Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger: Ukraine nên nhượng lãnh thổ cho Nga để đạt được hòa bình
VOV.VN - Cựu Cố vấn an ninh quốc gia và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger mới đây cho biết, Ukraine nên chấp nhận từ bỏ một bộ phận lãnh thổ của mình để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga, chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 3 tháng giữa hai nước.
Quan điểm thực tế và lời cảnh báo của Kissinger
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 24/5, ông Kissinger (nay đã 98 tuổi) cho hay, việc thất bại trong tái khởi động đàm phán với Nga và tiếp tục gây phẫn nộ cho Moscow còn thể mang tới những hậu quả thảm họa cho sự ổn định của châu Âu về dài hạn.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Đàm phán cần bắt đầu trong 2 tháng tới trước khi có những đột biến lớn lao và những căng thẳng không dễ vượt qua”.
“Một cách lý tưởng, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi chiến tranh vượt quá điểm đó sẽ không phải là vì tự do của Ukraine mà là phát động một cuộc chiến tranh mới chống lại Nga”.
Ông Kissinger, từng giữ chức vụ trong chính quyền Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford hồi thập niên 1970, cảnh báo về nguy cơ kéo dài chiến tranh và ông hối thúc hãy đàm phán.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng Nga đã là một bộ phận thiết yếu của châu Âu trong 400 năm, đóng vai trò như lực lượng cân bằng trong những giờ khắc then chốt của lục địa này. Ông nói, các nước phương Tây nên hiểu tầm quan trọng của Nga ở châu Âu và đừng để bị cuốn theo “cảm xúc nhất thời”.
“Nguyên trạng trước đây” mà ông Kissinger đề cập có nghĩa là khôi phục lại trạng thái mà trong đó Nga chính thức kiểm soát Crimea và kiểm soát không chính thức hai khu vực cực Đông của Ukraine là Donetsk và Lugansk.
Cựu Ngoại trưởng Kissinger nổi tiếng là người cổ xúy cho cách tiếp cận thực dụng đối với chính trị. Ông hối thúc giới lãnh đạo châu Âu hãy tránh đẩy Nga vào liên minh dài lâu với Trung Quốc. Ông nói với tờ Daily Telegraph: “Tôi hy vọng người Ukraine sẽ gắn chủ nghĩa anh hùng mà họ vừa thể hiện với sự khôn ngoan”.
Trước khi có bình luận mới của cựu Ngoại trưởng Kissinger, báo New York Times cũng có bài xã luận cho rằng Ukraine cần phải thực hiện các “quyết định lãnh thổ đau đớn” để có được hòa bình.
Bài xã luận của New York Times có đoạn: “Cuối cùng, chính người Ukraine phải đưa ra các quyết định khó khăn. Họ là những người đang chiến đấu, chết dần chết mòn, đánh mất nhà cửa trước cuộc tấn công của Nga. Chính họ phải quyết định cuộc chiến đó kết thúc như thế nào. Chính các nhà lãnh đạo Ukraine phải đưa ra các quyết định đau đớn mà bất cứ sự thỏa hiệp nào cũng sẽ đòi hỏi”.
Thái độ của EU và Ukraine
Bình luận của ông Kissinger được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm đảo lộn toàn bộ trật tự quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các nhà lãnh đạo toàn cầu ở Davos rằng cuộc chiến tranh này không chỉ là “vấn đề sống còn của Ukraine” hoặc “an ninh châu Âu” mà còn là một thách thức đặt ra cho “toàn thể cộng đồng toàn cầu”.
Phát biểu trong một video, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Tổng thống Nga Putin không quan tâm đến đàm phán.
Trong tuần qua, các quan chức Ukraine khác đã có các tuyên bố mạnh mẽ phản đối khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình thông qua việc nhượng lãnh thổ cho Ukraine.
Ngày 21/5, Cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, loại trừ khả năng ngừng bắn với sự nhượng bộ về lãnh thổ cho Nga. Ông cho rằng chấm dứt chiến tranh theo cách đó sẽ chỉ trao thêm lợi thế cho Nga để họ thực hiện một cuộc chiến tranh khác lớn hơn trong tương lai.
Một ngày sau đó, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, cho biết chiến tranh sẽ không chấm dứt nếu thiếu “sự khôi phục hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Một nghị sĩ quốc hội Ukraine, Inna Sovsun, đã tố quan điểm của ông Kissinger là “thực sự đáng xấu hổ”.
Sovsun viết trên mạng xã hội Twitter: “Thật đáng tiếc cựu Ngoại trưởng Mỹ tin rằng từ bỏ một phần lãnh thổ lại là cách để mang lại hòa bình cho bất cứ đất nước nào”.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, Mykhailo Podolyak, nói rằng “bất cứ sự nhượng bộ nào trước Nga không phải là hành trình tới hòa bình mà là một cuộc chiến tranh bị hoãn trong vài năm”.
Podolyak nhắc lại Ukraine không thể nhượng lãnh thổ dù cho việc này mang lại hòa bình. Ông nói ông cảm ơn người dân Ukraine đã không nghe theo gợi ý của nhà ngoại giao Kissinger.
Một cuộc thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev vào tháng 5 cho thấy có tới 82% người Ukraine được hỏi không sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ của Ukraine dù cho điều đó đồng nghĩa với việc chiến tranh kéo dài. Chỉ có 10% đồng ý nhượng bộ về lãnh thổ để chấm dứt cuộc tấn công của Nga, và có 8% không đưa ra quyết định./.