, nhưng họ không có khả năng huy động thêm binh sỹ vì điều này có thể gây ra sự xáo trộn trong nước.

Những gì Ukraine giành được tại Kursk cũng là một bài toán đau đầu đối với ông Putin vì khu vực này có thể được sử dụng như một con bài mặc cả trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào trong tương lai.

Đại úy Yevhen Karas, một chỉ huy Ukraine tại Kursk, cho biết cuộc chiến bên trong lãnh thổ Nga rất phức tạp, nhưng ông tin rằng Ukraine chứng minh được hiệu quả trong việc chuyển hướng nguồn lực của Nga ra khỏi Donbass.

Để duy trì sức mạnh chiến đấu, cả Nga và Ukraine đều nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh và đối tác. “Nga đã sử dụng mọi vũ khí trong kho dự trữ của nước này để giành lợi thế”, ông Diggins lưu ý. Ngoài ra, nước này cũng sử dụng máy bay không người lái của Iran và đạn dược do Triều Tiên cung cấp. Có một số thông tin cho biết, Bình Nhưỡng cũng triển khai binh sỹ đến khu vực Kursk của Nga.

"Nga đang sử dụng máy bay không người lái của Iran trong các cuộc tập kích ồ ạt để làm suy yếu Ukraine và tăng cường tấn công cứ điểm đối phương bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa. Nga cũng cải thiện sức mạnh của máy bay không người lái và sử dụng bom lượn để phá hủy các vị trí của Ukraine. Về phần mình, Kiev đã tăng cường sản xuất máy bay không người lái và tên lửa hành trình nhưng vẫn chưa đủ để có thể xoay chuyển cục diện”, nhà phân tích Simon Diggins nhận định.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Kiev có thể dùng hệ thống tên lửa ATACMS tấn công vào Nga. Ngoài ATACMS, những loại vũ khí khác mà Kiev có thể dùng cho mục đích này là tên lửa Storm Shadow của Anh và tên lửa SCALP của Pháp nếu được 2 quốc gia chấp thuận.

Ông Diggins cho biết thêm, Ukraine hiện đang yêu cầu phương Tây cung cấp thêm các tên lửa tầm xa phi hạt nhân và hệ thống phòng không hiệu quả và tên lửa Taurus của Đức có thể nằm trong số này.

Cuộc chiến sẽ ra sao trong 1.000 ngày tiếp theo?

Các chuyên gia đều dự đoán một kết thúc không mấy lạc quan cho cuộc xung đột trong năm 2025, khi không bên nào đạt được lợi ích đáng kể cho đến thời điểm hiện tại.

“Châu Âu và chính quyền mới của Mỹ luôn muốn thúc đẩy một thỏa thuận để chấm dứt giao tranh. Nhưng nếu không có sự đảm bảo an ninh vững chắc đối với Ukraine, hoặc không có thỏa thuận ngừng giao tranh hay ngừng bắn, Nga sẽ tái tập hợp lực lượng và tiếp tục tấn công để giành lợi thế”, nhà phân tích Foreman lưu ý.

Còn chuyên gia Diggins dự đoán rằng, lệnh ngừng bắn nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy trong 6 đến 9 tháng tới, với một số thỏa thuận như "đổi đất lấy hòa bình”. Vấn đề khó khăn tiếp theo là liệu phương Tây có duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine hay không.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải mã sự im lặng bất ngờ của ông Trump khi ông Biden phá rào tên lửa tầm xa cho Ukraine
Giải mã sự im lặng bất ngờ của ông Trump khi ông Biden phá rào tên lửa tầm xa cho Ukraine

VOV.VN - Sự im lặng của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi chính quyền Biden quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Ukraine, đã gây nhiều chú ý.

Giải mã sự im lặng bất ngờ của ông Trump khi ông Biden phá rào tên lửa tầm xa cho Ukraine

Giải mã sự im lặng bất ngờ của ông Trump khi ông Biden phá rào tên lửa tầm xa cho Ukraine

VOV.VN - Sự im lặng của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi chính quyền Biden quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Ukraine, đã gây nhiều chú ý.

“Xé rào” cho Ukraine sử dụng ATACMS, Mỹ thách thức Nga?
“Xé rào” cho Ukraine sử dụng ATACMS, Mỹ thách thức Nga?

VOV.VN - Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong chính sách của Mỹ, đồng thời tác động lớn tới địa chính trị và quân sự. Theo giới phân tích, với bước đi này, Mỹ được cho là đang thách thức lằn ranh đỏ của Nga.

“Xé rào” cho Ukraine sử dụng ATACMS, Mỹ thách thức Nga?

“Xé rào” cho Ukraine sử dụng ATACMS, Mỹ thách thức Nga?

VOV.VN - Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong chính sách của Mỹ, đồng thời tác động lớn tới địa chính trị và quân sự. Theo giới phân tích, với bước đi này, Mỹ được cho là đang thách thức lằn ranh đỏ của Nga.

Những lá bài mặc cả Nga muốn thâu tóm trước khi ông Trump nhậm chức
Những lá bài mặc cả Nga muốn thâu tóm trước khi ông Trump nhậm chức

VOV.VN - Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện Nga đang muốn nắm trong tay rất nhiều con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán tương lai.

Những lá bài mặc cả Nga muốn thâu tóm trước khi ông Trump nhậm chức

Những lá bài mặc cả Nga muốn thâu tóm trước khi ông Trump nhậm chức

VOV.VN - Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện Nga đang muốn nắm trong tay rất nhiều con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán tương lai.