Chuyên gia Indonesia: Luật Hải cảnh Trung Quốc có nhiều điểm mập mờ, dễ gây xung đột
VOV.VN - Việc Trung Quốc chính thức thực thi Luật Hải cảnh gây lo ngại đối với dư luận quốc tế. Theo giới phân tích, nhiều điều khoản trong luật này sử dụng thuật ngữ mập mờ, không đưa ra giới hạn rõ ràng về phạm vi lãnh hải của Trung Quốc, đồng thời khiến nguy cơ xung đột gia tăng trên Biển Đông.
Phóng viên thường trú Đài TNVN tại Indonesia phỏng vấn bà Hayati Naufus, nhà nghiên cứu chính trị và ngoại giao Trung Quốc (Trung tâm Nghiên cứu Chính trị, Viện Nghiên cứu Khoa học Indonesia) về những điểm khiến dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
PV: Ngày 1/2/2021, Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực, cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này bắn vào các tàu nước ngoài nếu các tàu nước ngoài được cho là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Vậy luật này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hòa bình khu vực Biển Đông, thưa bà?
Bà Hayati: Luật Hải cảnh mới do Trung Quốc ban hành chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây chắc chắn sẽ là mối đe dọa đối với hòa bình ở khu vực này. Luật Hải cảnh Trung Quốc (CCG) cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí/bạo lực nếu các tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc cho là của họ. Trong Luật này, điều 74 nêu định nghĩa về lãnh thổ trên biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, bao gồm: lãnh hải, vùng bổ sung, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Việc sử dụng thuật ngữ “các vùng biển khác” không tuân thủ các quy định về ranh giới biển trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Rất có thể, thuật ngữ “các vùng biển khác” ám chỉ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nếu trong tương lai tàu của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, hoặc các nước khác đi qua khu vực Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thì cảnh sát biển Trung Quốc sẽ áp dụng vũ lực vì cho rằng tàu các nước đi vào lãnh hải Trung Quốc trái phép và điều này có thể gây ra các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có tuyên bố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mặt khác, việc ban hành luật bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã khiến các nước có tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông càng cảnh giác hơn. Điều này rất có thể tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, khi các quốc gia khác có liên quan đến xung đột trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thực hiện hành động ngăn chặn các hành động của Trung Quốc bằng cách tăng cường tiềm lực của quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ; hoặc thành lập một liên minh để duy trì an ninh của họ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Một tác động khác, Luật Hải cảnh cho thấy Trung Quốc ngày càng tích cực bảo vệ các yêu sách của mình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều này mâu thuẫn với cam kết duy trì sự ổn định ở khu vực Biển Đông của Trung Quốc. Với thái độ ngày càng gây hấn của Trung Quốc, điều đó khiến việc xây dựng lòng tin trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trở nên khó khăn, và tất nhiên nó có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết và quản lý các xung đột trong khu vực.
PV: Vậy Luật này có vi phạm luật pháp quốc tế hay không, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và có trái ngược với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” hay không, thưa bà?
Bà Hayati: Luật Hải cảnh không phải là điều mới đối với các quốc gia. Một số quốc gia khác cũng đã làm điều tương tự, ví dụ như Philippines đã ban hành Luật Cảnh sát biển vào năm 2009 và Việt Nam cũng ban hành Luật Cảnh sát biển vào năm 2018. Việc Trung Quốc ban hành luật vì lợi ích của chính nước này chắc chắn không có vấn đề gì nếu nó được áp dụng phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Vậy tại sao Luật Hải cảnh của Trung Quốc lại gây tranh cãi như vậy? Câu trả lời là Luật Hải cảnh Trung Quốc không phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đồng thời theo phán quyết trọng tài năm 2016, yêu sách lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã không được công nhận và yêu sách của Trung Quốc về “Đường 9 đoạn” cũng bị cho là vi phạm với UNCLOS.
Thứ nhất, cần khẳng định lại rằng trong Luật Hải cảnh, Trung quốc không đưa ra giới hạn rõ ràng về phạm vi lãnh hải, do đó, nếu Cảnh sát biển nước này áp dụng luật mới trên Biển Đông, thì hành động đó chắc chắn có thể bị coi là đi ngược lại với Công ước UNCLOS 1982, vì nó không thuộc vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Thứ hai, một điểm mâu thuẫn khác trong luật này với các quy tắc trong UNCLOS 1982, đó là trao quyền sử dụng vũ lực cho lực lượng Cảnh sát biển. Cả UNCLOS 1982 cũng như trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc thông qua, đều kêu gọi các nước liên quan đến xung đột thực hiện kiềm chế và không dùng đến vũ lực. Việc tồn tại một quy tắc pháp lý để lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ (bao gồm cả những vùng biển được tuyên bố trong “đường 9 đoạn”) là một hành động đơn phương của Trung Quốc, có thể phá vỡ sự ổn định và hiện trạng ở Biển Đông.
