Châu Á–TBD cần duy trì hòa bình dựa trên việc tuân thủ luật quốc tế
VOV.VN - Đây là điểm nổi bật của Đối thoại Shangri La 2017 vừa kết thúc tại Singapore, sau 3 ngày nhóm họp.
Nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra mà bao trùm đó là việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải dựa trên việc tuân thủ các cam kết, luật lệ quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri La 2017. Ảnh: IISS. |
Với nhiều thách thức an ninh đang nổi lên, đây là lần đầu tiên diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực thu hút một lượng đông đảo trên 500 đại biểu của hơn 40 nước tham dự, trong đó có các bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand…
Tại Đối thoại Shangri La 2017, điểm đáng chú ý được dư luận đánh giá cao đó là các vấn đề được nêu lên trong 5 phiên thảo luận toàn thể và 4 phiên đặc biệt là không né tránh, không lẫn lộn giữa các yếu tố.
Trong đó, thách thức an ninh được đề cập nổi lên bao gồm Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay chống khủng bố và an ninh mạng.
Nếu như tại các lần đối thoại trước đây, thường các quốc gia chỉ đề cập tới những thách thức an ninh trong khu vực, tại diễn đàn lần này, các nước đã tập trung bàn thảo và đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ hơn, đề cao hơn việc tôn trọng luật pháp quốc tế và trên hết là nhất trí chung tay, hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong bài phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc Shangri La lần thứ 16, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull đã nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần nhận thức rõ ràng, nếu các nước duy trì một khu vực năng động, thì cần phải bảo vệ cấu trúc đó dựa trên luật lệ mà đã được công nhận từ trước đến nay. Điều này có nghĩa là các nước cần hợp tác, tránh những hành động đơn phương gây tổn hại an ninh khu vực và cạnh tranh cần phải trong khuôn khổ luật pháp. Shangri-La 2017 không né tránh những vấn đề phức tạp
Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh cũng khẳng định việc giải quyết thách thức khu vực không chỉ dựa vào bản thân mỗi nước riêng lẻ, mà cần có sự hợp tác chặt chẽ.
“Một điều mà ASEAN đúc rút ra trong nhiều năm qua đó là các thách thức an ninh phức tạp ngày nay không thể được giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ”, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh. “Những vấn đề xuyên quốc gia, xuyên biên giới cần có sự hợp tác mới có thể giải quyết. Các quốc gia cần phải thích nghi và thay đổi cách thức đối phó. Để làm được điều này, ASEAN đang phối hợp chặt chẽ với nhau và với các đối tác trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương.”
Cũng theo Tổng thư ký ASEAN, để giải quyết các thách thức an ninh hiện nay, nhất là trong vấn đề Biển Đông, vấn đề cấp bách hiện nay là ASEAN và Trung Quốc cần sớm đàm phán những yếu tố chi tiết có tính ràng buộc của Bộ quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC), nhằm ngăn chặn và quản lý các sự cố xảy ra.
Đối thoại Shangri La lần này cũng khẳng định vai trò không thể phủ nhận của các nước lớn đối với tình hình an ninh khu vực bởi họ có tầm ảnh hưởng và các hành động hay chính sách của họ có tác động lan tỏa khắp khu vực.
Tuy nhiên, các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ... cần phải hành xử một cách có trách nhiệm hơn, có hành động hợp tác và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác và không được có hành động đơn phương, chỉ tính tới lợi ích của mình mà "làm ngơ" lợi ích của các nước khác, đặc biệt là các quốc gia vừa và nhỏ.
Trong bài phát biểu thu hút sự quan tâm của dư luận khi lần đầu tiên một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh, tất cả các nước trên thế giới đều có tiếng nói trong việc định hình khu vực, nhưng nếu phớt lờ luật pháp quốc tế sẽ đe dọa đến cấu trúc an ninh toàn cầu.
“Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước khác để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng và một châu Á tự do cùng với sự tôn trọng của tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Mattis khẳng định.
“Bởi vì chúng tôi nhận thức không quốc gia nào là một hòn đảo đơn độc. Chúng tôi sẽ cùng với các đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế để cùng nhau đối phó với các thách thức an ninh. Khi các nước đưa ra các quyết định chủ quyền không bị cưỡng ép, khu vực sẽ tăng cường ổn định và an ninh được tăng cường vì lợi ích của tất cả các nước.” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ. Đối thoại Shangri-La 2017: “Nóng” với những thách thức an ninh khu vực
Tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 tại Singapore, đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam đã có những hoạt động trao đổi bên lề với các nước và tham dự các phiên đặc biệt, để phân tích, đánh giá, tham gia chất vấn, đồng thời khẳng định rõ hơn quan điểm của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam đã đưa ra đề xuất ASEAN và Trung Quốc cần triển khai việc áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES), cũng như vận hành đường dây nóng ngoại giao giải quyết sự cố trên biển một cách thực chất và hiệu quả.
Đề xuất này của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự.
“Việt Nam luôn luôn khẳng định quan điểm nhất quán là hội nhập sâu rộng trong môi trường quốc tế, đồng thời khẳng định tính độc lập, tự chủ và những biện pháp xử lý vấn đề Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc giải quyết các vấn đề hòa bình và chúng ta luôn tuân thủ luật pháp quốc tế UNCLOS 1982, và thực hiện các nội dung liên quan đến DOC và tiến tới để thực hiện COC.” - Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri La 2017 cho biết.
Ông nêu rõ: “Chúng ta cũng khẳng định, Việt Nam luôn luôn thực thi các vấn đề, đó là kiềm chế những bất đồng trên biển và tìm ra những giải pháp tốt nhất, ko sử dụng vũ lực, ko đe dọa vũ lực để giải quyết các vấn đề về Biển Đông. Và mong muốn, Việt Nam sẽ hợp tác với tất cả các nước vì mục đích hòa bình, ổn định để phát triển và luôn luôn tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nghiêm túc”./.