Chính sách Abenomics sẽ đưa kinh tế Nhật đến đâu?
VOV.VN - Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khó đạt hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Năm 2013, “Abenomics” - chính sách kinh tế do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất đã trở thành “thuật ngữ” trong việc phát triển kinh tế Nhật Bản. Theo chính sách này, Thủ tướng Abe tập trung vào chiến lược kiềm chế giảm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trên 3% vào năm 2013. Năm 2014, với việc tiếp tục chính sách này, dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,4%, tỷ lệ lạm phát dừng ở mức 1,2 %. Năm 2014 vẫn là năm sáng sủa của nền kinh tế Nhật Bản, nhưng chính sách Abenomics sẽ duy trì mức tăng trưởng đó bền vững hay không?
Năm 2013, nền kinh tế Nhật Bản đã đạt tăng trưởng dương (Ảnh: AFP) |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng câu trả lời là khó.
Năm 2014 ông Shinzo Abe tiếp tục thực hiện chính sách Abenomics với việc thúc đẩy gói kích thích tài chính lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu.
Từ thành công ...
Ngày 15/1/2013, Chính phủ Nhật Bản đưa ra một gói tài chính 99,4 tỷ Yên nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngày 4/4/2013, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra chính sách cân bằng tiền tệ, cho phép mua tài chính không hạn chế.
Với chính sách đó, lần đầu tiên trong nhiều năm qua Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát, có dấu hiệu ổn định và tăng trưởng. Trong nửa quí 3 (tháng 7-9/2013), tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng dương 0,5%, tăng 1,9% so với năm 2012. Quí 4/2013 kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng dương. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 tăng 0,7% và tiếp tục tăng trong quí 4, trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Hoạt động xuất khẩu sau một thời gian dài ở mức tăng trưởng âm, nay đã đạt tăng trưởng dương ở mức 3,8%. Đồng Yên rẻ cũng là nguyên nhân chính làm cho hoạt động xuất khẩu ô tô sang Mỹ tăng trở lại trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ cũng đang dần hồi phục.
Mặt khác đầu tư vào nhà ở tăng 1,9%, đầu tư vào lĩnh vực công cộng tăng 0,8%. Theo các nhà phân tích kinh tế Nhật Bản, số liệu trên cho thấy nhu cầu tăng trước khi thuế tiêu dùng dự định tăng vào tháng 4/2014.
Với những thành công đó bước đầu, tại Hội nghị G8 diễn ra tại Bắc Ireland của Anh ngày 17/6/2013 Thủ tướng Abe đã thuyết trình chính sách “Abenomics”.
Abenomics được đánh giá cao tại Hội nghị G8 tổ chức tại Anh hồi tháng 6/2013 (Ảnh: Reuters) |
Chính sách này của ông được Hội nghị G8 đã đánh giá cao và Tuyên bố của Hội nghị nhấn mạnh rằng, Nhật Bản cũng cần đưa ra kế hoạch tài chính trung hạn để có thể thực hiện thành công cơ cấu lại nền tài chính.
…đến nhiều rủi ro tiềm tàng
Không chỉ dư luận trong nước, mà còn có cả dư luận ngoài nước lo ngại về chính sách “Abenomics” sẽ có những ảnh hưởng không tích cực tới các nền kinh tế khác trên thế giới. Chính sách này cuối cùng có thành công hay không còn quá sớm để kết luận. Hàn Quốc đã tỏ ý lo ngại về chính sách này. Theo Hàn Quốc, trong trường hợp chính sách này thất bại thì đầu tư của Nhật Bản vào Hàn Quốc sẽ giảm, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bị phá vỡ, kéo theo thiệt hại lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Một chuyên gia kinh tế của Mỹ phân tích rằng: “Chính sách “Abenomics” có hai mặt. Nếu chính sách được thực hiện thành công thì các công ty của Nhật sẽ làm cho lực cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc giảm, cũng là mối lo ngại của Hàn Quốc. Nếu chính sách thực hiện không thành công cũng sẽ ảnh hưởng tới Hàn Quốc. Còn nếu chính sách thực hiện thành công một nửa cũng không thể nói là có lợi cho Hàn Quốc”.
Theo Trưởng ban biên tập kinh tế của Hãng tin Kyodo Taniguchi, trong chiến lược tăng trưởng kinh tế mà chính quyền Abe đưa ra đã đưa ra tất cả những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển mang tính lâu dài nhưng không đưa ra biện pháp cụ thể. Ví dụ như trong vòng 10 năm tới cố gắng tăng thu nhập bình quân đầu người lên thêm 1.500.000 Yên (tương đương 15.000 USD), nhưng không đưa ra cụ thể những công việc cần phải làm là gì. Do vậy có thể nói chiến lược lâu dài của Thủ tướng Abe chưa có thể nói là thành công hay không.
Chính sách Abenomics chưa hẳn đã phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo (Ảnh: Getty) |
Theo dự đoán của Qũi tiền tệ thế giới (IMF), tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 ước đạt khoảng 2%, năm 2015 sẽ giảm, đạt khoảng 1,2%. Để đạt được tăng trưởng này Nhật Bản phải tích cực giảm nợ xấu. Năm 2013 nợ xấu của Nhật Bản ở mức 243,5%. Hiện tại có thể nói, Nhật Bản mặc dù đang thực hiện chính sách tài chính tích cực và cân bằng tiền tệ dựa trên chính sách Abenomics, nhưng sẽ gây ra một áp lực mới cho thế hệ sau về gánh nợ do thâm hụt ngân sách. Nếu như Nhật Bản hoạch định sớm kế hoạch giảm thâm hụt thì đến năm 2015 thâm hụt ngân sách vẫn chỉ có thể giải quyết được 50%.
Theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế thế giới (OECD), tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 ước đạt khoảng 1,5%, năm 2015 phấn đấu đạt 1%. Nghĩa là tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2013 tuy đạt tăng trưởng cao, nhưng những năm sau đó giảm dần. Tổ chức này đồng thời với việc kêu gọi Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng tiền tệ, cũng phải tích cực cải cách cơ cấu kinh tế, duy trì mức tăng trưởng, thúc đẩy tái cân bằng kinh tế toàn cầu.
Nhìn một cách tổng thể, điểm nhấn kinh tế Nhật Bản của năm 2014 là ảnh hưởng mang tính ngắn hạn đối với nền kinh tế do tăng thuế tiêu dùng. Để cân bằng áp lực tài chính, Thủ tướng Abe đã quyết định từ tháng 4/2014 sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%. Một mặt Thủ tướng Abe đã đưa ra kế hoạch cụ thể liên quan tới việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện tại đã bắt đầu nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn trong chính sách Abenomics. Năm 2014 này, Abenomics có phát huy hiệu quả như ông Abe mong muốn hay không là điều khó đoán định.
Tân Hoa xã của Trung Quốc bình luận rằng sau 1 năm chính phủ Nhật Bản duy trì chính sách Abenomics, nền kinh tế Nhật Bản rõ ràng đạt tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này có xu hướng đang giảm dần, nên có khó có thể nói nền kinh tế Nhật Bản sẽ duy trì được tăng trưởng nếu chỉ dựa trên chính sách Abenomics./.