Đặc nhiệm Thái Lan gặp khó khăn gì khi giải cứu đội bóng thiếu niên?
VOV.VN - Thợ lặn đặc nhiệm Hải quân Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn để giải cứu đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang.
Theo AFP, chiến dịch giải cứu 12 cậu bé cùng huấn luyện viên của các em bị kẹt trong hang Tham Luang bị ngập nước diễn ra rất chậm chạp bởi các nhân viên cứu hộ phải dò dẫm từng bước một trong hang động tối tăm, nước chảy xiết.
Hơn thế nữa, hang Tham Luang- một trong những hang động dài và ngoằn nghèo nhất của Thái Lan- là nơi rất khó để có thể tiến sâu, đặc biệt là trong mùa mưa khi dòng nước lũ có thể tràn vào hang bất kỳ lúc nào.
Để đảm bảo cho các nhân viên cứu hộ, các máy bơm nước đã được sử dụng hết công suất trong nhiều giờ liền để bơm bớt nước ngập trong hang. Tuy nhiên, nhiều đường ngách trong hang nơi các cậu bé bị kẹt lại vẫn ngập trong nước khi nhóm cứu hộ tiếp cận được với họ.
Quan chức cứu hộ Thái Lan theo dõi nhóm thợ lặn thuộc đặc nhiệm Hải quân Thái Lan tiếp cận đội bóng bị kẹt trong hang Tham Luang. Ảnh: EPA |
Tại sao đội bóng thiếu niên lại bị kẹt trong hang?
Hiện vẫn chưa rõ tại sao đội bóng thiếu niên này lại đi vào trong hang Tham Luang trong đợt mưa lũ lần này tại Thái Lan. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên họ đến đây bởi một vài cậu bé trong đội bóng biết rất rõ về hang động này.
Đội bóng đá thiếu niên này được cho là đã đi sâu tới vài km vào trong hang hướng tới một bãi cát nằm phía trên một vách đá lộng gió được người dân địa phương gọi là “Bờ biển Pattaya”.
Điều này đồng nghĩa với việc, đội bóng này phải đi qua ít nhất một khe hẹp trong hang để đến được bãi cát nói trên và khe hẹp này đã ngập chìm trong nước khiến họ không thể tìm được đường ra ngoài. Ngoài ra, mưa lớn tràn vào cửa hang khiến đội bóng không dám mạo hiểm rời khỏi những vị trí tạm giúp họ được an toàn trong hang.
Ông Josh Morris, nhà sáng lập Câu lạc bộ Leo Vách đá Mạo hiểm Chiang Mai, và cũng là người tham gia hỗ trợ nhóm cứu hộ cho biết: “Mưa lớn khiến nước tràn vào hang giống như thể 15 chiếc vòi nước cùng mở vào bồn tắm cùng một lúc trong khi chỉ có một đường thoát nước duy nhất”.
Cấu trúc hang Tham Luang như thế nào?
Hang Tham Luang là hang động trải dài tới 10km dưới mặt đất vốn là nơi cực khó để có thể định hướng. Bên ngoài hang còn có biển cảnh báo khách du lịch không nên đi vào hang trong mùa mưa từ tháng 7-11.
Trong hang có rất nhiều đường nhánh lên xuống ngoằn nghèo cùng nhiều khu vực trũng đọng nước và những lối đi rất hẹp khiến cho việc tìm kiếm một ai đó bị kẹt lại trong đó khi nước dâng cao trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan sau 9 ngày mất tích
Những khó khăn mà đội cứu hộ đã trải qua
Ông Josh Morris mô tả hang Tham Luang là “một con đường nhiều chướng ngại vật”. Nhóm cứu hộ gồm các thợ lặn thuộc đội đặc nhiệm Hải quân Thái Lan phải mang theo bình oxy cỡ lớn để lặn vào sâu trong hang.
Trong hang Tham Luang có rất ít lối mở để cung cấp nguồn sáng tự nhiên, đèn chiếu sáng trên đầu các thợ lặn cũng không giúp họ nhìn được quá xa trong đêm tối bịt bùng.
Ngay cả khi đã đi vào được tới vài km trong hang Tham Luang, thợ lặn thuộc đội đặc nhiệm Hải quân Thái Lan cũng phải mất vài ngày mới tiếp cận được với đội bóng thiếu niên. Tại một vài địa điểm trong hang, họ buộc phải quay lại do nước lũ tràn vào quá mạnh.
Các thợ lặn cũng phải mạo hiểm bám chặt vào các vách đá dò dẫm qua dòng nước chạy xiết. Nhất cử nhất động của họ được tính toán kỹ lưỡng nhất là khi họ phải di chuyển trong làn nước đục ngầu được ví như “nước cà phê đậm đặc”.
Để cung cấp đồ ăn thức uống liên tục cho các thợ lặn, nhóm cứu hộ đã dựng trại vào sâu trong hang động tới vài km. Ngoài đồ ăn, thức uống, trong các trại này còn có thuốc men cùng hàng trăm bình oxy.
Thái Lan tìm thấy đội bóng thiếu niên mất tích 9 ngày trong hang động
Mất bao lâu để đưa toàn bộ đội bóng ra khỏi hang?
Việc đưa toàn bộ đội bóng ra khỏi hang sẽ mất rất nhiều thời gian dù đây là nhiệm vụ cấp bách và được ưu tiên hàng đầu. Các nhân viên cứu hộ đã cân nhắc nhiều phương án, tuy nhiên, phương án nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Phương án rủi ro nhất là tìm cách giúp các cậu bé lặn qua các đường ngầm. Ngoài ra, cũng có thể tính đến khả năng đưa họ qua “ống thoát” mà nhóm cứu hộ đang khoan xuống khu vực nơi các cậu bé được tìm thấy.
Việc chờ nước lũ hạ xuống rồi mới đưa các cậu bé ra ngoài cũng là một phương án được tính đến. Phương án này được cho là khá an toàn nhưng vẫn không khả thi bởi nhiều cậu bé hiện đã kiệt sức và cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
“Cứu hộ trong hang động là công việc hết sức vất vả và có thể kéo dài rất lâu ngay cả khi các nhân viên cứu hộ xác định được vị trí chính xác của những người cần được cứu. Đó mới chỉ là “điểm khởi đầu” của công tác cứu hộ. Việc đưa được toàn bộ các cậu bé ra khỏi hang sẽ phải mất ít nhất vài tuần”, ông Morris kết luận./.