Cơ hội hòa bình cho Syria đã chợt tắt?

(VOV) - Có vẻ như cơ hội hòa bình cho Syria vừa mới lóe lên đã chợt tắt

Vào giữa tuần trước, ông Sheik Ahmad Moaz al-Khatib, lãnh đạo Liên minh Dân tộc đối lập ở Syria, đã bất ngờ đề nghị thảo luận với các đại diện của Tổng thống Bashar al Assad. Đây là lần đầu tiên kể từ khi các cuộc xung đột quân sự nổ ra ở Syria, phe đối lập đưa ra một lời đề nghị như vậy. Và ngay lập tức, đã thắp sáng hy vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài 23 tháng ở quốc gia Arab này.

Một đề nghị bất ngờ

Trong đề nghị được đăng tải bằng tiếng Arab trên trang Facebook của mình, ông Khatib viết: “Tôi thông báo rằng tôi sẵn sàng thương lượng với các đại diện của chế độ Syria ở Cairo hoặc Tunisia hoặc Istanbul”.

Theo ông Khatib, động lực khiến ông đưa ra lời đề nghị này chính là “để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này và để dàn xếp các vấn đề cho giai đoạn chuyển giao mà có thể giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực đẫm  máu hiện nay”.

Vụ nổ tại trường Đại học  Aleppo ( Ảnh AP)

Cùng với đề nghị trên, nhà lãnh đạo đối lập đã đưa ra hai yêu cầu gồm: chính quyền của Tổng thống Assad phải thả 160.000 tù nhân mà họ đang giam giữ và gia hạn tất cả các hộ chiếu đã hết hạn của người Syria ở nước ngoài.

Sau đó, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al-Jazeera, nhà lãnh đạo đối lập cũng khẳng định rằng “quả bóng hiện đang ở bên sân của chế độ (của Tổng thống Assad). Họ sẽ nói có hoặc không”.

Phản ứng trước lời kêu gọi trên, lãnh đạo Liên đoàn Arập Nabil al-Arabi đã bày tỏ sự ủng hộ khi đề nghị đóng vai trò trong bất cứ cuộc thương lượng cho một cuộc chuyển giao dân chủ ở Syria.

Trong khi đó, Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lời kêu gọi đối thoại của ông Khatib bằng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland rằng chính quyền của Tổng thống Assad “cần ngồi lại và đàm phán” và “chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ ông Khatib trong lời kêu gọi đó”.

Ông Khatib đã đưa ra đề nghị trên chỉ chưa đầy một ngày sau khi phái viên  của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đưa ra dự báo bi quan trước Hội đồng Bảo an LHQ về khả năng tiến hành các cuộc thương lượng ở Syria. Trước khi ông Khatib đưa ra đề nghị trên, phe đối lập ở Syria vẫn kiên quyết yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức trước khi khởi động các cuộc đàm phán.

Vì vậy, lời kêu gọi đối thoại của nhà lãnh đạo đối lập đã thắp sáng hy vọng về khả năng cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria sẽ sớm chấm dứt.

Theo ước tính của LHQ, kể từ tháng 3/2011, các cuộc xung đột quân sự ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người, làm hơn 2 triệu người khác phải chuyển chỗ ở và buộc ít nhất 700.000 người phải tỵ nạn sang các nước láng giềng.

Hy vọng đã tắt?

Sau khi ông Sheik Khatib công bố đề nghị trên, ông đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các lãnh đạo khác trong liên minh đối lập ở Syria. Một số người đã không tán thành với đề nghị đó và cho biết ông Khatib chưa tham vấn với các đồng nghiệp của mình trước khi đưa ra lời đề nghị như vậy. Hội đồng Dân tộc Syria – thành viên chính trong Liên minh Dân tộc đối lập – đã bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán khi tuyên bố rằng họ cam kết lật đổ chế độ này, phản đối đối thoại với chính quyền, và bảo vệ cuộc cách mạng hiện nay.

