Châu Âu nín thở chờ câu trả lời của Scotland về việc tách khỏi Anh
VOV.VN - Báo chí Anh, Pháp và nhiều nước đặc biệt là báo điện tử, đang thức trắng theo dõi diễn biến ở Scotland.
Vào thời điểm này, dù đang là hơn 2h sáng 19/9, nhưng dường như cả châu Âu đang nín thở chờ đợi. Các tờ báo lớn của Anh còn nêu cụ thể từ giờ đến trưa cùng ngày, từng thời điểm sẽ có kết quả tại từng địa phương.
Cho đến lúc này, rất khó có thể dự đoán quyết định của người dân Scotland. Nhưng có một điều dễ nhận thấy là tỷ lệ đi bỏ phiếu rất cao, các địa phương đang tiến hành bỏ phiếu đều cho thấy con số đi bầu đa số trên 80%.
Phe ủng hộ độc lập dường như vẫn chiếm đa số khi tổ chức diễu hành mít-tinh rất ầm ĩ trong khi đó phe phản đối lại rất lặng lẽ, thậm chí là gần như không xuất hiện.
Đây là điều mà giới phân tích ở Anh vẫn hy vọng và gọi là “đa số im lặng”, tức những người phản đối độc lập này giữ im lặng và sẽ thể hiện sự phản đối của họ bằng lá phiếu.
Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán. Một loạt các diễn biến trong những ngày cuối cùng cho thấy phe ủng hộ độc lập ngày càng chiếm ưu thế. Một vài nhân vật nổi tiếng rất có ảnh hưởng tới dân chúng Scotland như tay vợt tennis Andy Murray vào phút cuối cũng tuyên bố ủng hộ độc lập.
Những thay đổi này rất có thể sẽ mang yếu tố quyết định trong bầu không khí chủ nghĩa dân tộc đang lên cao hơn bao giờ hết tại Scotland.
Nếu có chia ly, sẽ là mãi mãi?
Người Anh thì dĩ nhiên không muốn Scotland ra đi. Từ giới chính trị gia cho đến đa số dân Anh đều không muốn Scotland rời bỏ Vương quốc Anh. Họ xem sự chia ly này là một điều đau đớn vì như Thủ tướng Anh David Cameron có nói, nếu đã là chia ly thì sẽ là mãi mãi, không có cơ hội quay lại.
Ba lãnh đạo của 3 chính đảng lớn nhất Anh là Thủ tướng David Cameron (Bảo thủ), Ed Miliband (Công đảng) và Nick Clegg (Dân chủ tự do) đã cùng ký vào một bức thư đăng trên trang Nhất tờ Daily Record, nhật báo hàng đầu Scotland, kêu gọi dân Scotland nói “Không” với độc lập và đổi lại London sẽ trao thêm nhiều quyền tự quyết cho Nghị viện Edinburg.
Về đối ngoại, sự ra đi của Scotland cũng ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của Vương quốc Anh trên trường quốc tế, tức sẽ làm nước Anh yếu đi. Về đối nội, làn sóng đòi độc lập này có thể sẽ tác động tiêu cực đến tình hình vốn vẫn đang phức tạp ở Bắc Ireland và thậm chí là cả tâm lý muốn được độc lập của người dân Anh với Liên minh châu Âu.
Châu Âu không muốn Scotland độc lập
Đại đa số giới lãnh đạo châu Âu không muốn Scotland độc lập. Dù tôn trọng quyền tự quyết của người dân Scotland nhưng với giới lãnh đạo châu Âu, việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh để trở thành một quốc gia độc lập mang lại cho họ rất nhiều vấn đề phiền toái.
Trước hết, sự kiện này có thể sẽ châm ngòi nổ cho làn sóng ly khai bùng lên ở châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bỉ. Hiện tại ở Tây Ban Nha, vùng Catalan với thủ phủ là thành phố Barcelona, cũng đang đòi ly khai rất mạnh.
Chính quyền vùng này đang gây sức ép buộc Chính phủ Tây Ban Nha ở Madrid phải đồng ý cho họ được tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho Catalan giống như Scotland. Việc Scotland được tách ra độc lập sẽ khiến ngọn lửa ly khai này càng mạnh mẽ hơn.
