Canh bạc “được ăn cả, ngã về không” của Ukraine trong xung đột tiêu hao với Nga
VOV.VN - Cuộc đột kích vào Kursk đã cho thấy những thách thức chiến lược rộng hơn mà Ukraine phải đối mặt. Với nguồn lực hạn chế và môi trường quốc tế dịch chuyển, Ukraine sẽ phải sắp xếp các hoạt động quân sự phù hợp với những mục tiêu ngoại giao thực tế.
Canh bạc nguy hiểm
Chiến dịch quân sự hiện nay của Ukraine đã phản ánh bản chất kép của xung đột hiện đại, khi mà những cuộc giao tranh diễn ra cả trên mặt trận thực tế và mặt trận tâm lý. Ukraine đối mặt với thách thức trên cả hai mặt trận này: Đó là vừa giao tranh với Nga trong khi vẫn phải đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài của phương Tây. Hai mặt trận trên phụ thuộc và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk hồi tháng 8/2024 là một cuộc tấn công có tính toán nhằm định hình lại đánh giá về cuộc xung đột và cho thấy khả năng của Kiev thách thức Moscow trên chính lãnh thổ của họ.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022, Ukraine đã theo đuổi một chiến lược đa dạng trong cuộc xung đột đang diễn ra. Theo đó, họ cho rằng cách tiếp cận này là một canh bạc có chủ đích nhằm phơi bày những điểm yếu và làm mất ổn định tình hình trong nước của Nga.
Cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine cũng có mục đích tạo ra tác động tâm lý ngay lập tức thông qua việc bắt giữ tù nhân và chiếm lãnh thổ Nga để mang lại sự thúc đẩy tinh thần đáng kể cho các lực lượng của Kiev.
Cuộc tấn công vào Kursk mặc dù chủ yếu là hoạt động quân sự nhưng cũng là cuộc chiến thông tin được thiết kế để thu hút sự chú ý của phương Tây và củng cố nhận thức rằng Ukraine vẫn có khả năng giáng những đòn đáng kể vào lực lượng Nga. Tuy là một chiến dịch táo bạo nhưng cuộc tấn công vào Kursk không phải không có những hạn chế về mặt chiến lược.
Khả năng chuyển đổi những thành quả trên chiến trường của Ukraine thành lợi ích chiến lược bị giới hạn bởi các đối tác, đặc biệt là Mỹ. Washington đã áp các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng những hệ thống tên lửa tầm xa để tránh gây xung đột trực tiếp với Nga.
Điều này cho thấy rằng, mục tiêu chính trị khác nhau của các đồng minh có thể hạn chế khả năng tận dụng đầy đủ thành quả quân sự đạt được. Đối với Ukraine, thực tế trên tức là các mục tiêu của họ trong cuộc xung đột có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với những tính toán địa chính trị rộng hơn của các đồng minh phương Tây, tạo ra sự xung đột trong chiến lược.
Việc Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự và tài chính của phương Tây cũng làm nổi bật một khía cạnh khác trong sự phối hợp giữa Kiev và các đồng minh: đó là khả năng phát sinh những khác biệt về chính trị. Trong khi Kiev tìm kiếm chiến thắng quyết định trên chiến trường để tăng cường vị thế đàm phán thì các nước phương Tây như Mỹ và châu Âu lại thận trọng hơn về nguy cơ leo thang căng thẳng, ưu tiên tránh những hành động có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn.
Sự khác biệt về các mục tiêu đã hạn chế khả năng của Ukraine trong việc khai thác đầy đủ những thành công trong các chiến dịch nói chung và chiến dịch Kursk nói riêng.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine
Một vấn đề quan trọng mà Ukraine phải đối mặt sau cuộc tấn công vào Kursk là nguy cơ quân đội bị kéo căng quá mức. Trong khi các lực lượng của Kiev đã chiếm được đáng kể lãnh thổ Nga thì chiến dịch này cũng gia tăng sức ép lên nguồn lực quân sự vốn đã hạn chế của Kiev.
Đồng thời, quân đội Nga vẫn tiếp tục đạt được thành quả quanh Donetsk, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các vị trí phòng thủ của Ukraine ở phía Đông. Việc theo đuổi các hoạt động ở Kursk trong khi bảo vệ mặt trận phía Đông khiến Ukraine đứng trước nguy cơ kéo căng quá mức các lực lượng của mình - một canh bạc nguy hiểm trong cuộc xung đột tiêu hao.
Việc các nguồn lực bị kéo căng là một mối lo ngại quan trọng với Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ tài chính, thông tin tình báo và vũ khí chính xác do phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, những nguồn lực này không phải là vô hạn.
