Cha con triết gia Dugin muốn Tổng thống Nga Putin cứng rắn hơn
VOV.VN - Triết gia Nga Dugin là người phê phán dữ đội chính sách của Tổng thống Putin. Ông Dugin cùng con gái Daria muốn chính quyền Nga phải cứng rắn hơn nữa trên chiến trường Ukraine.
Vụ ám sát nhà báo Daria Dugina - con gái của triết gia Nga Alexander Dugin, vào tối 20/8/2022 đã gây sốc dư luận thế giới. Sự kiện này nay đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột tại Ukraine, hiện đang bước sang tháng thứ 7.
Nga tố cáo Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công. Trong khi đó, Ukraine khẳng định không liên quan.
Hai cha con Dugin cùng theo đuổi thuyết Đại Nga
Nhiều khả năng ông Dugin mới là mục tiêu chính của vụ ám sát nói trên nhưng ông đã thoát chết trong gang tấc khi đổi ô tô vào phút chót và để chiếc xe của ông cho con gái lái một mình.
Tuy nhiên, bản thân Daria cũng là một ngôi sao đang lên trong phong trào dân tộc cực hữu ở Nga. Cô thường xuyên tuyên truyền cho thế giới quan Đại Nga của cha cô. Chẳng hạn vào tháng 9/2021, Daria xuất bản một bài viết trích dẫn tác phẩm của luật gia Quốc xã Karl Schmitt để bảo vệ ý tưởng cho rằng một cường quốc hàng đầu như Nga cần thống trị các lãnh thổ láng giềng.
Nhiều ấn phẩm truyền thông phương Tây như Nhật báo Phố Wall và Bưu điện Washington mô tả ông Dugin là một “đồng minh của Putin” hoặc thậm chí là “bộ não của Putin”, hàm ý ông là kiến trúc sư trí tuệ cho chủ thuyết Putin. Nhưng những người khác cho rằng như vậy là phóng đại tầm ảnh hưởng của Dugin. Theo họ, Dugin chưa bao giờ nắm giữ chức vụ chính thức nào trong chính quyền và có vẻ không có quan hệ cá nhân trực tiếp với Tổng thống Nga Putin. Tờ Guardian viết: “Hai người đó chưa bao giờ chụp ảnh cùng nhau”.
Mặc dù ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, Dugin nằm trong số những thành phần dân tộc chủ nghĩa chỉ trích ông Putin vì đã không tiến hành cuộc chiến này với thái độ cứng rắn hơn nữa.
Bài viết gần đây nhất của Dugin - có khả năng được viết trước thời điểm vụ đánh bom ô tô và xuất bản trên một website dân tộc chủ nghĩa vào ngày 21/8 (một ngày sau vụ ám sát), kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga, lập luận rằng hệ thống hiện tại không thể tồn tại quá 6 tháng.
Giáo sư Dugin hối thúc Tổng thống Putin đẩy mạnh cuộc chiến ở Ukraine, chống lại chế độ mà ông gọi là Quốc xã và bù nhìn cho phương Tây. Ông Dugin còn chế giễu các quan ngại của điện Kremlin về quản lý cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2024. Ông gợi ý nên hoãn cuộc bầu cử đó lại.
Dugin vỡ mộng khi ông Putin không nghe theo tư tưởng cực đoan
Thực tế, Dugin gây ra khá nhiều phiền toái cho Tổng thống Putin. Hồi năm 2014, Dugin nhiệt tình ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ các cuộc nổi dậy thân Nga tại các thành phố ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Nhưng ông không dừng lại ở đó mà còn cổ xúy việc thành lập Novorossiia, nghĩa là Tân Nga, xuyên qua miền Đông và miền Nam Ukraine. Trong một video, ông Dugin gửi tới những người theo mình các tuyên bố hiếu chiến cực đoan.
Tuy nhiên, triết gia Dugin và những người dân tộc chủ nghĩa Nga khác đã bị vỡ mộng khi điện Kremlin bác bỏ ý tưởng đó vào năm 2014. Tổng thống Putin từ chối công khai đưa quân Nga tới bảo vệ vùng Donbass do lực lượng ly khai kiểm soát, mà thay vào đó, ông theo đuổi chính sách đàm phán cho quyền tự trị của Donbass trong khuôn khổ một nước Ukraine có chủ quyền (thỏa thuận Minsk).
Do chỉ trích nhà lãnh đạo Putin, ông Dugin đã bị sa thải khỏi vị trí giáo sư tại Đại học Quốc gia Moscow vào tháng 7/2014 và không được cho lên sóng các kênh truyền hình chủ đạo của Nga. Ngày nay, ông cũng chỉ chủ yếu xuất hiện trên kênh truyền hình dân tộc chủ nghĩa-Chính thống giáo Nga, Tsargrad.
Đến tháng 2/2022, Tổng thống Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không tiến hành “chiến tranh tổng lực” với Ukraine như quan điểm cực đoan của Giáo sư Dugin. Cho tới nay, chính quyền Nga chưa hề ban hành lệnh tổng động viên, chưa huy động đến lực lượng lính nghĩa vụ mà mới chỉ sử dụng các quân nhân hợp đồng. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đang thận trọng tiến hành hoạt động quân sự nhằm hạn chế tối đa thương vong cho dân thường./.