Châu Âu chuẩn bị tình huống xấu nhất cho cuộc chiến khí đốt
VOV.VN - Trong những ngày gần đây, nhiều nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu lo ngại, nếu Nga giảm dần nguồn cung khí đốt tự nhiên thì điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở khu vực trong mùa Đông tới.
Cuộc khủng hoảng thậm chí sẽ đến sớm hơn nếu Nga đột ngột cắt toàn bộ nguồn cung.
Điều gì đang xảy ra?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 6/7 cảnh báo, tất cả các quốc gia và các ngành công nghiệp tại châu Âu cần sẵn sàng ứng phó kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Ngày càng có nhiều lo ngại, đường ống dẫn khí đốt tự nhiêm Nord Stream 1 từ Nga tới Đức đi qua Biển Baltic sẽ không được khởi động lại sau khi kết thúc quá trình bảo trì dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7.
Nga đã giảm nguồn cung khí đốt cho hàng chục quốc gia trong Liên minh châu Âu, trong đó có Đức – nền kinh tế lớn nhất của khối vốn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu của Nga để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp. Một số nhà chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp cáo buộc Nga đang trừng phạt châu Âu vì đã hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của nước này.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm tới 60% nguồn cung sang châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt cho Italy cũng bị cắt giảm một nửa. Nga chiếm khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức và 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Italy.
Những lựa chọn của châu Âu
Châu Âu đang cố gắng lấp đầy kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất của họ trước mùa Đông. Các công ty cung cấp khí đốt hy vọng có thể mua được nhiều khí đốt trong mùa Hè với giá cả phải chăng và sau đó lấy từ nguồn dự trữ này để phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm gia tăng khi mùa Đông đến. Nhưng việc cắt giảm nguồn cung đang khiến quá trình tiếp nhiên liệu trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều, làm dấy lên lo ngại châu Âu có thể không đủ lượng nhiên liệu cần thiết cho mùa Đông tới.
Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang phải đối mặt với chi phí cao hơn và phải quay vòng việc tiêu thụ năng lượng. Điều này khiến nền kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại. Hiện, các hầm chứa khí đốt ở châu Âu mới được lấp đầy 60%. Trong khi đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu yêu cầu các quốc gia cần phải lấp đầy 80% kho dự trự trước ngày 1/11.
Hai nhà kinh tế Holger Schmieding và Salomon Fiedler tại ngân hàng Berenberg cho biết, nếu Nga không nối lại việc giao hàng qua Nord Stream 1 sau ngày 24/7, EU có thể “cạn kiệt khí đốt vào cuối mùa Đông. Để đảm bảo an ninh năng lượng, châu Âu có thể phải tính trước phương án phân bổ khí đốt”.
EU xử lý ra sao?
EU nhập khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, nhưng khối này đã vạch ra kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027. EU cho biết sẽ cấm nhập khẩu than đá của Nga từ tháng 8 và hầu hết dầu mỏ của Nga trong 6 tháng tới. Mục tiêu là khiến Nga sụt giảm doanh thu 850 triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, để ngăn chặn chiến sự tại Ukraine.
Để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Nga, nhiều chính phủ và các công ty tại châu Âu đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với giá thành cao của Mỹ, được vận chuyển bằng tàu. Giá năng lượng tăng cao đã khiến lạm phát lên đến mức kỷ lục ở châu Âu.
Hiện châu Âu đang nỗ lực lắp đặt thêm nhiều đường ống dẫn để tiếp nhận khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan, tăng tốc khai thác năng lượng tái tạo. Đức – quốc gia không có bến nhập khẩu LNG, đang có kế hoạch khai thác 4 nhà ga nhập khẩu. 2 nhà ga trong số này sẽ được đưa vào vận hành trong năm nay.
Mặc dù tập trung khai thác năng lượng tái tạo, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nhiều quốc gia quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đức đang gấp rút thông qua đạo luật tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than như một biện pháp tạm thời, mặc dù nước này có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn than vào năm 2030. Nhà chức trách nước này cũng kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng phòng ngừa kịch bản xấu trong mùa Đông tới. Chính phủ Hà Lan cũng thông báo sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động hết công suất trở lại để bảo tồn nguồn khí đốt tự nhiên mà nước này đang dự trữ.
Bất chấp các biện pháp nói trên, việc đảm bảo an ninh năng lượng tại châu Âu vẫn rất khó khăn. Các nhà ga xuất khẩu khí đốt hóa lỏng ở các nước khai thác năng lượng như Mỹ và Qatar đang phải hoạt động hết công suất, điều này đồng nghĩa với việc châu Âu phải cạnh tranh với châu Á để giành được nguồn cung vốn rất hạn chế.
“Con bài” của Nga
Tập đoàn Gazprom cho biết, họ buộc phải cắt giảm dòng chảy khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 với lý do tua-bin nén khí được đưa đi sửa chữa ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nhưng chính phủ nhiều nước châu Âu không đồng ý với lý do này và cho rằng quyết định đó xuất phát từ động cơ chính trị.
Động thái của Gazprom đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh, giúp Nga tăng doanh thu ở thời điểm nền kinh tế nước này đang phải chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đồng thời gây thêm sức ép cho EU buộc khối này cắt giảm sự hỗ trợ chính trị và quân sự cho Ukraine. Đây cũng có thể coi là hành động chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây và gửi thông điệp cứng rắn tới những khách hàng lớn ở châu Âu rằng, họ, cũng như những khách hàng nhỏ, sẽ không được miễn trừ khả năng cắt giảm nguồn cung nếu không đáp ứng điều kiện của Nga.
Đức và Italy đã chứng kiến nguồn cung của họ bị cắt giảm trong khoảng thời gian các nhà lãnh đạo của 2 nước này cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Kiev để gặp Tổng thống Zelensky và ủng hộ việc trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine.
Châu Âu sẽ bị "đóng băng" trong mùa Đông?
Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management cho rằng: “Việc cắt giảm nguồn cung qua Nord Stream 1 có thể là nỗ lực của Nga nhằm ngăn châu Âu lấp đầy kho dự trữ khí đốt trong mùa Hè và báo hiệu cho một cuộc chiến năng lượng ở châu Âu trong mùa Đông tới”.
Vậy châu Âu có nguy cơ mất điện hoặc đóng băng khi mùa Đông đến? Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này sẽ khó xảy ra bởi vì luật của EU quy định rằng trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ các nước thành viên phải áp dụng việc phân bổ khí đốt, tức là cắt giảm khí đốt cho ngành công nghiệp để đảm bảo nguồn cung cho các hộ gia đình, bệnh viện và trường học. Các quốc gia thiếu khí đốt cũng có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ những quốc gia khác có lượng dữ trữ lớn hơn, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn.
Mặt trái của quy định phân bổ là dễ dẫn tới việc cắt giảm hoặc ngừng các hoạt động công nghiệp, có thể gây ra tình trạng mất việc làm, giảm tăng trưởng, khiến lạm phát tăng cao hơn nữa và cuối cùng là suy thoái kinh tế./.