Cảnh báo đanh thép của Nga khiến phương Tây chưa thể “cởi trói” cho Ukraine?

VOV.VN - Mỹ và Anh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga do lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, đặc biệt là sau cảnh báo sắc lạnh từ Điện Kremlin.

Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 13/9 đã đến Washington để thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc có nên chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu xa hơn nhiều so với biên giới của Ukraine hay không. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho phép điều đó.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, sẽ không có thông báo nào về tên lửa tầm xa sau cuộc họp giữa 2 nhà lãnh đạo.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Anh cũng nói rằng, không nên mong đợi sẽ có đèn xanh cho Ukraine sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Starmer. Quyết định cuối cùng về Storm Shadow đã bị hoãn lại cho đến kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này.

Những lo ngại của Mỹ

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, Ukraine đã có khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái (UAV) do nước này tự sản xuất. Tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp có thể giúp Kiev tăng cường khả năng đó, nhưng chúng quá đắt đỏ và chỉ có số lượng hạn chế nên sẽ khó tạo ra sự khác biệt.

Theo các quan chức ở Washington, ban đầu Ukraine muốn sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công các căn cứ không quân của Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã chuyển 90% máy bay phóng bom lượn - một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với Ukraine, tới các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của ATACMS. Điều này khiến việc để Ukraine dùng ATACMS tập kích sâu vào lãnh thổ Nga không thực sự hiệu quả trong khi lại có nguy cơ làm căng thẳng leo thang hơn nữa.

Hiện tại, Kiev muốn sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát quân sự của Nga, các kho nhiên liệu và vũ khí cũng như các khu tập trung quân đội.

Ngoài ATACMS của Mỹ, Ukraine cũng muốn thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp hay tên lửa SCALP của Pháp.

Vì dòng Storm Shadow có chứa linh kiện do Mỹ sản xuất, London sẽ cần được Washington chấp thuận nếu muốn cho phép Kiev dùng loại tên lửa này để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Trong khi đó, nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết Paris không cần sự cho phép của Washington để Ukraine sử dụng tên lửa SCALP trong trường hợp như vậy.

Đối với Tổng thống Biden, quyết định “cởi trói” cho Ukraine không chỉ mang tính chiến thuật. Nó đặt ra câu hỏi liệu việc cho phép các cuộc tấn công như vậy có thể gây ra nguy cơ xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga hay không.

Một mối lo ngại khác của Mỹ là việc tập trung vào các cuộc tấn công tầm xa có thể khiến Ukraine lơ là mối đe dọa trước mắt và cấp bách hơn: những bước tiến của Nga ở mặt trận Donbass, đặc biệt là cuộc tiến công về phía thành phố chiến lược Pokrovsk. Các quan chức Mỹ tin rằng việc mất thành phố này sẽ giáng một đòn mạnh đối với Ukraine.

Cảnh báo đanh thép của Nga

Ngày 13/9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cảnh báo, việc cho phép Ukraine phóng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga sẽ biến NATO thành “một bên trực tiếp tham gia vào hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân”.

“Các vị đừng quên điều này và hãy nghĩ đến hậu quả của nó”, ông Nebenzia nhấn mạnh.

Trước đó một ngày, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố, việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa phương Tây tập kích sâu vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với “các nước thành viên NATO, gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang bước vào cuộc chiến với Nga”.

Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, khi đó Moscow sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu đó là những biện pháp nào.

Hồi tháng 6, ông Putin từng nói về khả năng trang bị vũ khí cho đối thủ của phương Tây để tấn công các mục tiêu phương Tây ở nước ngoài và triển khai tên lửa thông thường trong khoảng cách có thể tấn công Mỹ và các đồng của Washington ở châu Âu.

Ông Kirby cho biết Mỹ coi những lời đe dọa như vậy là nghiêm trọng, mặc dù ông thừa nhận không có gì mới trong lời cảnh báo của Tổng thống Nga.

Trong khi đó, Nghị sĩ đảng Dân chủ Jason Crow, thành viên của ủy ban tình báo và đối ngoại Hạ viện Mỹ đã hạ thấp lời đe dọa của Nga về khả năng tấn công Ba Lan hoặc các thành viên NATO khác để trả đũa.

“Tôi không tin rằng có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga muốn gây chiến với NATO. Ngược lại, tôi nghĩ họ đang tránh một cuộc đối đầu với NATO”, ông Crow nói.

