Chết vì xấu hổ và bệnh AIDS ở Philippines
HIV/AIDS đang cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên nam đồng tính ở Philippines
HIV/AIDS đang cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên nam đồng tính ở Philippines, khiến Manila trong năm 2016 bắt đầu giống như San Francisco vào thập niên 1980. Những cái chết đáng tiếc vì căn bệnh thế kỷ này tại đất nước Đông Nam Á này một phần xuất phát từ sự xấu hổ.
Những người bạn của Jayce Perlas đăng trên facebook tin về một người bạn khác "đã ra đi quá sớm”. Những tin thế này đã trở nên quá quen thuộc với Jayce Perlas song điều đó vẫn khiến anh ta buồn.
Phổ biến trong nhiều trường hợp: Người xấu số thường là nam giới, tầm tuổi 20 hay 30, công khai hay giấu kín là 'gay' và tin anh ta bất ngờ 'ra đi' được giải thích đơn giản là do "bị viêm phổi cấp tính” hay lao, những bệnh viêm nhiễm thường có để điều trị bằng kháng sinh.
Thế giới ảo song kết nối của Facebook đã là nơi an toàn để nói lời từ biệt cuối cùng, để bày tỏ lòng thương tiếc mà không có cơ hội thể hiện ở những đám tang vội vã và bưng bít.
Điều tồi tệ nhất đối với doanh nhân Perlas là anh ta phải đọc 3 tin cáo phó trong chỉ một tuần. Perlas chia sẻ tại đám tang của những người bạn thân ngoài nỗi buồn và niềm thương tiếc sâu sắc còn có một có cái gì đó nữa đeo đẳng mình. Anh ta nói: "Trong mọi đám tang tôi tham dự, bầu không khí nghẹt thở với ý nghĩ lởn vởn trong đầu: Có thể ai đó trong chúng ta sẽ là người tiếp theo?"
San Francisco vào thập niên 80
Philippines là một trong ba nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được mô tả là "ổ dịch”. Năm 2000, cứ 3 ngày thì có một trường hợp lây nhiễm HIV mới được thông báo ở nước này. Đến cuối năm 2013, con số này tăng lên cứ 2 giờ có một trường hợp nhiễm HIV mới.
Đối với những người đã chứng kiến và vẫn còn nhớ rõ, tình hình hiện nay ở Philippines gợi nhớ về San Francisco vào những năm 1980 khi hầu hết những người đồng tính nam nhiễm HIV thường chết do phát hiện mắc AIDS giai đoạn cuối.
Tona Benfield, một nhà hoạt động phòng chống HIV 53 tuổi vẫn còn nhớ những ngày đầu của căn bệnh thế kỷ này. Virus HIV chưa phải là nguyên nhân qua đời được công bố mà người ta thường nói những người đàn ông này đã chết vì cái gọi là "ung thư gay”.
Benfied xúc động nói: "Khi đó tôi đã mất đi nhiều người bạn. Điều làm tôi giận dữ và tổn thương đó là tôi đang tiếp tục mất thêm những người bạn của mình. Chúng ta cần phải nói 'Anh ta qua đời vì bệnh AIDS' thay vì nói do viêm phổi cấp tính".
Sống lành mạnh và nhận được sự hỗ trợ là điều đã giúp cặp đôi Philippines này. |
Là một tư vấn viên được đào tạo về HIV tại cơ sở xét nghiệm HIV thuộc Bộ Y tế Philippin, Chris Lagman chứng kiến nhiều trường hợp nhiễm HIV. Một số người đến xét nghiệm lần đầu tiên còn một số khác được xét nghiệm mới chỉ bộc lộ những dấu hiệu sớm của các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Giống như Perlas, Lagman cũng thường thấy những tin đăng tải trên Facebook về cái chết của những người bạn và người quen. Những lý do qua đời thường bí ẩn song qua những trường hợp anh ta chứng kiến trong bệnh viện Lagman cho rằng một nguyên nhân qua đời có nhiều khả năng nhất là do những biến chứng liên quan đến HIV, một cái chết đáng lẽ có thể ngăn chặn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
Những dấu hiệu sớm
Kể từ năm 1984, khi Philippines tuyên bố trường hợp đầu tiên nhiễm HIV, quốc đảo trên 100 triệu này luôn là nước có tỉ lệ mắc bệnh thấp. Chỉ 1% dân số nước này phơi nhiễm HIV.
Song đến khoảng năm 2009, tình hình bắt đầu thay đổi. Phương thức truyền vi rút chính chuyển sang nam giới quan hệ tình dục với nam giới (MSM) và số trường hợp nhiễm bệnh mới nằm trong một nhóm nhỏ tiêm chích ma tuý.
