Cuộc tấn công vào Kursk giúp Ukraine đảo ngược tình thế như thế nào?
VOV.VN - Ukraine đã ở thế phòng thủ trong một thời gian dài nhưng cuộc tấn công vào Kursk đã giúp nước này phần nào giành thế chủ động và buộc Nga phải “nhảy theo điệu của mình”.
Ukraine đảo ngược tình thế
Vào đầu tháng 8, Ukraine dường như vẫn ở thế phòng thủ và mất dần lãnh thổ trước các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, cuộc tấn công mới của Ukraine vào Kursk đã giúp nước này chiếm được hơn 1.243km vuông lãnh thổ Nga. Sau gần 1 năm ở thế phòng thủ ảm đạm, chiến dịch Kursk đã cho phép Ukraine giành thế chủ động và buộc Moscow phải đối phó với các động thái của Kiev.
Ukraine đã đứng trước lựa chọn giữa tăng cường phòng thủ ở phía Đông để ngăn chặn các cuộc tấn công như vũ bão của Nga vào Donetsk hay tự tiến hành một cuộc tấn công vào phía Đông Bắc theo hướng Kursk, George Barros, chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định với Business Insider.
Theo ông: "Tôi chắc chắn các nhà sử học sẽ tranh luận trong nhiều thập kỷ về việc sức mạnh chiến đấu được sử dụng để bảo vệ phía Đông có tốt hơn so với những gì Ukraine đã làm trong chiến dịch Kursk hay không. Tôi nghĩ, cần phải có một cuộc thảo luận thực sự ở đây nhưng nhìn chung, nguyên tắc tốt nhất của chiến tranh là đừng ngồi yên vô thời hạn và chịu đòn mãi. Ukraine hiện đã giành thế chủ động. Nga không còn giữ thế chủ động trên toàn bộ tiền tuyến giống như trong hầu hết năm ngoái nữa", ông Barros nói.
Vào tháng 4, chuyên gia Barros nhận định với Business Insider rằng Ukraine cần tìm cách giành thế chủ động để làm Nga mất cân bằng và tước đi khả năng tập hợp lực lượng áp đảo của Moscow theo thời gian và địa điểm mà họ lựa chọn. Thay vì mạo hiểm mọi thứ vào một cuộc tấn công lớn như điều Ukraine từng làm năm 2023 và cuối cùng đã thất bại thì lựa chọn tốt hơn là tiến hành một loạt cuộc tấn công nhỏ nhằm vào các điểm yếu của Nga trên tiền tuyến. Theo thời gian, các cuộc tấn công hạn chế sẽ dần làm suy yếu tinh thần chiến đấu và các nguồn lực của Nga.
Trong khi còn quá sớm để đánh giá thành công chung của chiến dịch Kursk thì trên thực tế, nó đã không gây ra tổn thất nặng nề cho Nga hay buộc các lực lượng của Moscow phải dừng chiến dịch tấn công ở Donetsk. Theo giới quan sát, điều mà cuộc đột kích vào Kursk làm được là gây bất ngờ cho Tổng thống Putin, phá vỡ cảm giác an toàn của người dân trên lãnh thổ Nga và có lẽ quan trọng hơn là buộc các chỉ huy của Nga phải bước vào kiểu giao tranh ứng biến mà họ đang gặp khó khăn. Nó cũng là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Nga và Ukraine.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine
Những dấu hiệu hiện tại cho thấy có lẽ Ukraine đang củng cố các vị trí thay vì mở rộng chúng. Tuy nhiên, điều này khiến Kiev rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải xoay xở các nguồn lực hạn chế để duy trì các thành quả của mình trong phòng tuyến Nga, đồng thời phải bảo vệ các vùng lãnh thổ quan trọng như Kharkov và khu vực phía Nam. Điều này tức là Ukraine phải tìm ra một vài biện pháp hợp lý để tiếp tục gây sức ép lên Nga mà không mất thêm lãnh thổ.
"Ukraine đã giành thế chủ động ở phía Bắc của chiến trường. Nga nắm thế chủ động ở phía Đông và phía Nam", ông Barros nói. Theo ông: "Để duy trì thế chủ động, Ukraine phải tiếp tục tấn công tiền tuyến ở Kursk hoặc ở các khu vực riêng biệt của mặt trận theo cách đặt Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ phải giải quyết. Ukraine sẽ cần thời gian, nhân lực, nhiều đạn pháo hơn và lý tưởng nhất là được nới lỏng việc sử dụng các vũ khí như ATACMS ở Nga, một phần là để đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn trên không khi quân tiếp việc của Moscow đến Kursk".
Ít nhất thì cuộc tấn công vào Kursk đã làm phức tạp thêm những tính toán chiến lược của Moscow. Cho đến nay, Nga chưa cảm thấy bị buộc phải bảo vệ mạnh mẽ phần lớn chiến tuyến dài 1.000km, điều này cho phép Moscow huy động lực lượng đông đảo ở các khu vực như Donetsk.
“Không rõ động thái tiếp theo của Ukraine là gì”, ông Barros nói. “Chúng tôi đang thấy rất nhiều báo cáo kỳ lạ và hầu hết là không có căn cứ về các cuộc tấn công của Ukraine trên khắp chiến trường, từ Polohy trên tuyến Zaporizhia, đến gần Zabrama ở Bryansk và những nơi khác ở Belgorod. Dù vậy, Kiev vẫn đang khiến các chỉ huy Nga phải đề cao cảnh giác".
Mick Ryan, cựu tướng Australia nhận định, chiến dịch Kursk "cho thấy Ukraine đã học hỏi và thích nghi sau thất bại của cuộc phản công năm 2023".
"Mục đích của Ukraine ở đây cho thấy chiến thắng của Nga không phải là không thể tránh khỏi và Ukraine có thể chiến đấu cũng như chiến thắng", ông Ryan nói, dường như nhằm thuyết phục những bên nghi ngờ việc duy trì ủng hộ cho Ukraine và thúc đẩy phương Tây nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa
Trên thực tế, Mỹ và đồng minh vẫn chưa thực sự thoải mái về việc này. Ukraine muốn nhắm vào các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS nhưng Washington dường như không ủng hộ động thái đó.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Zelensky đã lập luận rằng: "Nếu các đối tác của chúng tôi dỡ bỏ tất cả hạn chế hiện nay về việc sử dụng những vũ khí như vậy vào lãnh thổ Nga thì chúng tôi sẽ không cần tiến vào khu vực Kursk để bảo vệ người dân Ukraine ở khu vực biên giới cũng như ngăn chặn Nga tiến hành các hành động gây hấn trong tương lai".