Chiến lược mới của Nga đẩy Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”
VOV.VN - Nga liên tiếp phá hủy các hệ thống vũ khí hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Chiến lược mới của Moscow đã đem lại kết quả trong khi Ukraine rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi viện trợ từ phương Tây ngày càng trở nên nhỏ giọt.
Nga nhắm vào vũ khí phương Tây ở Ukraine
Trong khoảng hai tuần qua, lực lượng Nga tuyên bố đã phá hủy một số xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley do Ukraine vận hành cũng như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ viện trợ cho Kiev.
Nga đã vài lần tuyên bố phá hủy hệ thống HIMARS sau khi chúng được chuyển đến Ukraine vào mùa hè năm 2022. Nhưng đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội đầu tháng này dường như lần đầu tiên xác nhận việc Ukraine mất hệ thống HIMARS.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/3 công bố đoạn phim cho thấy một cuộc tấn công bằng bom chùm vào các trực thăng vận tải của Ukraine ở Donetsk. 2 trong số 3 chiếc trực thăng đã bị phá hủy.
Trước đó, ngày 9/3, hai hệ thống Patriot cũng nằm trong số những vũ khí bị phá hủy trong cuộc không kích bằng tên lửa Iskander của Nga ở Donetsk. Patriot là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất Washington đã cung cấp cho Kiev cho đến nay.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga tính đến ngày 11/3, lực lượng Nga đã phá hủy ít nhất 3 xe tăng Abrams do Ukraine vận hành. Những chiếc xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất cũng chịu chung số phận như xe tăng Leopard và Challenger 2 mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine trước đó.
Ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga nói rằng, không có phương tiện bọc thép phương Tây nào là bất khả xâm phạm trước vũ khí Nga. Cho rằng dù các nước phương Tây có thừa nhận hay không thì Ukraine chính là “nghĩa địa cho các vũ khí tiên tiến của NATO”.
Giới chuyên gia cho rằng, các cuộc tấn công của Nga vào các hệ thống vũ khí hiện đại do phương Tây cung cấp cho Ukraine cho thấy Moscow đang thích nghi với chúng. Nó cũng cho thấy những lỗ hổng trong kho vũ khí phụ thuộc vào phương Tây của Ukraine.
Ông Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, cho biết: “Có vẻ như phía Nga đã rút ra bài học và thích ứng trên chiến trường”.
Theo ông Mertens, việc tấn công nhanh chóng các hệ thống vũ khí quan trọng của Ukraine sau khi xác định được vị trí của chúng “là một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại và sẽ thật kỳ lạ nếu Nga không làm như vậy sau hai năm kinh nghiệm”.
Chiến lược mới của Nga
Ivan Stupak, cựu quan chức cơ quan an ninh Ukraine và từng là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo của quốc hội Ukraine, cho biết thêm, Nga đã triển khai các chiến lược mới trên chiến trường và chúng đã chứng tỏ được hiệu quả.
Các máy bay không người lái trinh sát của Nga liên tiếp tuần tra trên khắp chiến trường và tiếp cận từ phía sau phòng tuyến của Ukraine. Chúng ngay lập tức truyền dữ liệu mục tiêu Ukraine cho các đơn vị tên lửa của Nga. Tên lửa của Nga có thể tấn công những mục tiêu đó chỉ trong vòng vài phút.
Bà Marina Miron, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College London, cho rằng, Nga đã cải thiện khả năng tình báo, giám sát và trinh sát thông qua việc tận dụng các hệ thống tác chiến điện tử cũng như máy bay không người lái. Bên cạnh đó, Moscow cũng đã cải thiện độ chính xác của tên lửa.
Cũng có những yếu tố khác góp phần vào thành công gần đây của Nga. Theo bà Miron, Nga đã có thể nắm được quyền kiểm soát bầu trời nhất định để triển khai các loại tên lửa mới mà Ukraine khó đánh chặn. Việc Ukraine thiếu các hệ thống phòng không trên mặt đất cũng góp phần dẫn đến điều này.
Nga đã đạt được những bước tiến về phía Tây trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc kiểm soát thành phố chiến lược Avdiivka ở Donetsk vào giữa tháng 2. Ukraine vẫn đang chật vật chặn đà tiến của Nga trong bối cảnh thiếu cả vũ khí và nhân lực.
Theo bà Miron, những loại xe tăng như Abrams chỉ mới được đưa ra tiền tuyến gần đây vì Ukraine đã giữ chúng lại do những hạn chế của Kiev trong khả năng ngụy trang cho các thiết bị quan trọng. Thực tế, xe tăng hạng nặng của phương Tây cũng không phù hợp với địa hình lầy lội trên khắp Ukraine,
Tuy nhiên, tình hình chiến trường thay đổi buộc Ukraine phải sử dụng những thiết bị cụ thể của phương Tây khi Nga tiến hành các cuộc tấn công trên toàn chiến tuyến.
Những yếu tố trên kết hợp với nhau đã đem lại cơ hội cho Nga để phá hủy các hệ thống vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine bị đẩy vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” khi vừa thiếu nhân lực vừa thiếu vũ khí để đối phó với lực lượng Nga giữa lúc viện trợ từ phương Tây ngày càng nhỏ giọt.
Ngành công nghiệp quốc phòng trong nước không thể đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine trong khi Kiev phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ của phương Tây. Gói viện trợ bổ sung của Mỹ cho Ukraine vẫn đang bế tắc tại Quốc hội. Lầu Năm Góc ngày 12/3 đã công bố gói viện trợ trị giá 300 triệu USD cho Ukraine nhưng khoản tiền này chỉ có thể lấp khoảng trống trong ngắn hạn.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nhấn mạnh, gói viện trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ “cung cấp các khả năng khẩn cấp cho lực lượng Ukraine nhưng nhưng vậy vẫn chưa đủ. Cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine là Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua gói viện trợ bổ sung”.
Cựu quan chức an ninh Ukraine, Stupak, cho rằng, điểm mấu chốt là Ukraine cần phải có số lượng lớn hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái trinh sát của Nga nhằm bảo vệ các khí tài quan trọng của Kiev.
Ukraine cũng cần các hệ thống radar để phát hiện những máy bay không người lái trinh sát này khi chúng đến gần.