Ngoài ra, điều 21 của Luật Hải cảnh Trung Quốc quy định, nếu có tàu quân sự hoặc tàu chính phủ của các quốc gia khác hoạt động vì mục đích phi thương mại vi phạm vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp kiểm soát và an ninh cần thiết để bắt giữ tàu nước ngoài. Đối với những trường hợp từ chối rời đi và gây tổn hại hoặc đe dọa nghiêm trọng đến vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có quyền “trục xuất” hoặc sử dụng vũ lực.
Quy tắc này không phù hợp với những gì được quy định trong UNCLOS. Trong UNCLOS 1982, điều 32 và 236 quy định quyền miễn trừ đối với tàu quân sự, tàu hỗ trợ quân sự và tàu chính phủ từ cơ quan tài phán thực thi pháp luật của quốc gia ven biển hoạt động vì mục đích phi thương mại. Nếu theo Luật Hải cảnh, Trung Quốc thực hiện các hành động như buộc rút tàu chiến hoặc tàu chính phủ vì mục đích phi thương mại, thì đó chắc chắn là vi phạm các điều khoản của UNCLOS 1982.
PV: Luật Cảnh sát biển của Trung Quốc cũng cho phép nước này phá hủy các công trình nước ngoài ở vùng biển đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Các nhà nghiên cứu nghĩ sao về vấn đề này?
Bà Hayati: Điều 3 khoản 20 trong Luật Hải cảnh trao quyền cho lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc ra lệnh dừng, phá dỡ/di chuyển các thực thể của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xây dựng trái phép trên các đảo hoặc vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc quyền tài phán của họ. Nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không chấp hành lệnh thì Cảnh sát biển Trung Quốc có thẩm quyền yêu cầu dừng, tháo dỡ hoặc cưỡng chế dỡ bỏ công trình.
Điều khoản này có thể được coi là một hình thức "cảnh cáo" của Trung Quốc đối với các quốc gia khác hoạt động hoặc thăm dò tài nguyên thiên nhiên xung quanh Biển Đông và Biển Hoa Đông, chẳng hạn như Philippines hoặc Nhật Bản thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, nhưng đối với Trung Quốc thì bị coi là một hình thức vi phạm chủ quyền. Điều cần lưu ý là Luật Hải cảnh của Trung Quốc không giải thích lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có thể thực hiện các hình thức sử dụng vũ lực đến mức độ nào. Điều này chắc chắn có thể gây ra bất ổn trong khu vực, đặc biệt nếu một quốc gia nước ngoài mà Trung Quốc cho là đã tiến hành các hoạt động vi phạm vùng lãnh hải của họ. Cho đến nay, chúng tôi không biết Luật Hải cảnh sẽ được áp dụng như thế nào. Mặc dù trong luật này Trung Quốc không nhắm vào các quốc gia cụ thể, nhưng đối với các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, luật này rất có thể sẽ gây ra xung đột. Trung Quốc cần làm rõ những “điểm mập mờ” của luật này trong bối cảnh nhiều bên cùng đưa ra các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
PV: Vậy các quốc gia ASEAN cần phải làm gì để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trước Luật Hải cảnh của Trung Quốc, thưa bà?
Bà Hayati: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với 90% diện tích trên Biển Đông trùng lặp với các tuyên bố chủ quyền của một số nước ASEAN như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Mặc dù phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực đã bác bỏ yêu sách về “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định rằng họ có “chủ quyền không thể chối cãi” ở Biển Đông. Việc Trung Quốc áp dụng Luật Hải cảnh và các diễn biến càng nóng trên Biển Đông do các hành động quyết đoán của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quá trình giải quyết và quản lý các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình mà ASEAN theo đuổi.
Các quốc gia ASEAN cần tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc cam kết tuân thủ các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột theo quy định của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác cũng được Trung Quốc (TAC) ký kết.
Điều quan trọng là ASEAN phải tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành và cố gắng để đạt được để Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ngay lập tức.
PV: Xin cảm ơn bà!./.