Chuyên gia Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết chống lại Luật Hải cảnh của Trung Quốc
VOV.VN - Chính phủ Philippines cần phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á để phản đối Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, CNN dẫn lời một chuyên gia luật hàng hải cho biết.
ASEAN nên hợp thành một mặt trận thống nhất
Giáo sư Jay Batongbacal của Đại học Philippines cho rằng, Philippines cùng các đồng minh và những quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phải hợp thành một mặt trận thống nhất để đẩy lùi Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Luật này gây tranh cãi khi cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài đi vào vùng biển tranh chấp.
“Về cơ bản, luật cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực để thực thi quyền hạn tại những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền”, chuyên gia Batongbacal nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng: “Tất cả những bên chịu ảnh hưởng, Philippines cùng với các bạn bè và đồng minh nên hợp tác với nhau và bày tỏ lập trường chung để ngăn cản Trung Quốc thực hiện luật này”.
Đáng chú ý, luật mới này, có hiệu lực từ ngày 1/2, cũng cho phép hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các cơ sở của nước ngoài được xây dựng trên các bãi đá ngầm và các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như thiết lập vùng cấm để ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài.
Theo chuyên gia Jay Batongbacal, luật này đang đặt ra “vấn đề lớn”, có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.
“Có thể coi việc hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực là một hành động gây hấn, trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này tương đương với một hành động chiến tranh nếu họ cố sử dụng vũ lực trên vùng biển của quốc gia khác để thực thi yêu sách của mình”, ông Jay Batongbacal nhấn mạnh.
Bất chấp Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016, Trung Quốc vẫn thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch “thôn tính Biển Đông”, dù Bắc Kinh đang đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, chuyên gia Jay Batongbacal nhận định.
“Việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh sẽ khiến ASEAN, đặc biệt là các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, phải lùi lại, tạm dừng và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này trước khi họ tiếp tục thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử".
Philippines cần nâng cao cảnh báo
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin trước đó đã gửi Công hàm phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc, cho rằng đây là "lời đe dọa chiến tranh" đối với bất kỳ quốc gia nào phản đối Trung Quốc. Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philipines Harry Roque kêu gọi Trung Quốc kiềm chế việc sử dụng vũ lực nhằm tránh gây leo thang căng thẳng và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte nên cho phép hải quân nước này tham gia các cuộc tập trận chung ở Biển Đông sau khi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực.
Marlon M. Villarin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Santo Tomas (UST) nói: “Tổng thống nên cho phép lực lượng hải quân tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông, đặc biệt khi Bắc Kinh không còn tôn trọng các công hàm ngoại giao phản đối nữa”.
“Chúng ta phải nâng cao cảnh báo tại các vùng biển có tranh chấp”, ông Marlon M. Villarin nhấn mạnh.
Còn Renato C. de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle (DLSU) cho rằng, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã phá hủy bất cứ kế hoạch nào được đưa ra nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán COC. Ông lưu ý, Manila cần tận dụng các thỏa thuận quân sự của nước này với Mỹ, chẳng hạn như Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) hay Hiệp ước phòng thủ chung để tăng cường sức mạnh quân sự trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông./.