Chờ câu trả lời cho việc Triều Tiên “chuyển lạnh thành nóng”
VOV.VN - Theo giới quan sát, Triều Tiên, vốn được biết đến là “bí ẩn” nhất thế giới, đã có bước “chuyển mình”, sẵn sàng tham gia vào trường quốc tế.
Chỉ hai ngày nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây sẽ là lần đầu các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của 2 miền Triều Triều gặp nhau kể từ năm 2007. Và đây cũng là kết quả thành công của nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa từng có cho vấn đề Triều Tiên.
Các cuộc gặp lịch sử liên Triều, Mỹ-Triều đang ở phía trước. Ảnh: Korea Times
Kịch bản 2 bước
Các nhà phân tích đánh giá, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 này còn giữ vai trò “bắt nhịp” cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Triều Tiên với Mỹ có thể diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
“Trong bối cảnh hiện nay, hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ đóng vai trò thước đo cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sau đó”, người đứng đầu Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên An Chan-il nhận định.
Giáo sư Park Won-gon, tại Đại học Toàn cầu Handong, cũng cho rằng: “Cuộc gặp Moon-Kim sẽ ảnh hưởng tới các các nội dung nghị sự tại cuộc gặp Trump-Kim sau đó”.
Chắc chắn vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp liên Triều, theo đó, khi gặp Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong-un sẽ cân nhắc về tuyên bố phi hạt nhân hóa. Tiếp đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể thảo luận các biện pháp tiếp theo về từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Giới quan sát lâu năm nhìn nhận rằng, 2 cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều sẽ là một kịch bản gồm 2 bước giúp Triều Tiên thực hiện mục tiêu ký kết một hiệp định hòa bình với Mỹ và đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, kịch bản này nếu thất bại sẽ đẩy Bán đảo Triều Tiên trở lại với tình hình bất ổn và căng thẳng lên cao tột độ như những gì thế giới đã chứng kiến trong năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ đe dọa hủy diệt Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, đội ngũ cố vấn cứng rắn của Tổng thống Trump vẫn đang cân nhắc các giải pháp quân sự bất chấp bầu không khí hòa giải tích cực trên Bán đảo Triều Tiên từ đầu năm đến nay.
Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, người sẽ đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ, đã cảnh báo rằng ông không loại trừ một cuộc không kích Triều Tiên, thậm chí là tấn công trên bộ. Cảnh báo này đưa ra sau tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Triều Tiên đang “câu giờ” để phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Chuyến đi bí mật của ông Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng vừa qua là mảnh ghép mới nhất được hé lộ trong bức tranh “kịch tính” từ đe dọa hủy diệt tới bàn đàm phán thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên.
Các nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh “chưa từng có” Mỹ-Triều
Yếu tố Trung Quốc
Đến trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, phía Hàn Quốc vẫn gọi bầu không khí hòa giải tích cực hiện nay mong manh như “một chiếc ly thủy tinh”, do vậy, mọi động thái của chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in là vô cùng thận trọng.
Với khẩu hiệu “Hòa bình, một khởi đầu mới”, Hàn Quốc hơn ai hết hy vọng cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thành công để mở đường cho hy vọng thành công ở cuộc gặp Mỹ-Triều trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, nếu các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều, Mỹ-Triều thành công thì 3 bên có thể tính đến việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chung để thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa. Theo nguồn tin, Mỹ-Hàn-Triều cũng tính đến “yếu tố thứ 4” là Trung Quốc. Bởi vì, Trung Quốc sẽ “gây khó khăn” cho một cuộc gặp 3 bên mà nước này bị gạt ra ngoài.
Một nguồn tin cho biết, tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2007, khi đó Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã nhất trí khả năng tiến hành một cuộc hội nghị thượng đỉnh 3 bên hoặc 4 bên để thảo luận một thỏa thuận hòa bình thay cho Hiệp định đình chiến đạt được sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, Trung Quốc lúc đó đã phản đối đề xuất này.
“Trước Tổng thống Roh Moo-hyun, nhiều đời chính phủ tiền nhiệm tại Hàn Quốc đã đề xuất tới việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 4 bên, bao gồm cả Trung Quốc. Và phía Trung Quốc đã phản ứng một cách nhạy cảm khi đề xuất gặp thượng đỉnh 3 bên được nêu ra”.
Mảnh ghép bất ngờ trong bức tranh Mỹ-Triều
Tín hiệu từ Bình Nhưỡng
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thảo luận về triển vọng đối thoại với Mỹ trong cuộc họp của Đảng Lao động hồi giữa tháng 4 này. Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã đưa ra những “nhìn nhận và phân tích sâu sắc” về tương lai các cuộc đàm phán thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều.
Trước thông tin KCNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng đây là lần khá hiếm hoi phía Triều Tiên đề cập cụ thể tới các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
“Phía Triều Tiên dường như tổ chức cuộc họp Đảng Lao động để thảo luận về các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận định.
Trong một động thái mới nhất, Triều Tiên hôm 15/4 đã tưng bừng tổ chức kỷ niệm Ngày sinh cố lãnh đạo Kim Il-sung hay còn gọi là Ngày Mặt trời tại Triều Tiên. Đây là ngày lễ quốc gia lớn nhất của Triều Tiên và được tổ chức thành lễ hội tưng bừng 2 năm một lần kể từ năm 1982.
Năm nay, Triều Tiên đặc biệt tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao. Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên dường như đã kiềm chế mọi hành động “khiêu kích”, trái ngược hoàn toàn so với trước đây khi Ngày Mặt trời được kỷ niệm bằng hoạt động diễu binh hoặc một vụ thử tên lửa.
Liệu sẽ có sự thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên?
Có những giả thiết đã được đặt ra sau sự “chuyển lạnh thành nóng” nhanh chóng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Có thể đó là vì lợi ích kinh tế mà Triều Tiên sẽ nhận được khi hóa giải căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ. Hay giả thiết được nhắc đến rất nhiều lần là việc Triều Tiên “câu giờ”, mà theo phe bảo thủ tại Hàn Quốc thì họ đã chứng kiến nhiều lần Bình Nhưỡng dùng chiêu này: “Triều Tiên đồng ý đối thoại và sau đó là chu kỳ khiêu khích và lại đối thoại...”.
Một giả thiết nữa mới xuất hiện đó là việc Triều Tiên đã có đủ sức mạnh hạt nhân. Trong tuyên bố mới nhất hôm 21/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Lý do ông Kim Jong-Un đưa ra là “Triều Tiên đã hoàn thành mục tiêu của mình”.
Liệu tuyên bố này có thể mang ý nghĩa rằng Triều Tiên đã đủ sức mạnh hạt nhân. Tuy vậy, Mỹ và Hàn Quốc vẫn rất hoan nghênh động thái này của Bình Nhưỡng trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử.
Tất cả mới chỉ là giả thiết. Câu trả lời sẽ có và sẽ xác thực rõ ràng sau các cuộc thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ sắp tới./.
Đằng sau tuyên bố dừng thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên là gì?