Chuyên gia đánh giá thận trọng về nguyên nhân vỡ đập Kakhovka ở Ukraine
VOV.VN - Trong khi Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về sự cố vỡ đập Kakhovka, các chuyên gia cho rằng một cuộc tấn công từ bên ngoài hoặc thậm chí là sự cố cấu trúc có thể là nguyên nhân, nhưng điều đó khó xảy ra.
Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau
Các quan chức Ukraine đổ lỗi cho Nga về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, đồng thời nhấn mạnh lực lượng Nga - vốn đã nhiều lần tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine – đang kiểm soát con đập bắc qua sông Dnepr và hoàn toàn có thể kích nổ nó từ bên trong.
“Nga đã cài mìn và cho nổ tung con đập”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên mạng xã hội.
Ông Ihor Syrota, người đứng đầu Ukrhydroenergo, công ty thủy điện nhà nước Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Một cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ không gây ra sự tàn phá như vậy bởi vì nhà máy này được xây dựng để chống lại một quả bom nguyên tử. Rõ ràng là có một vụ nổ từ bên trong khiến con đập bị vỡ làm đôi”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, vụ vỡ đập Kakhovka là hành vi phá hoại có chủ ý của phía Ukraine.
Các quan chức khác của Nga cho rằng, vụ vỡ đập tạo điều kiện cho cuộc phản tấn công của Ukraine, có thể cho phép Kiev tái bố trí một số lực lượng, hoặc để nước lũ đẩy lùi pháo binh Nga gần sông Dnepr.
“Hành động phá hoại do Kiev thực hiện có 2 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất là để thu hút tối đa sự chú ý nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho việc tái tập hợp các đơn vị để tiếp tục cuộc phản công mà họ đã công khai rộng rãi. Theo Bộ Quốc phòng của chúng tôi, Kiev đã bắt đầu xây dựng các vị trí phòng thủ ở hữu ngạn sông Dnepr, điều này cho thấy ý định của các lực lượng Ukraine là phòng thủ. Mục tiêu thứ hai là gây ra thiệt hại nhân đạo tối đa đối với dân số của các vùng lãnh thổ rộng lớn, hậu quả không thể tránh khỏi của việc phá hủy một cơ sở hạ tầng lớn về năng lượng và nguồn nước”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tuyên bố tại phiên họp ngày 6/6 của Hội đồng Bảo an.
Suốt nhiều tháng, cả Nga và Ukraine liên tục cáo buộc lẫn nhau âm mưu phá đập thủy điện Kakhovka nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Tuần trước, cả Moscow và Kiev đều nói rằng cuộc tấn công nhằm vào đập Kakhovka sắp xảy ra. Giới chức Ukraine cho rằng Nga muốn tạo ra tình trạng khẩn cấp tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi sử dụng nước sông để làm mát, nhằm ngăn chặn cuộc phản công dự kiến của Ukraine.
Giữa vùng chiến sự, rất khó tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân vỡ đập và gây ngập lụt một khu vực rộng lớn ở hạ lưu.
Vụ vỡ đập Kakhovka gây tổn hại ra sao đối với Nga và Ukraine?
Đập Kakhovka là một trong những con đập cuối cùng còn sót lại trên sông Dnepr ngăn cách các lực lượng Ukraine và Nga ở phía Nam.
Thiệt hại đối với đập Kakhovka sẽ gây khó khăn cho quân đội Ukraine tiến vào Crimea và các thành phố khác do Nga kiểm soát ở phía Nam.
Ông Mark Cancian, một sĩ quan thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và là chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, cho biết: “Trong ngắn hạn, điều đó sẽ gây tổn hại cho phía Ukraine nhiều hơn”.
Theo ông Cancian, hàng rào giữa Nga và Ukraine đã mở rộng vào thời điểm có vẻ như cuộc tấn công của Ukraine sắp bắt đầu. Do lũ lụt, Ukraine sẽ không thể vượt sông Dnepr.
Mặt khác, vụ vỡ đập cũng có thể cắt nguồn nước cung cấp tới Crimea. Ông Cancian cho rằng, tình trạng thiếu nước có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Crimea nhưng nguồn nước uống dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng.
Lũ lụt nghiêm trọng trong khu vực cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ và các tuyến tiếp tế của Nga.
Ông Franz-Stefan Gady, một thành viên cấp cao của chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định vụ vỡ đập Kakhovka “sẽ ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ của Nga dọc theo Dnepr, làm ngập tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga. Điều này có thể gây ra vấn đề cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của Nga trong tương lai”.
