Châu Âu có chịu nhượng bộ trước sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ?
VOV.VN - Cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels trong 2 ngày 17-18/3 sẽ trả lời cho thắc mắc: EU sẽ nhượng bộ đến mức nào trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ?
Đề nghị gây sửng sốt
Trước đó 10 ngày, cuộc họp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 tại Brussels đã phát đi một thông báo gây sửng sốt: đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này sẽ tiếp nhận lại những người tị nạn Syria đã vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp theo nguyên tắc “1 đổi 1”. Tức là, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại 1 người tị nạn Syria từ đất châu Âu thì châu Âu sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria đang lánh nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Số phận những người tị nạn vào châu Âu đang được Thổ Nhĩ Kỳ đem ra mặc cả. Ảnh Reuters |
Kèm ràng buộc…
Nhưng, bên cạnh lời đề nghị được đánh giá là “rất tham vọng” này, Ankara dĩ nhiên không quên đưa ra các ràng buộc. Cụ thể, ngoài khoản 3 tỷ euro mà EU đã hứa giải ngân cho Thổ Nhĩ Kỳ từ trước, Ankara muốn thêm một khoản trợ giúp 3 tỷ euro nữa cho đến năm 2018. Số tiền này, như nhận xét của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan, “hoàn toàn là để trợ giúp những người tị nạn”.
Nhưng chưa hết, ngoài tiền ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn có những nhượng bộ chính trị quan trọng. Nước này muốn EU mở lại các phiên đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu và trước hết là bãi bỏ quy chế visa đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu chia rẽ nghiêm trọng
Tất cả những yêu sách này từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến châu Âu chia rẽ nghiêm trọng. Những gì được tiết lộ sau cuộc họp thượng đỉnh 7/3 cho thấy, “đề nghị Ankara” thực chất là một cuộc mặc cả đi đêm hoàn toàn giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều tờ báo lớn ở châu Âu đã khẳng định thỏa thuận này ra đời sau bữa ăn tối dài đến 6 tiếng rưỡi giữa nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels tối 6/3.
Đó được coi là buổi tối mà Berlin đã buộc cả châu Âu quỳ gối trước Ankara khi đồng ý thỏa thuận với Ankara mà không hề tham khảo ý kiến của 27 nước thành viên khác rồi sau đó đặt tất cả vào thế đã rồi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu- cuộc gặp khiến châu Âu cáo buộc bà khiến cả châu Âu "quỳ gối" trước Ankara. Ảnh Reuters |
Chính vì lí do đó, “thỏa thuận Berlin-Ankara” đã không nhận được sự ủng hộ, thậm chí là bị phản đối gay gắt tại nhiều nước thành viên EU.
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban chất vấn “Cứ theo nguyên tắc 1 đổi 1 thì chẳng nhẽ Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại 1 triệu dân tị nạn thì chúng ta cũng phải tiếp nhận 1 triệu người tị nạn từ phía họ ư?”.
Các quan chức cao cấp khác của châu Âu như Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk thì tuyên bố thận trọng “công việc đang tiến triển nhưng còn rất nhiều vấn đề phải thảo luận”. Thủ tướng Bỉ, Charles Michel thì nói thẳng: “thà không có thỏa thuận nào còn hơn là cố đạt được một thỏa thuận tồi”.
Bất mãn với Berlin và Ankara
Sự bất mãn với Berlin và Ankara đang được thể hiện công khai. Nếu sự không hài lòng với bà Angela Merkel chủ yếu nằm ở thái độ “trịch thượng”, không tôn trọng EU khi đơn phương đi đêm với Ankara thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thái độ của đa số các nước thành viên EU là hoài nghi, thậm chí ác cảm.
“Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi quá nhiều và tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận giống như một kiểu tống tiền. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ các giá trị châu Âu” – Thủ tướng Bỉ, Charles Michel tuyên bố.
Nicos Anastasiades, Thủ tướng đảo Síp, nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ, thì tuyên bố đảo Síp sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết bất cứ lúc nào với bất kỳ thỏa thuận nào giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của Công ước Ankara 2005, tức công nhận đầy đủ chủ quyền của đảo Síp.
Vấn đề người tị nạn: Bà Merkel sẽ phải trả giá vì làm… đúng?
Châu Âu còn nhiều ngờ vực với Ankara
Ngoài những điều trên, sự ngờ vực của các nước châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ còn đến từ việc chính quyền Ankara ngày càng có nhiều hành động bị cho là vi phạm nhân quyền và hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các nước như Pháp, Italy, Hà Lan… đã nhiều lần tố cáo chính quyền Ankara thể hiện các xu hướng ngày càng độc đoán trong các chủ đề này.
Tuy nhiên, Berlin đã dùng ảnh hưởng của mình để gạt các chủ đề đó sang một bên vì không muốn mất lòng Ankara. Chính phủ của bà Angela Merkel thậm chí còn cản trở và thuyết phục Đảng Xanh của Đức không đưa ra Bundestag (Nghị viện liên bang Đức) một dự luật lên án hành động diệt chủng mà Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Ottoman đã thực hiện đối với sắc dân Armenia hồi đầu thế kỷ 20.
Như nhiều chuyên gia phân tích đánh giá thì Berlin đang tìm mọi cách lôi kéo Ankara vào gánh vác cuộc khủng hoảng tị nạn và sẵn sàng chấp nhận đánh đổi các nhượng bộ chính trị, kinh tế của Liên minh châu Âu cho điều đó.
Vấn đề là châu Âu có thể chấp nhận nhún nhường Thổ Nhĩ Kỳ đến mức nào?./.