Căng thẳng leo thang, liệu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có “đường ai nấy đi”?
VOV.VN - Mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hàng chục năm qua giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ tan vỡ vì những căng thẳng hiện nay giữa 2 bên.
Không còn tốt đẹp nhưng vẫn cần nhau
Theo Giáo sư về Địa Chính trị Gevorg Mirzayan, khó có chuyện quan hệ Mỹ-Thổ tiếp tục diễn ra tốt đẹp như trước đây bởi cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016 “đã phá hỏng tất cả”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Cũng theo Giáo sư Mirzayan, dù quan hệ Mỹ-Thổ đã kéo dài được 70 năm- bắt đầu từ thời Tổng thống Mỹ Harry Truman vào năm 1947- mối quan hệ này bắt đầu có “sóng gió” vào đầu năm 2016 khi lợi ích của Washington và Ankara tại Trung Đông và trên toàn thế giới đã không còn “song trùng”.
“Các cuộc đối đầu giữa hai bên sẽ diễn ra thường xuyên hơn và có thể vượt qua giới hạn của việc sử dụng lời lẽ khiêu khích đơn thuần”, Giáo sư Mirzayan dự đoán.
Dù vậy, theo Giáo sư Mirzayan, một cuộc “ly hôn” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không diễn ra “sau một đêm” bởi Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể thích nghi ngay với việc đơn độc chống lại “những mối đe dọa từ các quốc gia Arab”. Hơn thế nữa, nước này cũng khó có thể đương đầu nổi với các lệnh trừng phạt “hà khắc” của Liên minh châu Âu với lý do Thổ Nhĩ Kỳ “vi phạm nhân quyền”.
Trong khi đó, Mỹ cũng rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì cán cân quyền lực tại Trung Đông. Nói cách khác, Mỹ không muốn “làm tan vỡ khối đại đoàn kết trong liên minh NATO” cũng như khiến Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần hơn với Nga và Iran.
Nguy cơ rạn nứt quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vì người Kurd ở Syria
Mầm mống chia rẽ kéo dài hơn 1 năm
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng ngoại giao gần đây giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khởi nguồn từ cách đây hơn 1 năm, cụ thể là cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 khiến Ankara mạnh tay trấn áp các đối tượng tình nghi.
Cho đến nay, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người, trong đó có cả người nước ngoài. Cụ thể, hồi tháng 10/2016, Ankara đã bắt giữ giáo sĩ người Mỹ Andrew Brunson với lý do ông này là thành viên của một tổ chức khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đề nghị đổi giáo sĩ Brunson lấy giáo sĩ Fethullah Gulen- người bị phía Thổ Nhĩ Kỳ tình nghi “đứng đằng sau” cuộc đảo chính bất thành năm 2016- nhưng chỉ nhận được “sự im lặng” từ phía Mỹ.
“Giọt nước bắt đầu tràn ly” vào tháng 10/2017, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Metin Topuz, một công dân nước này làm việc cho Tổng Lãnh sự Mỹ tại Istanbul. Ngay lập tức, Mỹ đáp trả bằng việc ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có biện pháp đáp trả tương xứng.
3 lý do khiến Mỹ “bất mãn” với Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Giáo sư Mirzayan, không chỉ không hài lòng với cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ giáo sĩ Gulen, Mỹ còn bất đồng sâu sắc với nước này trong 2 vấn đề khác là vai trò của người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố và chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng tại Syria.
Giáo sư Mirzayan nhận định, đến thời điểm này, Mỹ không còn đồng minh nào trên thực địa ở Syria và Iraq đủ tin cậy như các lực lượng người Kurd. Chính vì thế, Mỹ không tiếc tiền của đổ viện trợ cho các lực lượng người Kurd tại 2 quốc gia nói trên.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng, các lực lượng người Kurd tại Syria và Iraq có liên hệ với Đảng Công nhân Người Kurd vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Căng thẳng trong vấn đề người Kurd nóng lên từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, Mỹ cũng bất mãn thấy rõ về việc Thổ Nhĩ Kỳ “thay đổi quan điểm chóng mặt” về vấn đề Syria nhất là sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria khiến cục diện chính trị tại đây trở nên có lợi cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng, cơ hội để lật đổ ông Assad như Mỹ và phương Tây vẫn mong đợi “đã tuột khỏi tầm tay”. Hơn thế nữa, Ankara cũng nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục ủng hộ các nhóm phiến quân Hồi giáo chống lại quân Chính phủ Syria, họ sẽ khó có thể có được tiếng nói có trọng lượng trong vấn đề Syria thời hậu chiến bởi các nhóm phiến quân Hồi giáo đang ngày một thất thế và sẽ sớm tan rã.
“Chính vì thế, Ankara đã chủ động tham gia bảo trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình tại Astana và đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự chung với quân Chính phủ Syria để chống lại các tổ chức khủng bố ở tỉnh Idlib”, Giáo sư Mirzayan giải thích.
Rõ ràng Mỹ không thể hài lòng với những động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Mỹ đã công khai lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ đã “hành xử một cách không phù hợp”.
Mỹ đã cố “ngọt ngào” nhưng vẫn khó níu kéo được Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ “Cách mạng Màu”
Trong bối cảnh đó, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên “gượng gạo” hơn khi mối nghi ngờ về việc Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 vẫn hằn sâu trong tâm trí giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhất là khi Mỹ khăng khăng từ chối yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen để điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Việc Mỹ có tham gia tổ chức cuộc đảo chính đó hay không không còn quan trọng nữa. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã tin chắc rằng Mỹ (và có thể là cả phương Tây) đang muốn giải quyết vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ không phải bằng con đường ngoại giao mà qua việc thay đổi chế độ. Toan tính đó đối với Ankara rõ ràng là đã “vượt qua ranh giới”.
Theo Giáo sư Mirzayan, tương lai quan hệ Mỹ-Thổ nhiều khả năng sẽ bị phủ bóng đen bởi nghi ngờ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ rằng “phương Tây sẽ không bao giờ từ bỏ ý định tiến hành một cuộc Cách mạng Màu tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần viện dẫn việc cả Mỹ và phương Tây đều ủng hộ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ với lý do “vi phạm nhân quyền” cũng như hỗ trợ cho các cá nhân hoặc các nhóm bất đồng chính kiến tại Thổ Nhĩ Kỳ như là những dấu hiệu rõ ràng của việc này”, Giáo sư Mirzayan giải thích./.