Chiến lược chống khủng bố gây tranh cãi trong nội bộ Mỹ

(VOV) - Chiến lược mới về chống khủng bố của Tổng thống Mỹ gây ra sự phản ứng khác nhau trong chính giới Mỹ.

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược chống khủng bố mới của Chính phủ Mỹ, với trọng tâm là chiến dịch sử dụng máy bay không người lái và cam kết đóng cửa nhà tù tại Guantanamo ở Cuba. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã sang trang, nay Mỹ cần phải xác định lại “bản chất và phạm vi” của cuộc chiến này.

Cuộc chiến không phải là không biên giới

Chiến lược mới đã nhấn mạnh Mỹ vẫn đang bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa, nhưng mức độ nguy hiểm đã có biến đổi nhiều so với thời điểm 11/9/2001, sự đe dọa không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong nước Mỹ, như vụ đánh bom kép ở Boston mới đây.


Tù nhân tại nhà tù Guantanamo (ảnh: leftfootforward.org)

Tổng thống Mỹ cho biết, Washington đang đứng ở ngã rẽ của cuộc chiến chống khủng bố. Sau hơn 10 năm với 7.000 binh lính bị hy sinh và hơn 1.000 tỷ USD chi phí, Mỹ đã xác định được cuộc chiến này không phải là “không biên giới” mà là nỗ lực nhắm vào các mạng lưới cực đoan, cụ thể như Al Qaeda hay Taliban…

Mặc dù tổ chức al-Qaeda đã suy yếu và đang trên đà tan rã, nhưng nước Mỹ vẫn tiếp tục bị đe dọa như vụ tấn công Sứ quán Mỹ tại Lybia cuối năm 2012, vụ đánh bom kép ở Boston vừa qua. Các chi nhánh của al-Qaeda đã mở rộng từ Yemen đến Bắc Phi, tình hình bất ổn tại thế giới Arab đang tạo điều kiện để những phần tử cực đoan trỗi dậy tại Lybia, Syria và Iraq...

Chiến lược mới còn nêu rõ, để đối phó với những nguy cơ khủng bố, Mỹ sẽ đánh gục al-Qaeda và các lực lượng liên quan tới tổ chức này, chuyển giao trách nhiệm kiểm soát an ninh cho Afghanistan, huấn luyện binh sỹ và duy trì lực lượng chống khủng bố tại đây để al-Qaeda không còn cơ hội tái thiết.

Mặt khác, Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác với Pakistan và Yemen để có thể truy quét tận gốc các phần tử khủng bố đồng thời tránh những rạn nứt trong quan hệ song phương với các đối tác. Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ chỉ nhằm vào những kẻ được coi là hiểm họa đối với người dân Mỹ thay vì những nghi phạm khủng bố đe dọa lợi ích của Mỹ như trước đây.

Sử dụng máy bay không người lái

Tổng thống Obama cũng vừa mới ký một chỉ thị, trong đó quy định quân đội Mỹ sẽ là cơ quan chính phụ trách các chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái. Vì trên thực tế các cuộc tấn công này đã chứng tỏ hiệu quả, góp phần phá vỡ các kế hoạch khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

Ông Obama khẳng định, máy bay không người lái là cần thiết nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác, bởi vì Washington luôn ưu tiên bắt giữ, thẩm vấn và truy tố những kẻ khủng bố. Theo đó, ông cũng quyết định chuyển quyền chỉ huy các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái từ CIA sang Lầu Năm Góc.  

Ưu tiên bắt giữ, thẩm vấn và xét xử

Bắt giữ, thẩm vấn và xét xử là những điểm nhấn trong chiến lược mới của Mỹ. Ông Obama nói: “Mỹ sẽ không sử dụng máy bay không người lái để tấn công nếu có thể bắt sống các phần tử khủng bố. Ưu tiên của chúng tôi là bắt giữ, thẩm vấn và xét xử”.

Như vậy, Washington chỉ sử dụng máy bay không người lái đối với các nguy cơ sắp xảy ra, thay vì những nguy cơ đáng chú ý như trước đây và chỉ khi không bắt sống được đối tượng, để tránh tình trạng “giết nhầm” bởi máy bay không người lái ở nước ngoài như đã xảy ra ở Pakistan.

Ông Obama khẳng định: “Chúng tôi sẽ hành động dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đối tác và tôn trọng chủ quyền các nước. Mỹ không tấn công để trừng phạt các cá nhân. Chúng tôi chỉ chống lại những kẻ khủng bố gây ra mối đe dọa thường xuyên và rõ rệt đối với người dân Mỹ, trong trường hợp các nước khác không thể giải quyết mối đe dọa này một cách hiệu quả. Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng phải đảm bảo gần như tuyệt đối là không để dân thường nào thiệt mạng hoặc bị thương. Đây là tiêu chuẩn cao nhất mà chúng tôi có thể đưa ra”.

