Chiến lược ngầm của Ukraine: Tấn công gót chân Achilles của Nga
VOV.VN - “Chuỗi cung ứng là gót chân Achilles của mọi hoạt động quân sự” – đây là lý do tại sao Nga và Ukraine liên tục tìm cách tấn công và gây gián đoạn các tuyến hậu cần của nhau, nhằm cản trở hoạt động của đối phương trên tiền tuyến, các chuyên gia hậu cần quốc phòng lưu ý.
Ukraine nhắm vào “gót chân Achilles” của Nga
Vào cuối tuần qua, Ukraine tuyên bố tấn công đoàn tàu quân sự của Nga phá hủy 13 xe tăng và hơn 100 xe bọc thép và ô tô đang được vận chuyển bằng đường sắt. Đây được coi là đòn giáng mạnh đối với Nga, nhằm phá vỡ khả năng tiếp tế cho tiền tuyến và làm bộc lộ những lỗ hổng trong nền tảng hậu cần của Moscow.

Chiến lược quân sự của Nga, được phát triển từ thời Liên Xô, phụ thuộc rất nhiều vào đường sắt để vận chuyển và cung cấp thiết bị, vũ khí, nhu yếu phẩm cho các đơn vị quân đội. Tạp chí Nghiên cứu Quân sự Thụy Điển cho rằng, “phương tiện vận chuyển chính của Nga là hệ thống đường sắt, còn nhiên liệu và nước được vận chuyển qua đường ống. Các lữ đoàn MTS bao gồm các đơn vị xây dựng và bảo trì đường sắt và đường ống để hỗ trợ các lực lượng tiến công”. Khi những tuyến đường huyết mạch này bị cắt đứt, nhịp độ hoạt động sẽ chậm lại và tác động của việc tuyến hậu cần bị gián đoạn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi tốc độ hoạt động vượt quá nguồn cung.
Tấn công các tuyến đường sắt đã trở thành một trong những mục tiêu nổi bật của Ukraine trong nỗ lực phá hủy tuyến hậu cần Nga. Các cuộc tập kích vào cầu đường sắt và tàu hỏa đã buộc giới hoạch định của Nga mất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để khắc phục hậu quả, đặt ra thách thức lớn đối với việc bảo vệ các tuyến đường tiếp tế dài.
Việc làm hư hại các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea làm tăng chi phí bảo trì và làm chậm quá trình tiếp viện của Nga, trong khi những đợt tấn công chính xác vào đoàn tàu quân sự sẽ loại bỏ các tài sản không thể thay thế khỏi cuộc chiến. Điều này được khuếch đại bởi "hiệu ứng roi da", theo đó sự thiếu chắc chắn và chậm trễ trên tuyến hậu cần gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt trên mặt trận.
Các nguồn tin của Ukraine cho biết, chỉ riêng trong 24 giờ qua, Nga đã mất 23 xe tăng, 103 xe bọc thép và bảy hệ thống pháo. Đây không phải là những vụ tấn công đơn lẻ mà là một phần của chiến lược lớn hơn của Ukraine: phá hủy xe tăng và pháo binh mà còn cả tài sản tác chiến điện tử và các nút cung cấp hỗ trợ sức mạnh chiến đấu của Nga, với mục tiêu làm xói mòn dần khả năng tiến hành các hoạt động cường độ cao của Moscow. Không chỉ sử dụng pháo binh truyền thống, Ukraine cũng tăng cường triển khai máy bay không người lái tự sát tập kích các tuyến hậu cần của Nga.