Chuyên gia đánh giá thận trọng
Theo các chuyên gia kỹ thuật và vũ khí, một vụ nổ có chủ ý bên trong đập Kakhovka, nằm ở tiền tuyến của cuộc xung đột Nga-Ukraine, rất có thể là nguyên nhân khiến con đập này bị vỡ hôm 6/6.
Các bằng chứng hiện có rất hạn chế, nhưng một vụ nổ từ bên trong là cách giải thích hợp lý nhất về nguyên nhân vỡ đập Kakhovka, một công trình đồ sộ bằng bê tông cốt thép hoàn thành năm 1956. Cư dân địa phương đăng trên mạng xã hội rằng họ nghe thấy một tiếng nổ lớn vào khoảng thời gian con đập bị vỡ, lúc 2h50 sáng 6/6.
Một vụ nổ trong không gian kín, với toàn bộ năng lượng của nó tác động vào cấu trúc xung quanh, sẽ gây ra nhiều thiệt hại nhất. Cho dù vậy, các chuyên gia cho biết, sẽ cần ít nhất hàng trăm kg thuốc nổ để phá vỡ con đập. Một vụ nổ bên ngoài bằng bom hoặc tên lửa sẽ chỉ tác dụng một phần lực lên con đập và cũng sẽ cần một lượng lớn chất nổ để đạt được hiệu quả tương tự.
Ông Nick Glumac, giáo sư kỹ thuật và chuyên gia về chất nổ tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign cho biết: “Khối lượng [chất nổ] mà một đầu đạn có thể mang theo là hạn chế. Ngay cả một cú đánh trực tiếp cũng không thể phá hủy con đập”.
Hơn một năm giao tranh ác liệt đã khiến đập Kakhovka liên tục bị hư hại. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau pháo kích công trình này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những thiệt hại trong suốt thời gian qua mà con đập phải hứng chịu có nằm gần khu vực bị vỡ khiến thảm họa xảy ra hay không.
Hồi tháng 8/2022, một quả tên lửa của Ukraine đã đánh trúng con đường trên đỉnh đập. Tháng 11/2022, khi lực lượng Nga rút qua bên kia sông, một vụ nổ đã phá hủy một phần con đường; sau đó những hình ảnh được The New York Times xác minh cho thấy một số cửa cống dẫn nước đi qua bị hư hại nhưng không có dấu hiệu thiệt hại cho cấu trúc bên dưới.
Kể từ tháng 11/2022, các cần trục đóng mở cửa cống hầu như không di chuyển, mặc dù không rõ liệu chúng có hoạt động hay không. Điều đó khiến lần đầu tiên mực nước trong hồ chứa xuống thấp kỷ lục và sau đó khi tuyết tan vào mùa đông và mưa mùa xuân chảy vào hồ chứa ở thượng nguồn, mực nước lại dâng cao kỷ lục trong 30 năm.
Từ đầu tháng 5 vừa qua, nước dâng cao qua cửa đập và tràn qua đỉnh đập. Hình ảnh vệ tinh được chụp vào tuần trước cho thấy nhiều con đường đã biến mất; Không rõ liệu nó có bị dòng nước cuốn trôi hay bị phá hủy trong một cuộc tấn công hay không.
Ông Gregory B. Baecher, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Maryland và là thành viên của Học viện Kỹ thuật Quốc gia Mỹ, người đã nghiên cứu về các vụ vỡ đập cho hay, một số đập bị sập do dòng nước lớn bất thường “tràn qua” chúng.
“Thông thường, một sự cố như vậy sẽ bắt đầu từ phần đất của đập, ở cả hai bờ”, giáo sư Baecher nói.
Tuy nhiên, các bức ảnh và video cho thấy đập Kakhovka bị vỡ ở phần giữa trước, kế bên nhà máy điện liền kề với bờ Đông sông Dnepr mà Nga kiểm soát.
Theo ông Baecher, các cửa cống bị hư hỏng kết hợp với mực nước dâng cao có thể xé toạc một vài cửa đập, nhưng sẽ không khiến con đập bị vỡ nhiều như vậy.
Một số nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng chưa thể quy trách nhiệm cho bên nào về vụ vỡ đập Kakhovka, thậm chí chưa thể kết luận vụ việc có phải là cố ý hay không.
“Vẫn còn quá sớm để kết luận. Thảm họa này cuối cùng sẽ chẳng có lợi cho ai”, ông Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại viện CNA có trụ sở ở Arlington, Mỹ, nhận định./.