Đóng cửa nhà tù Guatanamo    

Tổng thống Obama cho biết: “Tôi biết chính trị là vấn đề khó khăn nhưng lịch sử sẽ đưa ra phán xét khắc nghiệt đối với nhà tù Guatanamo cũng như những người không thể đưa cuộc chiến chống khủng bố tới hồi kết. Hãy thử hình dung trong tương lai, 10 hay 20 năm nữa mà nước Mỹ vẫn giam giữ những người không bị buộc bất cứ tội danh nào trên một mảnh đất không thuộc lãnh thổ của chúng ta”. 

Đây là việc thực hiện lời hứa của mình trong cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ trước của ông Obama và cam kết đưa chính sách an ninh quốc gia Mỹ gần hơn với các giá trị truyền thống mà Mỹ luôn theo đuổi là con người, minh bạch và pháp quyền.

Ông Obama còn nói, nhà tù tại Gutanamo, nơi đang giam giữ 166 nghi phạm khủng bố, cần phải đóng cửa vì 2 lý do: vi hiến và chi phí cao. Theo ông Obama, nhà tù Guatanamo được thành lập một cách bất hợp pháp và trở thành biểu tượng của một nước Mỹ coi thường pháp quyền.

Trong bối cảnh Mỹ đang phải cắt giảm chi tiêu, chi phí cho nhà tù này lên tới 150 triệu USD/năm, tức là gần 1 triệu USD cho mỗi tù nhân. Vì thế, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép chuyển tù nhân tại đây sang các nước khác, đồng thời nhấn mạnh các can phạm cần phải được xét xử vào thời điểm thích hợp.

Sự phản ứng của chính giới Mỹ

Chiến lược mới về chống khủng bố của Mỹ cũng gây ra sự phản ứng khác nhau trong chính giới Mỹ, nhất là vấn đề đóng cửa nhà tù ở Guatanamo.

Các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Obama và cho rằng, “Trong hơn hai năm qua, chúng ta đã thấy có từ 80.000 tới 100.000 người bị thảm sát, sự xuất hiện của các phần tử cực đoan ngày càng gia tăng, kể cả nhóm al-Qaeda ở Syria, và sự bất ổn tại Lebanon và Jordan... tất cả những điều mà những người chủ trương không can thiệp đã nói sẽ xảy ra nếu chúng ta can thiệp, nhưng thực tế đã diễn ra bởi vì chúng ta đã không can thiệp”.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Howard McKeon cho rằng nếu đóng cửa nhà tù Guatanamo, Tổng thống Obama cần phải đưa ra một kế hoạch rõ ràng về cách thức thẩm vấn các nghi phạm khủng bố trong tương lai cũng như biện pháp xử lý các tù nhân không thể xét xử nhưng quá nguy hiểm không thể phóng thích.

Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss của tiểu bang Georgia lại mạnh mẽ chống đối và cho rằng: những tù nhân ở Guatanamo quá nguy hiểm nên không thể được phóng thích về lại Yemen, nơi mà theo lời ông, họ sẽ tiếp tục lập âm mưu cho các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ.

Như vậy, hơn 10 năm chống khủng bố Mỹ đã có lý do để điều chỉnh chiến lược. Từ sự thay đổi về nhận thức bản chất của cuộc chiến chống khủng bố đến việc xác định lại đối tượng, phạm vi, không gian, thời gian và phương thức cho cuộc chiến trong tương lai. Tuy nhiên, dư luận cho rằng hiệu quả thực sự của chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ công bố báo cáo thường niên về chống khủng bố
Mỹ công bố báo cáo thường niên về chống khủng bố

Trong báo cáo thường niên về chống khủng bố năm 2011 công bố ngày 31/7, Mỹ cho rằng, cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden đã làm suy yếu mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Mỹ công bố báo cáo thường niên về chống khủng bố

Mỹ công bố báo cáo thường niên về chống khủng bố

Trong báo cáo thường niên về chống khủng bố năm 2011 công bố ngày 31/7, Mỹ cho rằng, cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden đã làm suy yếu mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới
Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới

Nước Mỹ sẽ giảm thiểu những điểm yếu, đồng thời nâng cấp và thích nghi khả năng phòng thủ.

Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới

Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới

Nước Mỹ sẽ giảm thiểu những điểm yếu, đồng thời nâng cấp và thích nghi khả năng phòng thủ.

 Mỹ công bố kế hoạch chống khủng bố mới
Mỹ công bố kế hoạch chống khủng bố mới

(VOV) - Tổng thống B.Obama cho biết ưu tiên hàng đầu của Mỹ là truy bắt và xét xử các phần tử khủng bố.

 Mỹ công bố kế hoạch chống khủng bố mới

Mỹ công bố kế hoạch chống khủng bố mới

(VOV) - Tổng thống B.Obama cho biết ưu tiên hàng đầu của Mỹ là truy bắt và xét xử các phần tử khủng bố.