Làn sóng “nghèo đói mới” ở các nước giàu: Hậu quả của các làn sóng Covid-19
VOV.VN - Đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 kèm theo những biện pháp như phong tỏa, nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế các nước châu Âu đang gặp khó khăn.
Theo số liệu của Eurostat, cứ 10 người lao động châu Âu thì có 1 người nằm trong diện nguy cơ nghèo đói và phải nhờ đến sự trợ giúp của các ngân hàng lương thực. Bài viết trên Euronews mới đây cho rằng: làn sóng “nghèo đói mới” được dự đoán có thể bao trùm cả châu Âu nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.
“Làn sóng nghèo mới” bao trùm châu Âu
Đại dịch Covid-19 quả thực đang đẩy rất nhiều người tại châu Âu vào đói nghèo. Tại Pháp, tháng 10/2020, đại diện của khoảng 10 hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực thiện nguyện, công tác cộng đồng, trợ giúp thanh niên… đã có cuộc gặp với Thủ tướng Pháp Jean Castex và cho biết rằng theo thống kê của các hiệp hội này, đã có thêm khoảng 1 triệu người Pháp bị đẩy vào cảnh đói nghèo.
Con số này cũng mới chỉ là ước tính và nhiều khả năng sẽ còn cao hơn nữa vì chỉ riêng đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến ít nhất 800.000 lao động Pháp mất việc. Đây là thực tế không hề bất ngờ bởi trong năm 2020, nước Pháp đã có đến 2 lần phải phong tỏa toàn quốc cũng như một thời gian dài phải thực hiện các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội khiến cho nền kinh tế có thời điểm tê liệt, như hồi tháng 3-4/2020.
Các ngành nghề như nhà hàng, khách sạn, du lịch, biểu diễn văn hóa, tổ chức sự kiện, hàng không… bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề và từ giữa năm 2020 đến nay, nước Pháp đã phải chứng kiến làn sóng sa thải nhân công ồ ạt, mới nhất là vụ việc hãng sản xuất lốp ô tô Michelin sa thải 2300 nhân công.
Với tỷ lệ thất nghiệp trên 10% trong năm 2020, nhiều hộ gia đình Pháp bị đẩy vào diện nghèo khi mất việc. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, từ khi chưa xuất hiện Covid-19 thì nước Pháp cũng đã phải đối mặt với xu hướng nghèo đói gia tăng trong suốt 5 năm qua.
Trong năm 2018, khoảng 9,3 triệu người Pháp, chiếm khoảng 14,8% số hộ gia đình, bị xếp vào diện nghèo, khi có thu nhập hàng tháng dưới 1.063 euro. Đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh xu hướng này. Nhiều người lâm vào tình cảnh phải chạy ăn từng bữa.
Theo các hiệp hội phân phối thực phẩm thiện nguyện, số người Pháp đăng ký nhận thực phẩm từ thiện đã tăng đến 30% trong năm 2020. Tháng 9/2020, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng đưa ra con số là khoảng 8 triệu người Pháp cần trợ giúp lương thực, trong khi con số này năm 2019 chỉ là 5,5 triệu người. Số người đăng ký xin chế độ thu nhập tương trợ (RSA), một loại an sinh xã hội, cũng đã tăng 10%
Các nước châu Âu khác cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự Pháp. Tây Ban Nha là một trong những nước mà người nghèo hứng chịu hậu quả thảm khốc nhất của Covid-19. Theo tổ chức Oxfam Intermon thì đã có thêm trên 1 triệu người Tây Ban Nha rơi vào đói nghèo vì Covid-19.
Con số chắc chắn cao hơn vì so với các nước khác, Tây Ban Nha có nền kinh tế không chính thức rất lớn, với rất nhiều lao động dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, vốn chiếm đến 12% GDP của Tây Ban Nha nhưng gần như tê liệt trong phần lớn năm 2020. Trước đại dịch, Tây Ban Nha cũng đã có khoảng 12 triệu người sống trong ngưỡng nghèo, chiếm tới trên 26% dân số nước này. Tại hầu như tất cả các nước khác, như Anh, Italy, Hà Lan, Hy Lạp… tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra và chắc chắn, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng và có khả năng kéo dài nhiều tháng nữa, số người nghèo và đói tại châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng.
Những khoản cứu trợ không đủ ngăn chặn làn sóng nghèo mới
Các quốc gia EU thường được coi là tiêu chuẩn vàng cho các chương trình phúc lợi. Chính phủ các nước đều triển khai các khoản ngân sách cứu trợ.
Trong năm 2020, chính phủ các nước châu Âu cũng như Liên minh châu Âu đã chi hàng trăm tỷ euro để cứu các nền kinh tế, trong đó trọng tâm là bảo vệ các doanh nghiệp, tránh tối đa việc sa thải hàng loạt lao động. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế khác nhau nên sự trợ giúp của mỗi chính phủ khác nhau.
Tại Pháp, chính phủ Pháp đã duy trì từ tháng 3/2020 chế độ trả đến 80% lương cho người lao động tại các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động vì Covid-19. Đây là một chính sách vô cùng quan trọng giúp hàng triệu lao động Pháp duy trì được mức sống vừa đủ trong nhiều tháng qua. Chính phủ Anh cũng có một cơ chế tương tự (furlough scheme), cũng có thể trả tới 80-85% lương trung bình cho các lao động.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào, người lao động nào cũng được hưởng cơ chế phúc lợi này vì muốn được hưởng các khoản này phải chứng minh được rất nhiều điều kiện về hợp đồng lao động, thu nhập bình quân trong thời gian dài. Với doanh nghiệp thì phải chứng minh được phần doanh thu thiệt hại do Covid-19. Do đó, những lao động ngắn ngày, sinh viên làm thêm, những người làm các công việc vặt, tiểu thương, người hành nghề tự do nhận được trợ giúp rất hạn chế và chỉ trong thời gian đầu.
Ngay cả với các chủ doanh nghiệp, như chủ nhà hàng, quán bar, chủ rạp hát thì… khoản trợ giúp của chính phủ cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với thiệt hại về doanh thu. Vì thế, đại dịch Covid-19 càng kéo dài, đời sống của những người này càng thêm khó khăn.
So với nhiều nơi khác trên thế giới, chính phủ các nước châu Âu được đánh giá là đã có nhiều chính sách rất rộng tay để cứu trợ các lao động trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng nghèo hóa tại châu Âu đã diễn ra trong nhiều năm qua, từ trước khi Covid-19 xuất hiện nên việc các chính phủ tung hàng trăm tỷ euro cũng không thể đảo ngược được xu thế này, đặc biệt khi nguồn lực của các nước gần như đã được huy động hết và sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, làn sóng phá sản và sa thải nhân công đang diễn ra ở nhiều nơi./.