Hadi al-Abdallah, một nhà hoạt động ở khu vực Qusayr ở tỉnh Homs, miền Trung Syria, cho biết ông coi đề nghị của ông Khatib là ngờ nghệch. Ông nói: “Chúng tôi không phản đối ý tưởng đàm phán. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng thương lượng với chế độ này, một chế độ đã nhiều lần lợi dụng các cơ hội đàm phán hòa bình để kéo dài thời gian, trong khi bạo lực vẫn leo thang”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Abu Nadim, một nhà hoạt động khác ở Damascus, nói: “Chúng tôi tin tưởng ông Khatib. Nhưng trong chính trị, chúng tôi cảm nhận rằng chỉ có ý định tốt thôi là chưa đủ”.   

Về phía chính quyền Syria, cho dù bản thân Tổng thống Assad chưa đưa ra lời bình luận nào đối với đề nghị của ông Khatib nhưng hôm 5/2, tờ Al-Watan – một tờ báo ủng hộ chính quyền Assad - khẳng định đề nghị này là quá muộn. Tờ báo này viết: “Bất chấp tầm quan trọng của chúng, các tuyên bố của ông Khatib đã muộn tới 2 năm. Trong quá trình đó, những thanh niên ưu tú nhất của chúng ta đã ngã xuống, bị thương hoặc phải tha hương, đồng thời chúng ta đã chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng điện.”. Tờ Al-Watan cũng khẳng định rằng “quả bóng hiện không nằm trong chân Nhà nước Syria như ông Khatib nói”.

Trước đó, trong tháng 1/2013, Tổng thống Assad đã tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán với phe đối lập. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng gặp các nhóm ủng hộ những kẻ nổi dậy đang tìm cách lật đổ chế độ của mình như Liên minh Dân tộc.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Damascus sẽ thẳng thừng bác bỏ đề nghị này của ông Khatib, một phần bởi vì, một hành động như vậy có thể tạo ra ấn tượng rằng Tổng thống Assad có thể đang ở vào thế yếu nếu ông chấp nhận các điều kiện mà nhà lãnh đạo đối lập đã đưa ra. Có vẻ như cơ hội hòa bình cho Syria vừa mới lóe lên đã chợt tắt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Syria tố Israel âm mưu phá hoại nội bộ
Syria tố Israel âm mưu phá hoại nội bộ

(VOV) - Trước đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Israel phát động một cuộc "khủng bố nhà nước".

Syria tố Israel âm mưu phá hoại nội bộ

Syria tố Israel âm mưu phá hoại nội bộ

(VOV) - Trước đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Israel phát động một cuộc "khủng bố nhà nước".

Phe đối lập Syria kêu gọi Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực
Phe đối lập Syria kêu gọi Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực

(VOV) - Lãnh đạo phe đối lập cho rằng vấn đề bây giờ là Tòa án tối cao Syria có chấp nhận việc ông Assad ra đi hay không.

Phe đối lập Syria kêu gọi Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực

Phe đối lập Syria kêu gọi Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực

(VOV) - Lãnh đạo phe đối lập cho rằng vấn đề bây giờ là Tòa án tối cao Syria có chấp nhận việc ông Assad ra đi hay không.

Bước tiến ngoại giao cho vấn đề khủng hoảng Syria
Bước tiến ngoại giao cho vấn đề khủng hoảng Syria

(VOV) - Phe đối lập Syria đồng ý đàm phán với chính quyền Damascus có thể coi là một tín hiệu mừng cho vấn đề khủng hoảng Syria.

Bước tiến ngoại giao cho vấn đề khủng hoảng Syria

Bước tiến ngoại giao cho vấn đề khủng hoảng Syria

(VOV) - Phe đối lập Syria đồng ý đàm phán với chính quyền Damascus có thể coi là một tín hiệu mừng cho vấn đề khủng hoảng Syria.

Chính phủ và phe đối lập Syria cần ngồi vào bàn đàm phán
Chính phủ và phe đối lập Syria cần ngồi vào bàn đàm phán

(VOV) - Đây có thể là một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 2 năm qua tại Syria.

Chính phủ và phe đối lập Syria cần ngồi vào bàn đàm phán

Chính phủ và phe đối lập Syria cần ngồi vào bàn đàm phán

(VOV) - Đây có thể là một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 2 năm qua tại Syria.