Lựa chọn đáp trả của Nga

Theo các nhà phân tích, Nga có nhiều lựa chọn phản ứng để đáp trả nếu Mỹ và phương Tây “cởi trói” cho Ukraine, cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga.

Ulrich Kuehn, một chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh ở Hamburg (Đức), cho biết ông không loại trừ khả năng Nga sẽ gửi đi một loại thông điệp hạt nhân nào đó, như thử hạt nhân nhằm răn đe phương Tây.

Ông Gerhard Mangott, một chuyên gia an ninh tại Đại học Innsbruck ở Áo, cũng cho rằng Nga sẽ gửi đi thông điệp hạt nhân, song kịch bản này khó xảy ra.

“Nga có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân. Họ đã thực hiện mọi sự chuẩn bị cần thiết. Họ có khả năng cho nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật ở đâu đó phía Đông đất nước chỉ để chứng minh họ hoàn toàn có khả năng dùng đến phương án hạt nhân nếu cần”, ông Mangott nhận định.

Theo ông Kuehn, ngoài việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công vào các hạ tầng, tài sản quân sự của Mỹ, Anh ở nước ngoài. Nga sẽ tấn công các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Anh ở gần Nga, như trên Biển Đen, hay bắn tên lửa vào các máy bay chiến đấu F-16 mang tên lửa Storm Shadow tại các căn cứ ở Romania và Ba Lan.

Chuyên gia Mangott cũng dự đoán, Ukraine sẽ phải hứng chịu các đòn đáp trả quân sự của Nga nếu được phương Tây “cởi trói” về vũ khí tầm xa. Tuy nhiên, ông cho rằng, Nga sẽ không tấn công lãnh thổ NATO.

Ngoài ra, một phương án mà Nga có thể tính đến là đáp trả ngoại giao như đóng cửa đại sứ quán phương Tây tại Nga và ngược lại.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga điều binh phản công như vũ bão, Ukraine nguy cơ bị đánh bật khỏi Kursk?
Nga điều binh phản công như vũ bão, Ukraine nguy cơ bị đánh bật khỏi Kursk?

VOV.VN - Hơn một tháng sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch đột kích lớn chưa từng có vào tỉnh Kursk, miền tây nước Nga, quân đội Nga đã bắt đầu phản công ồ ạt, với mục tiêu cuối cùng là đẩy lùi đối phương ra khỏi khu vực biên giới.

Nga điều binh phản công như vũ bão, Ukraine nguy cơ bị đánh bật khỏi Kursk?

Nga điều binh phản công như vũ bão, Ukraine nguy cơ bị đánh bật khỏi Kursk?

VOV.VN - Hơn một tháng sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch đột kích lớn chưa từng có vào tỉnh Kursk, miền tây nước Nga, quân đội Nga đã bắt đầu phản công ồ ạt, với mục tiêu cuối cùng là đẩy lùi đối phương ra khỏi khu vực biên giới.

Nga vây ráp “tử huyệt” Pokrovsk, tiến đánh Chasov Yar, Ukraine gồng mình giữ đất
Nga vây ráp “tử huyệt” Pokrovsk, tiến đánh Chasov Yar, Ukraine gồng mình giữ đất

VOV.VN - Nga đang gây sức ép lên tuyến đầu của Ukraine ở phía đông, nhằm chiếm giữ hai thành phố chiến lược là Pokrovsk và Chasov Yar, có thể giúp nước này tiến gần hơn đến mục tiêu chính là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk.

Nga vây ráp “tử huyệt” Pokrovsk, tiến đánh Chasov Yar, Ukraine gồng mình giữ đất

Nga vây ráp “tử huyệt” Pokrovsk, tiến đánh Chasov Yar, Ukraine gồng mình giữ đất

VOV.VN - Nga đang gây sức ép lên tuyến đầu của Ukraine ở phía đông, nhằm chiếm giữ hai thành phố chiến lược là Pokrovsk và Chasov Yar, có thể giúp nước này tiến gần hơn đến mục tiêu chính là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk.

Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine
Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine

VOV.VN - Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 13/9 khẳng định, Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, điều này cũng đã được quán triệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra cùng ngày.

Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine

Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine

VOV.VN - Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 13/9 khẳng định, Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, điều này cũng đã được quán triệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra cùng ngày.