Từ hiện tượng Ngô Bảo Châu:

Cần có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài

Chính sách không chỉ với nhà toán học Ngô Bảo Châu, Việt Nam còn có nhiều nhà khoa học nổi tiếng làm việc ở nhiều nước trên thế giới, ở những lĩnh vực khác nhau.

>> 140.000 người truy cập blog của Giáo sư Ngô Bảo Châu
>> “Ngô Bảo Châu- đồng nghiệp đặc biệt của chúng tôi”
>> Vài kỷ niệm với một nhà toán học lớn
>> GS Ngô Bảo Châu: “Tôi không từ chối tấm lòng của nước nhà…”
>> GS Ngô Bảo Châu giành "Giải Nobel Toán học”

Nhà toán học - Giáo sư Ngô Bảo Châu đang là niềm tự hào của người Việt Nam khi được các nhà toán học thế giới vinh danh, trao giải Fields được xem như giải Nobel toán học. Hiện tượng Ngô Bảo Châu lưu ý chúng ta cần có chính sách cụ thể tạo môi trường cho tài năng khoa học phát triển…

Chúng ta tự hào vì Việt Nam có một nhà toán học tầm cỡ thế giới được các nhà toán học hàng đầu thế giới vinh danh. Cái tên Việt Nam trong những ngày qua được thế giới nhắc đến nhiều hơn; và dĩ nhiên người ta sẽ tìm hiểu Việt Nam nhiều hơn, vì Giáo sư Ngô Bảo Châu là người Việt Nam. Sau những hứng khởi ban đầu, là lúc chúng ta cần có nhiều hơn những suy nghĩ nghiêm túc về hiện tượng Ngô Bảo Châu, về công việc đào tạo nhân tài và thu hút nhân tài…

Việt Nam từng có nhiều nhà toán học nổi tiếng, và nói đến điều này, không thể không thể không nhắc đến những tên tuổi lớn như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm…Nhưng có điều, các nhà toán học này đều được đào tạo từ môi trường khoa học nước ngoài. Học sinh Việt Nam được nhận xét là có khả năng tư duy trừu tượng, thuận lợi cho phát triển toán học.

Mấy chục năm lại đây, qua từng kỳ thi toán, vật lý quốc tế, nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao. Danh sách học sinh Việt Nam đoạt giải quốc tế ngày một nhiều thêm. Nhưng trong số đó không mấy ai trở thành nhà toán học có tiếng.

Hiện tượng Giáo sư Ngô Bảo Châu thật là hiếm. Từ một học sinh phổ thông sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, được phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu toán học tại các trường chuyên toán trong nước, nhưng trở thành nhân tài toán học với những thành tựu cụ thể, lại từ môi trường học tập, nghiên cứu ở nước Pháp. Người ta nói, nếu cách đây 20 năm, Ngô Bảo Châu không có duyên may được một nhà khoa học người Pháp phát hiện, tạo điều kiện đưa sang Pháp học, được nhà toán học có tiếng hướng dẫn, thì chưa hẳn bây giờ thế giới có được một nhà toán học Ngô Bảo Châu. Những học sinh giởi toán cùng thời với Ngô Bảo Châu, trước đó và sau này, không có duyên may như Ngô Bảo Châu, hầu hết đều không đi theo con đường nghiên cứu toán học đến cùng, họ tìm lối rẽ khác…

Rõ ràng trong mấy chục năm qua, Việt Nam chúng ta rất mạnh về bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu toán học. Nhưng để đào tạo thành những nhà toán học giỏi, chúng ta lại tỏ ra yếu kém. Từ năng khiếu đến nhân tài là một khoảng cách rất lớn, cần một môi trường tương ứng để năng khiếu có thể phát triển thành tài năng.

Trong những ngày bùng nổ sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu, báo chí hay nhắc đến nhà lãnh đạo Việt Nam một thời: Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vị Thủ tướng có tài kinh bang cũng là nhà văn hoá lớn, có tầm nhìn sâu rộng về giáo dục đào tạo, có nhiều chủ trương cụ thể để phát triển giáo dục, trong đó có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài và thu hút nhân tài phục vụ công cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng đất nước. Những chính sách cụ thể, mà trên hết là đề cao nhân tài, đặt nhân tài đúng vị trí, có chính sách đãi ngộ cụ thể, đã quy tụ được những nhà khoa học giỏi và phát huy năng lực, tài năng ở họ.

Đối với những người thành danh, nổi tiếng thế giới như Ngô Bảo Châu, không cần lắm một căn hộ, một biệt thự hay những biệt đãi vật chất tương tự. Đấy không phải là điều kiện khiến anh gắn bó, cống hiến cho nước nhà. Điều quan trọng là tạo môi trường phù hợp để họ làm việc, nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến. Môi trường cụ thể ở đây là một cơ sở toán học, với mô hình phù hợp; một đội ngũ những nhà toán học và những người yêu toán học ham mê tìm hiểu môn khoa học cơ bản này…

Nhưng trước hết, cần khuyến khích hình thành tâm lý xã hội coi trọng môn khoa học cơ bản, coi trọng người có tài năng thật sự và những chế độ đãi ngộ thoả đáng, minh bạch. Những nhà khoa học lớn, dù mang quốc tịch nước này hay nước khác, họ vẫn là công dân thế giới; những thành tựu của họ trở thành tài sản trí tuệ chung của nhân loại. Tất nhiên, với những nhà khoa học Việt Nam như Ngô Bảo Châu, Việt Nam vẫn là nơi được dành công sức, trí tuệ cống hiến nhiều hơn.

Từ hiện tượng Ngô Bảo Châu, cần có những chính sách cụ thể thu hút, sử dụng nhân tài phát triển đất nước. Chính sách không chỉ với nhà toán học Ngô Bảo Châu, Việt Nam còn có nhiều nhà khoa học nổi tiếng làm việc ở nhiều nước trên thế giới, ở những lĩnh vực khác nhau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên