Chiếm đóng Afrin: Phát súng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng, chiến thắng tại Afrin chỉ là phát súng mở đầu cho loạt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm loại bỏ người Kurd tại Syria.
Sau gần 3 tháng thực hiện chiến dịch “Nhành Ô liu” bất chấp chỉ trích từ Mỹ và Châu Âu, ngày 23/3, quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Quân đội Tự do Syria (FSA) đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Afrin do người Kurd kiểm soát, thuộc tỉnh Aleppo, miền bắc Syria. Câu hỏi đặt ra điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chiếm đóng được Afrin và bước đi tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ như thế nào?
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phá đổ tượng người Kurd sau khi chiếm được trung tâm thành phố Afrin. Ảnh: Reuters. |
Thổ Nhĩ Kỳ có 1 chiến lược ngoại giao linh hoạt, khôn khéo
Chiến dịch tấn công Afrin diễn ra thuận lợi hơn và có ít thiệt hại về binh sỹ hơn những chiến dịch quân sự trước đó, chẳng hạn như Lá chắn Euphrates mà nước này phát động năm 2016? Điều này có thể hiểu được từ việc Thổ Nhĩ Kỳ đã thận trọng hơn khi huy động các nguồn tài nguyên đổ vào ngành công nghiệp quốc phòng và kế hoạch quân sự. Hơn nữa, Afrin là vùng đất riêng biệt, ít gắn kết với các lãnh thổ người Kurd khác nên việc tấn công cũng dễ dàng.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác quan trọng hơn là Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công trên mặt trận ngoại giao. Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ thắng thế là nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt, khó đoán, khôn khéo và đưa ra những mặc cả “không thể chối từ” với đối tác.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy được một thỏa thuận chính trị ngầm với Mỹ, buộc Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự cho người Kurd ở Syria. Không những vậy nước này còn xây dựng được 1 thỏa thuận chính trị rất thành công với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều quân đến Afrin là nhờ được Nga “bật đèn xanh”, rút các lực lượng của Nga tại khu vực này, cũng như gây ảnh hưởng để chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad hạn chế các cuộc tấn công tại Afrin. Các nhà quan sát cho rằng, chiến dịch tấn công Afrin không chỉ gây đổ vỡ trong quan hệ giữa người Kurd với Mỹ mà còn khiến liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt, điều đó rất có lợi cho Nga khi nước này đang hỗ trợ chính quyền Tổng thống Al Assad khôi phục quyền lực.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ không có điểm dừng
Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc chiếm được Afrin được coi là một thắng lợi lịch sử, không chỉ giúp chính quyền Tổng thống Tayip Ecdogan mở rộng ảnh hưởng ở Syria mà còn chứng tỏ được sức mạnh và tiềm lực quân sự của mình. Tuy nhiên, chiến thắng này lại khiến giới phân tích lo ngại bởi cho rằng đây chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quy mô lớn hơn nhằm vào những khu vực do người Kurd kiểm soát tại Syria.
Lo ngại này không phải là không có căn cứ, vì ngay sau đó, Tổng thống Erdogan khẳng định rằng chiến dịch tấn công Afrin chỉ là giai đoạn đầu tiên trong một loạt “cú đấm thép” nhằm phá vỡ giấc mộng thành lập khu tự trị của người Kurd tại Syria. Những cuộc tấn công khác nhằm vào các thành phố chủ chốt ở Syria sẽ được tiến hành để tạo ra một khu vực nằm dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo biên giới giữa hai nước.
Theo ông Erdogan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh sẽ tiến về phía đông, nhằm vào các vùng lãnh thổ trong đó có Kobani – thị trấn đã trở thành biểu tượng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tiếp đến là Tal Rifaat nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và cuối cùng có thể là thị trấn Manbij do các lực lượng Mỹ và người Kurd kiểm soát. Đây cũng là nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Erdogan còn đe dọa tấn công vùng núi Sinjar ở Iraq, được các tay súng người Kurd sử dụng để di chuyển giữa Iraq và Syria.
Ảnh: Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại người Kurd, chiếm đóng toàn bộ Afrin (Syria)
“Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình này cho đến khi phá hủy hoàn toàn hành lang của người Kurd. Một thời điểm nào đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bất ngờ tấn công Sinjar”, Tổng thống Erdogan nói.
Ảo tưởng hay thực tiễn?
Ông Ozgur Unluhisarcikli, chuyên gia của Quỹ Marshall (Đức) cho biết, chiến thắng tại Afrin đã giúp thực hiện mục tiêu của Thồ Nhĩ Kỳ phá vỡ kế hoạch của người Kurd thiết lập hành lang kết nối phía đông và phía tây Syria.
Tuy nhiên, việc nước này mở rộng chiến dịch quân sự có thể tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ, khi căn cứ phía đông của người Kurd tại Syria trải dài từ Manbij tới biên giới của Iraq được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của binh lính Mỹ. Mỹ có thể đứng ngoài cuộc giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Afrin nhưng một khi quân Thổ Nhĩ Kỳ kéo đến Manbij thì Mỹ sẽ có hành động đáp trả.
Bên cạnh đó, nếu tiếp tục tấn công các khu vực khác ở Syria, ông Erdogan có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc chiến quy mô lớn. Tổng thống Assad chắc chắn sẽ không thể ngồi yên khi nhìn quốc gia bị xâu xé, còn YPG thì sẽ tiếp tục chiến đấu với quân Thổ Nhĩ Kỳ bằng chiến tranh du kích./.