Kho đạn dự trữ của phương Tây, đặc biệt là đạn pháo đang cạn kiệt, trong khi các gói viện trợ của Mỹ ngày càng đối mặt với những chia rẽ về mặt chính trị. Rủi ro đối với Ukraine là các chiến dịch sau đó, chẳng hạn như chiến dịch Kursk có thể làm cạn kiệt nguồn cung quân sự và nhân lực nhanh hơn tốc độ họ có thể bổ sung, đặc biệt nếu sự hỗ trợ của phương Tây bắt đầu suy yếu.
Trên mặt trận ngoại giao, chiến dịch Kursk đã mang đến những kết quả trái chiều. Một mặt, Ukraine hy vọng việc đưa xung đột vào lãnh thổ Nga có thể khiến Điện Kremlin bối rối, gây áp lực buộc Tổng thống Putin xem xét lại chiến lược của mình.
Theo đó, Kiev hy vọng điều này có thể đưa Moscow phải đàm phán từ vị thế yếu, đặc biệt khi sự bất mãn trong nước gia tăng do những thất bại quân sự. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn thế. Bất chấp những thành quả mang tính biểu tượng của Ukraine ở Kursk, Nga vẫn cố thủ ở miền Đông Ukraine. Do đó, mặc dù chiến dịch của Ukraine có thể khiến Nga lo ngại nhưng về cơ bản nó không làm thay đổi bức tranh chiến lược tổng thể của cuộc xung đột.
Chiến dịch này cũng có nguy cơ khiến một số nước phương Tây ủng hộ Ukraine tự tách mình ra. Các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp luôn ủng hộ ngoại giao và lệnh ngừng bắn, lo ngại leo thang xung đột vào lãnh thổ Nga.
Những nước này đã tuyên bố rõ, sự ủng hộ của họ với Ukraine phụ thuộc vào các hoạt động phòng thủ chứ không phải các cuộc tấn công vào Nga. Nếu xung đột được coi là mở rộng ra ngoài biên giới Ukraine, Kiev có thể mất đi sự ủng hộ ngoại giao quan trọng, làm hạn chế thêm các lựa chọn trên chiến trường.
Trong tương lai, Ukraine phải đối mặt với một lựa chọn chiến lược quan trọng. Trong khi cuộc tấn công vào Kursk mang đến sự thúc đẩy tinh thần trong ngắn hạn thì nó không làm thay đổi cán cân xung đột. Thách thức với Ukraine hiện nay là duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ đã chiếm được trong khi tránh mở rộng nó quá mức.
Việc chiếm các vùng lãnh thổ ở Kursk làm vùng đệm về cơ bản có thể mang lại cho Ukraine đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai nhưng điều này tức là Kiev phải có sức mạnh quân sự để duy trì quyền kiểm soát khu vực vô thời hạn - một khả năng ngày càng trở nên mong manh.
Cuộc tấn công cũng đặt ra những câu hỏi rộng hơn về việc duy trì chiến lược quân sự của Ukraine. Với nguồn lực hạn chế và môi trường quốc tế dịch chuyển, Ukraine phải sắp xếp các chiến dịch quân sự phù hợp với những mục tiêu ngoại giao thực tế.
Điều này tức là Kiev phải thận trọng cân nhắc những rủi ro và lợi ích của các hoạt động tấn công tương lai trước nhu cầu duy trì sự hỗ trợ của phương Tây và bảo toàn nguồn lực quân sự. Chiến dịch Kursk, trong khi gây ấn tượng cho phương Tây ở thời điểm hiện tại thì có thể biến thành một thất bại thảm hại nếu Ukraine tiếp tục căng mình quá mức trong cuộc giao tranh không có dấu hiệu hạ nhiệt với Nga.
Cuộc đột kích vào Kursk đã cho thấy những thách thức chiến lược rộng hơn mà Ukraine phải đối mặt. Trong khi hoạt động này chứng minh khả năng tấn công của Ukraine thì nó cũng phơi bày những hạn chế trong chiến lược quân sự và ngoại giao của Ukraine.
Khi xung đột bước vào giai đoạn quan trọng, Kiev sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận nhất quán hơn, cân bằng giữa các hoạt động quân sự với những mục tiêu ngoại giao thực tế và sự hạn chế về nguồn lực. Những tháng tới sẽ là thời điểm then chốt với cả Ukraine và phương Tây.
Thành công chiến lược của Ukraine không chỉ được đo lường bằng những thành quả về lãnh thổ mà còn bằng khả năng duy trì sự ủng hộ của phương Tây, quản lý nguồn lực hiệu quả và đảm bảo một giải pháp bền vững cho xung đột.