Tương tự là ở Bỉ khi vùng nói tiếng Hà Lan cũng đòi tách ra thành một quốc gia riêng hoặc ít nhất là một dạng liên bang tự trị. Những xu hướng ly khai như trên là rất nguy hiểm cho châu Âu bởi nó phá vỡ các liên kết nội khối và đặt ra nghi ngờ về giá trị hội nhập châu Âu.
Cuối cùng, khi Scotland độc lập, liên minh châu Âu sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề như: liệu Scotland có gia nhập EU hay không và nếu gia nhập thì dành cho nước này quy chế nào? Liệu Scotland có được hưởng những miễn trừ như EU vẫn đang dành cho Vương quốc Anh hay không?
Nên nhớ, Vương quốc Anh hiện có rất nhiều điều khoản miễn trừ dù thuộc EU, như việc vẫn dùng bảng Anh, việc không vào không gian Schengen hay nhiều điều khoản liên quan đến quản trị ngân sách và thuế. Nhưng khi tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ chỉ là một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu, không thể cũng đòi hỏi những quyền lợi như Vương quốc Anh được.
Những gì chờ đợi Scotland nếu được độc lập?
Có rất nhiều vấn đề sẽ nảy sinh khi Scotland thành một quốc gia độc lập.
Về thuận lợi thì trước hết và trong thời gian ngắn, đó sẽ là tâm lý dân chúng. Họ đang háo hức trước việc trở thành công dân một quốc gia độc lập. Về mặt kinh tế, Scotland có hai thế mạnh chính đó là dầu mỏ và các ngành kinh tế năng lượng tái tạo.
Trữ lượng dầu mỏ của Scotland chiếm đến 96% trữ lượng dầu mỏ của cả Vương quốc Anh nên khi độc lập, thực ra là Scotland sẽ toàn quyền sử dụng nguồn lợi từ dầu mỏ này. Họ cũng sẽ tự chủ trong tất cả các chính sách phát triển kinh tế của mình, không còn phụ thuộc vào London như trước kia.
Tuy nhiên, khó khăn cũng sẽ có rất nhiều. Trước hết là chuyện đồng tiền. Scotland sẽ sử dụng đồng tiền nào sau khi độc lập? Phương án tốt nhất là vẫn dùng đồng bảng Anh nhưng các đảng phái lớn ở Anh đều phản đối chuyện này. Họ không muốn Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh mà vẫn được dùng đồng bảng Anh.
Trong tình huống này, Scotland phải tính đến các phương án khác: hoặc sử dụng đồng Euro, hoặc tự in đồng tiền riêng của mình. Cả hai phương án này đều rủi ro và cần thời gian bởi khi đó, giới tài chính quốc tế sẽ chưa có đủ niềm tin vào đồng tiền mới của Scotland.
Việc này phản ánh ở việc hơn 100 công ty lớn đã dọa rút trụ sở khỏi Scotland nếu nước này độc lập. Khó khăn tiếp theo với Scotland sẽ là các thủ tục pháp lý để phân chia lãnh thổ, quyền lợi với Vương quốc Anh và các thủ tục để gia nhập Liên minh châu Âu hoặc NATO. Tóm lại là họ sẽ phải làm lại mọi thứ như một quốc gia vừa ra đời.
Việc Scotland tách ra độc lập sẽ tác động đến chính trị cũng như kinh tế của Vương quốc Anh như thế nào?
Cả về chính trị lẫn kinh tế, việc mất Scotland sẽ là một đòn đau với nước Anh. Scotland chiếm 1/3 lãnh thổ Vương quốc Anh, 8% dân số, 9,2% GDP và như trên tôi vừa nói, chiếm đến 96% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Vương quốc Anh.
Mất Scotland về mặt chính trị là một thất bại với Vương quốc Anh bởi không giữ được sự toàn vẹn về thể chế và lãnh thổ, về kinh tế là mất đi một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Chưa kể, việc Scotland độc lập cũng sẽ buộc nước Anh phải chi ra nhiều tiền cho việc chia tách, trong đó quan trọng nhất là việc xử lý căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Falsane.
Căn cứ này nằm trên đất Scotland nên Vương quốc Anh sẽ hoặc phải thuê lại từ Scotland hoặc phải chuyển nó về trên đất Anh. Cả hai phương án này dự kiến đều tốn kém gần chục tỷ bảng Anh./.