Cuộc đột kích vào Kursk khiến tính toán của Ukraine phản tác dụng?
VOV.VN - Ukraine tính toán rằng cuộc đột kích vào Kursk sẽ gây sức ép để Nga đàm phán hòa bình cũng như chuyển hướng các lực lượng của Moscow khỏi miền Đông nhưng thực tế không diễn ra như họ kỳ vọng.
Tính toán của Ukraine phản tác dụng?
Ngày 6/8, Ukraine đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga, huy động ít nhất 10.000 binh lính. Kiev đã tận dụng đà tiến quân nhanh chóng của quân đội vào lãnh thổ của Moscow để gây sức ép lên giới lãnh đạo Mỹ nhằm dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng các vũ khí tầm xa. Sau những thành công tương đối, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đi xa hơn khi gọi các lằn ranh đỏ của Mỹ là "ngây thơ" và bác bỏ nỗi lo sợ leo thang căng thẳng của phương Tây. Tuy nhiên, Washington vẫn thận trọng với ưu tiên hàng đầu của mình, đó là giảm leo thang và tránh khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân.
Kiev đã tìm cách sử dụng cuộc đột kích vào Kursk để chuyển hướng quân đội Nga khỏi mặt trận phía Đông. Hơn nữa, có vẻ như họ đang nhắm đến việc sử dụng các thành quả của mình ở Kursk để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai. Chiến lược này khiến một số nhà phân tích tin rằng Ukraine đã đảm bảo được con đường dẫn đến chiến thắng hoàn toàn. Tuy nhiên, đây là nhận định thiếu thực tế. Một cái nhìn trung thực vào thực tế khắc nghiệt cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy rất ít dấu hiệu cuộc đột kích vào Kursk sẽ dẫn đến chiến thắng tuyệt đối cho Ukraine. Trên thực tế, nó có thể phá hủy triển vọng giải quyết xung đột bằng ngoại giao.
Nhà quan sát George Beebe thuộc Viện Quincy nhận xét, "quân đội Nga không di chuyển một số lượng lớn quân đội vào Kursk từ các mặt trận chính ở Donbass, Zaporizhia và Kharkov". Nhóm Conflict Intelligence Team cũng xác nhận điều này, tuyên bố rằng cuộc tấn công vào Kursk "không chỉ không thể thúc đẩy việc tái triển khai một số lực lượng của Nga từ Donetsk mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân lực của Ukraine trong khu vực". Ngoài ra, trong khi Ukraine đã triển khai binh lính có thể tăng cường cho phòng tuyến phía Đông thì lực lượng tiến hành cuộc đột kích vào Kursk được cho là dễ bị phản công dữ dội vì họ vẫn chưa thiết lập được các tuyến phòng thủ vững chắc.
Cuộc tấn công vào Kursk cũng đang gây ra những phản ứng đáng lo ngại từ Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, chiến dịch này đã chấm dứt "bất kỳ khả năng" đàm phán hòa bình nào giữa Nga và Ukraine vì những nỗ lực cho lệnh ngừng bắn một phần hiện đã bị phá vỡ. Thay vì dọn đường để thoát khỏi xung đột thì cuộc đột kích vào Kursk khiến khả năng leo thang trở nên cao hơn.
Nga có leo thang căng thẳng?
Moscow cáo buộc Washington đã hỗ trợ dàn dựng cuộc tấn công vào Kursk. Mặc dù Mỹ không được Ukraine cảnh báo trước về cuộc tấn công vào Kursk nhưng các hệ thống pháo cũng như bom lượn có độ chính xác cao do nước này sản xuất đang được sử dụng để phá hủy các mục tiêu quan trọng ở khu vực. Điều nguy hiểm nhất là cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine gần nhà máy điện hạt nhân Kursk, nơi không có mái vòm bảo vệ, có thể gây ra một sự cố nghiêm trọng với mức độ tàn phá tăng mạnh.
Các chiến lược gia ở Kiev có lẽ hy vọng rằng các hành động quân sự ở Kursk sẽ khiến Nga đưa ra yêu cầu chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát phương Tây, việc có những động thái mạo hiểm như vậy chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Tổng thống Vladimir Putin phải leo thang. Nó cũng thúc đẩy lập trường của những quan chức theo chủ nghĩa cứng rắn ở Nga - những người có thể cho rằng cuộc tấn công vào Kursk vi phạm lằn ranh đỏ trong học thuyết quân sự của Moscow, trong đó nói rằng nếu Điện Kremlin nhận thấy không thể đẩy lùi một cuộc tấn công vào bên trong nước Nga, họ có thể kích hoạt việc sử dụng hạt nhân.
Trong khi một báo cáo của Trung tâm Phân tích Hải quân cho rằng khó có thể định lượng ngưỡng hạt nhân của Nga thì việc tránh vi phạm các lằn ranh đỏ khiến xung đột ở Ukraine vượt tầm kiểm soát luôn nằm trong lợi ích của Washington.
Bất chấp việc Ukraine tuyên bố rằng chiến dịch đột kích vào Kursk thúc đẩy tinh thần chiến đấu của các binh lính thì thực tế là, diễn biến xung đột vẫn không thay đổi. Theo Tiến sĩ John Mearsheimer, "yếu tố chính quyết định thành công trong một cuộc xung đột tiêu hao" như xung đột Nga - Ukraine là tỷ lệ thương vong, chứ không phải là số lượng lãnh thổ chiếm được. Do đó, việc Ukraine chuyển hướng nguồn lực của mình để chiếm lãnh thổ có thể gây hại cho việc phòng thủ ở miền Đông Ukraine.
Theo quan điểm của Washington, cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số nhà quan sát đánh giá, Mỹ nên làm mọi thứ có thể để tránh kết cục này vì nhiệm vụ của chính phủ Mỹ trước hết và quan trọng nhất là bảo vệ công dân của mình. Để đạt được mục tiêu trên và hỗ trợ Ukraine áp dụng một chiến lược tối ưu, một số quan điểm cho rằng Washington nên chống lại áp lực dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa bên trong nước Nga và khuyến khích Kiev duy trì tư thế phòng thủ để có thể đạt được thành công quân sự lâu dài. Theo họ, làm như vậy không chỉ giúp Ukraine củng cố tiền tuyến ở phía Đông mà còn giảm nguy cơ Mỹ và NATO bị kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện.