Cựu bộ trưởng Mỹ đổ lỗi về sự trỗi dậy của IS cho lãnh đạo Syria-Iraq
VOV.VN - Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Gates hạ thấp trách nhiệm của Mỹ trong sự trỗi dậy của khủng bố IS và đổ lỗi về điều này cho ban lãnh đạo Syria và Iraq.
Mới đây cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nêu 2 nhân tố chính khiến IS trỗi dậy ở Trung Đông.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Ảnh: Business Insider. |
Theo ông này, nội chiến Syria và chính sách của cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki góp phần quan trọng vào sự phát triển của nhóm khủng bố này trong khu vực hơn cả việc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
Ông Gates mới đây nói với tạp chí Business Insider, “Tôi nghĩ rằng lý do cơ bản cho sự trỗi dậy của IS là nội chiến Syria và các chính sách mà chính quyền Baghdad theo đuổi”.
Theo ông Gates, thậm chí trước khi nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã cho phép các chiến binh thánh chiến đi lại tự do qua biên giới với Iraq, tạo điều kiện cho lực lượng nổi dậy ở Iraq chuyển hóa thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hiện nay.
Các tác giả Michael Weiss và Hassan Hassan trong cuốn sách “Bên trong Đội quân Khủng bố IS” cũng có giải thích rằng giới chức Syria biết về tình trạng này nhưng đã không nỗ lực đáng kể để ngăn chặn.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Iraq Maliki trước đây lại theo đuổi chính sách giáo phái khiến cho dân chúng thêm chia rẽ còn các nhóm thánh chiến trở nên hấp dẫn đối với một bộ phận người dân.
Mặc dù vậy ông Gates vẫn phải thừa nhận vai trò của Mỹ trong vấn đề IS ở một mức độ nhất định. Ông cho rằng “Mỹ có lẽ vẫn đóng một vai trò nào đó trong xung đột nghiêm trọng [ở Syria và Iraq]”.
Sự tai hại của chính sách giáo phái
Ông Gates đi sâu phân tích chính sách “bè phái” của cựu Thủ tướng Iraq Maliki. Theo ông Gates, chính sách đó thường mang lại lợi ích cho cộng đồng Hồi giáo Shiite trong khi lại làm tổn hại lợi ích của người Sunni – điều này tạo thuận lợi cho al-Qaeda ở Iraq, tiền thân của IS, chiêu mộ chiến binh. IS là một nhóm khủng bố dòng Sunni và tự tạo hình ảnh là một người vĩ đại bảo vệ cho những người Sunni bị ảnh hưởng từ chính sách của Maliki.
Chân dung Tổng thống Syria Assad. Ảnh: Flickr. |
“Chính sách của Maliki tiêu cực đối với người Sunni ở Iraq đến mức mà tôi cho rằng nhiều người Sunni tin là IS tốt đẹp với họ hơn cả chính phủ Baghdad. Tất nhiên cuối cùng họ cũng đã nhận ra mình sai khi ủng hộ IS nhưng ông Maliki đã không cho người Sunni lý do nào để chống IS bởi vì ông ấy cũng chống Sunni” – ông Gates nhận định.
Ông Gates phân tích tiếp, rằng mặc dù Mỹ không khuyến khích các chính sách của ông Maliki, nhưng việc Mỹ quyết tâm chấm dứt chiến tranh ở Iraq và rút lục quân khỏi nước này đã khiến cho Iraq thiếu “sự hiện diện của Mỹ trên bộ” vào thời điểm cần đến họ để giảm xung đột ở đây.
Theo cách nhìn nhận của ông Gates, nếu Mỹ có các sĩ quan quân đội cấp cao ở Baghdad thì những người này có thể gây ảnh hưởng lên ban lãnh đạo Baghdad, đoàn kết các phe phái khác nhau ở đây (Sunni, Shiite, Kurd), hòa giải một số bất đồng và giảm thiểu các chính sách tiêu cực mà ông Maliki theo đuổi.
Ông Gates cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Iraq càng khiến ông Maliki quyết tâm tiếp tục chính sách bài Sunni của ông này.
“Khi chúng tôi rời đi, đa phần các lãnh đạo Lực lượng An ninh Iraq là những người chúng tôi đã huấn luyện, và trong một số trường hợp, họ là những người rất có năng lực”, ông Maliki nói, ám chỉ đến quân đội Iraq do lực lượng Mỹ huấn luyện và xây dựng.
“Thế nhưng, ông Maliki đã thay thế tất cả những người đó bằng một đống các chính trị gia thiếu năng lực và tham nhũng. Không người lính Iraq nào sẵn sàng chiến đấu cho những người đó, như chúng ta đã thấy ở Mosul”, ông Gates nói tiếp.
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Sự chia rẽ giáo phái ở Iraq khiến nước này khó xây dựng khối đoàn kết dân tộc kết nối người dân từ các giai tầng, tôn giáo và bộ lạc khác nhau đồng tâm hiệp lực chiến đấu cho tương lai của đất nước này.
Ở Mosul, quân đội Iraq đã bỏ vị trí, tháo lui trước đà tiến của IS. Hiện nay IS vẫn kiểm soát thành phố quan trọng này.
(Như vậy có thể thấy, theo góc nhìn của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sự trỗi dậy của IS chủ yếu là “lỗi” của Tổng thống Syria Assad và cựu Thủ tướng Iraq Maliki. Theo ông này, vai trò của Mỹ là rất nhỏ và chủ yếu là do Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011 (chứ không phải là chính sách can thiệp lâu dài của Mỹ ở Trung Đông và cuộc chiến do Mỹ phát động ở Iraq năm 2003). Ngài Gates quên rằng chính phủ Iraq hiện nay, kể cả thời ông Maliki, là do người Mỹ dựng lên sau cuộc chiến năm 2003 – ND)./.