Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ tập trung đối phó Nga, Trung Quốc
VOV.VN - Chiến lược An ninh mới của chính quyền Biden chỉ ra rằng, Trung Quốc và Nga đặt ra những thách thức khác nhau trong đó, Trung Quốc là thách thức lớn nhất.
Điểm mới trong Bản Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của chính quyền Biden
Không chỉ trong nội bộ Mỹ mà dư luận thế giới cũng rất quan tâm đến văn bản Chiến lược an ninh quốc gia mới của chính quyền Tổng thống Biden. Chiến lược an ninh quốc gia 2022 của chính quyền Biden về cơ bản là dựa trên Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời được công bố hồi đầu năm 2021.
Chiến lược này cũng là sự kế thừa Chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền cũ, tuy nhiên, có một số điểm khác biệt so với trước, đặc biệt là khi so sánh với Chiến lược An ninh quốc gia 2017 dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Điểm khác biệt rõ nhất đó là việc chiến lược mới nhấn mạnh đến chính sách đối nội hơn so với các chiến lược trước, như tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan, đó là xóa nhòa ranh giới giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại.
Theo đó, chính quyền Biden sẽ thúc đẩy đầu tư sâu rộng ngay trong nội địa vào các nền tảng công nghiệp và đổi mới để đối phó với hai thách thức chiến lược cơ bản, thứ nhất là sự cạnh tranh giữa các cường quốc định hình tương lai trật tự quốc tế và thứ hai là các thách thức xuyên quốc gia đang diễn ra hàng ngày, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh cho đến khủng bố, lạm phát, nguy cơ khủng hoảng kinh tế…
Trong chiến lược mới, chính quyền Biden vẫn kế thừa các mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của các chính quyền cũ, đó tập trung củng cố và tăng cường sức mạnh, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn và kiềm chế các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chiến lược mới có sự thay đổi về cách tiếp cận và các biện pháp triển khai cụ thể khi so sánh với Chiến lược 2017. Chiến lược an ninh mới đã nhấn mạnh đến sự trở lại của nước Mỹ trên trường quốc tế, đề cao vai trò của chính sách ngoại giao đa phương trong khi không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới cũng như tránh leo thang căng thẳng dẫn đến hình thành các khối đối đầu nhau trên phạm vi toàn cầu.
Tập trung đối phó Nga, Trung Quốc
Như đánh giá về chiến lược mới, các mục tiêu then chốt và xuyên suốt của Mỹ là không thay đổi. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden nhận định, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng và thập kỷ tới có thể là thập kỷ quyết định cho vai trò của nước Mỹ. Chiến lược mới chỉ ra Trung Quốc và Nga đặt ra những thách thức khác nhau trong đó, Trung Quốc là thách thức lớn nhất.
Quay trở lại với thời điểm công bố chiến lược, Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan cho biết, chiến lược này đã được chuẩn bị từ cuối năm 2021, trước thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, quan hệ Mỹ với các nước châu Âu đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trải qua thử nghiệm được đánh giá là chưa từng có sau Chiến tranh Lạnh, chính quyền Biden đã phải điều chỉnh chiến lược. Các điều chỉnh, sửa đổi nhằm thể hiện sự gắn kết với châu Âu cũng như đưa ra các răn đe mạnh mẽ đối với nước Nga. Hay nói cách khác, nếu không có cuộc chiến Nga-Ukraine thì Mỹ sẽ có một văn bản chiến lược khác so với văn bản vừa công bố.
Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng khẳng định, mặc dù Chiến lược mới đề cập khá nhiều đến cuộc chiến này, nhắc đến Nga hơn 70 lần, Ukraine hơn 50 lần, nhưng về cơ bản không làm thay đổi cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden. Điều này có nghĩa việc xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ, trong đó đối thủ trước mắt là Nga và đối thủ lâu dài là Trung Quốc vẫn là định hướng chính sách, quan điểm xuyên suốt không chỉ của chính quyền Tổng thống Biden mà còn từ các chính quyền Mỹ trước đó.
Cách đánh giá của Mỹ về các thách thức có thể cũng muốn làm rõ các đối thủ chính trong hiện tại và tương lai, đồng thời cũng gửi đi thông điệp đến các đối thủ về thực tế cạnh tranh nước lớn trong thế kỷ 21. Theo đó, các nước cần tính toán kỹ càng và kiềm chế không để cạnh tranh nước lớn dẫn đến đối đầu, xung đột vũ trang quy mô lớn.
Đối phó thách thức về an ninh quốc gia
Để giải quyết các thách thức an ninh quốc gia cũng như các thách thức toàn cầu thì quan điểm bao trùm và xuyên suốt trong Chiến lược mới của chính quyền Biden đó là đảm bảo và duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Cụ thể hơn, chính quyền Tổng thống Biden đề cập đến 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, Mỹ tăng cường đầu tư vào các nguồn và công cụ cơ bản của sức mạnh và ảnh hưởng của mình, đặc biệt là sức mạnh nội tại nhằm cạnh tranh hiệu quả cũng như tập hợp được lực lượng để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia.
Thứ hai, Mỹ sẽ nỗ lực củng cố và xây dựng các liên minh để nâng cao ảnh hưởng tập thể, định hình môi trường chiến lược toàn cầu cũng như giải quyết các nguy cơ xuyên quốc gia trong bối cảnh không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình gánh vác.
Thứ ba, Mỹ tiếp tục xác định vai trò quan trọng của an ninh kinh tế, thông qua việc đặt ra các quy tắc, luật chơi trong tương lai trên tất cả các lĩnh vực từ không gian mạng, thương mại, kinh tế, đầu tư…
Cụ thể hơn, đối với Trung Quốc, thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden sẽ đầu tư tăng cường đổi mới trong nước, hợp tác với các đồng minh vì mục tiêu chung để cạnh tranh thích đáng. Đối với Nga, Chính quyền Biden và các đồng minh châu Âu sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, tăng cường phòng thủ cho khu vực châu Âu giáp biên giới với Nga, tuyên bố không cho phép bất kỳ quốc gia nào sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để đạt được mục đích của mình.
Đối với hợp tác toàn cầu trong đối phó với các thách thức phi truyền thống, chiến lược mới nhấn mạnh đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong đó Mỹ sẽ tăng cường can dự với tất cả các quốc gia và thể chế khu vực, quốc tế cũng như nỗ lực tăng cường hợp tác với các đối tác.
Đa số các ý kiến đều đánh giá đây là một văn bản chiến lược tương đối rõ ràng, mạch lạc và nêu được các mục tiêu chính mà chính quyền Mỹ muốn thực hiện mặc dù vẫn còn một số mâu thuẫn trong đó. Các mâu thuẫn này có thể xuất phát từ quan điểm khác nhau của các phái trong đảng Dân chủ. Ngoài ra thì việc nói bao giờ cũng dễ hơn làm, và việc thực hiện chiến lược mới vẫn cần chờ các động thái cụ thể của chính quyền Biden đặc biệt là sau bầu cử Quốc hội giữa kỳ trong tháng 11 với dự kiến có thể có thay đổi cán cân quyền lực./.