Trên 25.000 ca nhiễm HIV mới, khoảng 85% trong tổng số 30.356 trường hợp nhiễm HIV tại Philippin, diễn ra trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015. MSM chiếm khoảng 81% tổng số trường hợp nhiễm HIV, trong đó trên một nửa trường hợp ở nhóm tuổi từ 25 đến 34 tuổi.
Các số liệu Bộ Y tế Philippines công bố vào tháng 11/2015 cho thấy số trường hợp nhiễm HIV ở nước này đã tăng sát mức 800% ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2005.
Theo dự báo của Bộ Y tế Philippin, tổng số trường hợp nhiễm HIV tại Philippines có thể lên tới 133.000 vào năm 2022 nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng.
Tiến sỹ Genesis Samonte, Trưởng ban Giám sát HIV thuộc Bộ Y tế Philippin, cho biết: "Để ngăn chặn tình trạng phơi nhiễm HIV gia tăng, chúng ta cần tăng cường việc sử dụng bao cao su và đưa mức sử dụng này lên 80%. Chúng ta cần khuyến khích mọi người đi xét nghiệm và điều trị."
Viện Nghiên cứu Y học Nhiệt đới là một trong hai cơ sở điều trị cho các bệnh nhân dương tính HIV tại Manila |
Việc tăng cường sử dụng bao cao su trong nhóm MSM từ mức 44% hiện nay sẽ đòi hỏi tháo gỡ những rào cản về xã hội, tôn giáo và luật pháp, bắt đầu với việc cập nhật Luật Phòng ngừa HIV/AIDS năm 1998. Đạo luật này hiện nay cấm vị thành niên đi xét nghiệm HIV mà không có sự đồng ý của cha mẹ và điều này cản trở công tác chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Những đề xuất sửa đổi Luật này bao gồm xoá bỏ quy định về việc cần phải có sự chấp thuận của bố mẹ đối với vị thành niên ở lứa tuổi từ 15 đến 17 đi xét nghiệm HIV, củng cố các cơ chế phê bình đóng góp đối với những trường hợp kỳ thị và cấp thêm kinh phí ngân sách cho các chủ trương thông tin và giáo dục về căn bệnh này.
Năm 2016, Cục Phòng Chống HIV/AIDS của Bộ Y tế Philippines được cấp khoảng 600 triệu peso (13 triệu USD) kinh phí ngân sách cho công tác phòng ngừa và điều trị HIV. Khoảng 400 triệu peso trong đó sẽ được dành để cung cấp điều trị kháng vi rút sao chép ngược (ART) cho trên 12.000 người dân Philippines hiện nay đã đăng ký chương trình này. Phần còn lại sẽ dành để mua bao cao su, các dụng cụ xét nghiệm và tài liệu thông tin.
Tiến sỹ Samonte cho rằng kinh phí ngân sách cấp không đủ và một phần hoạt động của Cục này phải tạo ra nguồn thu để bù chi.
Xấu hổ và nhục nhã
Theo Cục Phòng Chống HIV/AIDS Philippin, trong 11 tháng đầu năm 2015 đã có 415 trường hợp chết vì bệnh AIDS. Song ông Samonte thừa nhận rằng con số này còn thấp hơn so với thực tế vì nhiều người qua đời một cách lặng lẽ với cáo phó do viêm phổi hay viêm màng não.
Ông Samonte chia sẻ: "Một số người không đi xét nghiệm. Philippines có thể giống như San Francisco thập nhiên 80 khi nỗi sợ hãi về dịch bệnh AIDS lên đến đỉnh điểm. Song khi đó, những phương pháp chữa trị theo phác đồ ARV để cứu sống chưa có. Hiện nay, điều trị ARV có và miễn phí. Do vậy không nên để những cái chết vì viêm nhiễm HIV trong năm 2016."
Mặc cảm nhục nhã do nhiễm HIV khiến người ta không dám nói thật là nguyên nhân cái chết. |
Tuy nhiên, điều đó vẫn tiếp tục xảy ra. Bác sỹ Kate Leyritana ở một bệnh viện xét nghiệm HIV cho biết bà đã mất một trong những bệnh nhân của mình chỉ một vài tháng sau khi chẩn đoán. Bà nói: "Mẹ của cậu ta chỉ biết con trai mình nhiễm HIV trong những ngày cuối. Bà hỏi tôi: 'Tại sao tôi là người cuối cùng được biết' Tôi là mẹ nó mà. Đáng nhẽ tôi phải là người đầu tiên nó có thể trò chuyện'. Tôi đã không biết nói gì hơn nữa.”. Sau bốn năm qua đi, tháng 12 hàng năm bà mẹ này vẫn nhắn tin cho bác sỹ Leyritana vào ngày giỗ con trai mình để nói rằng bà nhớ con trai mình./.