Mối đe dọa từ UAV đối với mạng lưới hậu cần
Nhịp độ của cuộc chiến được định hình bởi cường độ chưa từng có của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử ở cả hai bên. Báo cáo của Ukraine cho biết chỉ trong một ngày, Nga đã tiến hành hơn 800 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Ukraine, còn Kiev đáp trả bằng hơn 350 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, phóng ra khoảng 450 quả đạn. Đây là giai đoạn mới của sự cạnh tranh về công nghệ. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch tăng sản lượng máy bay không người lái "gần gấp 10" vào năm 2024, các nhà máy của Moscow đã nỗ lực sản xuất hàng trăm nghìn máy bay không người lái, trong đó có UAV mồi nhử, nhiệt áp, UAV sợi quang học và UAV trang bị đạn pháo. Máy bay không người lái mồi nhử, được làm từ vật liệu rẻ tiền, được phóng theo đàn để gây áp lực cho hệ thống phòng không và làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa đánh chặn đắt đỏ của Ukrraine.
Nhận thấy sự kém hiệu quả của việc sử dụng các hệ thống tên lửa tinh vi chống lại máy bay không người lái giá rẻ, lực lượng phòng thủ của Ukraine đã phát triển một hệ thống phòng thủ nhiều lớp bao gồm các đội hỏa lực cơ động, súng phòng không và mạng lưới tác chiến điện tử (EW) rộng khắp. Theo Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, "Ukraine đang sử dụng súng phòng không và súng máy, thậm chí là tên lửa rẻ hơn, và áp dụng những kỹ thuật đánh chặn mới. Các biện pháp này tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc sử dụng tên lửa Patriot và các tên lửa phòng không khác". Máy bay không người lái của Nga được cho là chỉ vượt qua được các hệ thống phòng thủ này khoảng 5%.
Trung tâm cuộc cách mạng tác chiến điện tử (EW) của Ukraine là hệ thống "Pokrova" sử dụng GPS giả mạo để đánh lạc hướng máy bay không người lái khỏi mục tiêu. Theo IEEE Spectrum, Ukraine bắt đầu công bố dữ liệu hàng ngày để phân biệt giữa máy bay không người lái đã bị bắn hạ với máy bay không người lái "không đạt được mục tiêu vì các lý do khác nhau”. Theo ước tính của Ukraine, cứ 5 máy bay không người lái Shahed mà Nga phóng đi, thì có khoảng hai máy bị chệch mục tiêu, có thể là do mồi nhử và biện pháp gây nhiễu điện tử.
Các biện pháp đối phó với máy bay không người lái hiện là một phần không thể thiếu của phòng không đương đại. Mô hình của Ukraine, kết hợp các cảm biến, mảng âm thanh và hệ thống quan sát trong một hệ thống chỉ huy và kiểm soát duy nhất, được thể hiện trong sáng kiến "Atlas" mới nhằm phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không đối với cơ sở hạ tầng quan trọng. Các biện pháp đánh chặn máy bay không người lái của Ukraine đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tuyến hậu cần của nước này.
Chìa khóa để đảm bảo ưu thế của các lực lượng quân đội trên tiền tuyến là tạo ra tuyến hậu cần hiệu quả. Hậu cần cung cấp mọi thứ cần thiết để quân đội hoạt động một cách hiệu quả, bao gồm trang bị, lương thực, thuốc men và các nguồn lực khác. Một tuyến hậu cần mạnh mẽ sẽ quân đội có thể duy trì sức mạnh và sự sẵn sàng chiến đấu của mình, ngay cả khi họ đang chiến đấu trên những vùng đất xa xôi.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, có 3 yếu tố làm nên thành công của hoạt động hậu cần là sự dự phòng, cải tiến công nghệ và đảm bảo an ninh mạng. Các biện pháp như tạo ra các tuyến cung ứng dự phòng, sử dụng phân tích dự đoán và thậm chí sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất phụ tùng thay thế trở nên ngày càng cần thiết. An ninh mạng cũng trở thành một yếu tố quan trọng, vì các hệ thống hậu cần số hóa dễ bị tin tặc tấn công và phá hoại. Cuộc chiến giành ưu thế về hậu cần và đổi mới công nghệ đang quyết định tiến trình của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khi máy bay không người lái và các biện pháp chống máy bay không người lái được thực hiện rộng rãi, sự đổi mới nhanh chóng và đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững sẽ quyết định lợi thế của các bên.