Chưa độc lập, Catalonia đã phải đối mặt với vô vàn thách thức kinh tế
VOV.VN - Tuy chưa tuyên bố độc lập, Catalonia- vùng Đông bắc giàu có của Tây Ban Nha- đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Ngày 19/10 là thời hạn chót Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phải đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc có tách khỏi Tây Ban Nha hay không. Tuy nhiên, Banco Sabadell- Ngân hàng lớn thứ 5 của Tây Ban Nha tại vùng Catalonia ngày 18/10 đã thông báo sẽ xem xét khả năng chuyển tới thủ đô do lo ngại vùng này sẽ tuyên bố độc lập.
Ảnh minh họa: Reuters
Đây là một cú đánh trời giáng tiếp theo đối với chính quyền khu vực, khi hàng trăm doanh nghiệp và các ngân hàng lớn đang tìm cách chuyển địa điểm trong bối cảnh vùng này có khả năng tuyên bố độc lập.
Vùng kinh tế Đông Bắc đóng góp 1/5 GDP của Tây Ban Nha, có thể mất đi vai trò kinh tế quan trọng khi nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư đang có kế hoạch chuyển tới những khu vực khác của Tây Ban Nha.
Nền kinh tế Catalonia tăng 3,5% vào năm ngoái, đạt 264 tỉ USD và thương mại nước ngoài tăng mạnh. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp khu vực năm ngoái ở mức 14,9% nhưng vẫn khá tốt so với tỉ lệ 20% của Tây Ban Nha nói chung. Theo chuyên gia của Ngân hàng Berenberrg Holger Schmieding, quyết định của các ngân hàng CaixaBank và Banco de Sadebell chuyển trụ sở tới các khu vực khác của Tây Ban Nha, Tập đoàn công nghệ Oryzon cũng chuyển từ Bacerlonia đến Madrid ngay sau cuộc trưng cầu ý dân vào mùng 1/10 khiến khu vực đối mặt với nhiều khó khăn.
Tác động dây chuyền khi nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ nằm ngoài thị trường chung châu Âu nếu khu vực tách khỏi Tây Ban Nha, kéo theo việc ồ ạt rút trụ sở ra khỏi vùng.
Chuyên gia kinh tế Tây Ban Nha Juan Tugores nhận định: “Các ngân hàng lớn tại Catalonia muốn chuyển ra ngoài, với hi vọng có thể đảm bảo các dịch vụ an toàn cho khách hàng, nên họ vẫn muốn trong khu vực Eurozone. Các ngân hàng cũng mong muốn tuân theo tiêu chuẩn châu Âu và điều này khiến nhiều nhà nhà đầu tư quốc tế tin tưởng”.
Ngành du lịch của Catalonia cũng đang bị ảnh hưởng kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. 18 triệu khách du lịch mang lại lợi nhuận 19,7 tỷ USD năm ngoái, chiếm đến 15% lợi nhuận kinh tế của toàn bộ khu vực. Theo truyền thông vùng, số khách du lịch giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, nhiều ngành khác trong vùng cũng bị ảnh hưởng.
Về nông nghiệp, giống như một số khu vực khác của Liên minh châu Âu, Catalonia phụ thuộc nhiều vào trợ cấp nông nghiệp của khối. Nếu ngành này không nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu cũng sẽ đối mặt với khó khăn.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soray Saenz Santamaria nhấn mạnh những khó khăn mà vùng đang phải đối mặt: “Sự phát triển tại Catalonia đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Cơ hội việc làm cho người dân cũng bị ảnh hưởng, Đầu tư cũng bị dừng lại.
Dữ liệu trong quí 2 năm nay cho thấy giảm 10% đầu tư vào Catalonia trong khi nhiều nơi khác của Tây Ban Nha đầu tư tăng 13%. Tỉ lệ du lịch giảm. Số liệu mới nhất từ khu vực cho thấy, tỉ lệ đặt phòng khách sạn tại Bacerlona giảm 20-30%”.
Với việc ngày 19/10 là hạn chót chính quyền Catalonia phải tuyên bố rõ ràng về việc có độc lập hay không, giới quan sát dự đoán, ngoài việc thỏa mãn về quyền tự chủ và chủ nghĩa dân tộc, giới chức nước này cũng phải cân nhắc những tác động và hậu quả về kinh tế của quyết định đối với khu vực trong quyết định đưa ra hôm nay.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ngày 18/10, cảnh báo sẽ tuyên bố độc lập nếu Chính phủ Tây Ban Nha áp dụng luật 155 tước quyền tự trị của khu vực đông bắc nước này./.
Catalonia đòi độc lập: Giằng xé về quan niệm & lợi ích các cường quốc