Đan Mạch đứng ngồi không yên khi ông Trump nghiêm túc muốn mua Greenland
VOV.VN - Các cố vấn của ông Trump cho hay, Tổng thống đắc cử Mỹ thực sự nghiêm túc với ý tưởng mua Greenland. Hiện tại giới chức Đan Mạch đang cân nhắc kỹ lưỡng cách phản ứng để không gây ra rạn nứt lớn với một đồng minh thân cận và là thành viên chủ chốt của NATO.
Khi ông Donald Trump đưa ra ý tưởng mua Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch đã gọi đó là một ý tưởng “vô lý” và bác bỏ ngay lập tức.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Đan Mạch cho biết, các đồng minh và cố vấn của ông Trump đã cảnh báo họ rằng Tổng thống đắc cử Mỹ lần này thực sự nghiêm túc với ý tưởng mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới.
Hiện tại Copenhagen đang cân nhắc kỹ lưỡng cách phản ứng để không gây ra rạn nứt lớn với một đồng minh thân cận và là thành viên chủ chốt của NATO.
“Hệ sinh thái ủng hộ ý tưởng này hiện nay hoàn toàn khác so với năm 2019, khi ông Trump lần đầu tiên đề xuất. Câu chuyện bây giờ có vẻ nghiêm túc hơn nhiều”, một quan chức cấp cao của Đan Mạch cho biết.
Ông Trump thực sự nghiêm túc
Trong một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago ngày 7/1, ông Trump nói rằng, Mỹ “cần Greenland vì lý do an ninh quốc gia. Mọi người thực sự không biết liệu Đan Mạch có bất kỳ quyền hợp pháp nào đối với Greenland hay không, nhưng nếu có, họ nên từ bỏ vì chúng ta cần nó cho an ninh quốc gia”.
Khi được hỏi về những bình luận của ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken cho biết: “Ý tưởng của ông về Greenland không phải là một ý tưởng hay, nhưng điều quan trọng hơn là nó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng ta không nên lãng phí thời gian để nói về nó”.
Một số quan chức Đan Mạch cho rằng, họ có thể thẳng thắn từ chối đề nghị của ông Trump thay vì cho rằng ông không nghiêm túc và đó có thể là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ngày 8/1 nói rằng đất nước ông muốn thảo luận nhiều hơn về vấn đề này với chính quyền tổng thống Donald Trump sắp tới.
“Chúng tôi sẵn sáng đối thoại với Mỹ về cách hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa”, ông Rasmussen nói.
Mỹ từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch ở Bắc Cực cũng như ở Greenland, nơi Mỹ có một căn cứ quân sự.
Trong cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump cũng cảnh báo rằng Đan Mạch có thể sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn nếu không từ bỏ quyền kiểm soát Greenland và ông cũng không loại trừ khả năng hành động qiaan sử để có được hòn đảo này.
Cùng ngày, con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., đã đến thăm Greenland với tư cách cá nhân. Các quan chức Đan Mạch theo dõi chặt chẽ chuyến đi này và cũng không có bất cứ cuộc gặp chính thức nào với ông Donald Trump Jr.
Để thể hiện mức độ quan tâm của mình đến Greenland, ông Trump đã gọi điện tới cuộc họp mà con trai ông tham dự cùng cư dân ở Nuuk, Greenland hôm 8/1, nói rằng Mỹ và thế giới “cần” Greenland vì vị trí chiến lược của hòn đảo này.
Những bình luận của ông Trump đã tạo ra bầu không khí căng thẳng với các đối tác và đồng minh của Mỹ. Thủ hiến Greenland, Mute Egede, hôm 7/1 đã phát tín hiệu rằng vùng lãnh thổ này không muốn tham gia vào cuộc đấu chính trị qua lại giữa Mỹ và Đan Mạch.
“Greenland thuộc về người dân Greenland. Tương lai và cuộc chiến giành độc lập của chúng tôi là việc của chúng tôi”, ông Egede nói.
Mỹ theo dõi mọi động thái liên quan đến Greenland
Greenland từ lâu đã được xem là yếu tố quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, đặc biệt trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các quan chức an ninh quốc gia đặc biệt lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực. Theo một cố vấn cấp cao của ông Trump, khi đó Mỹ coi đây là một mối đe dọa tương đối mới.
Dù vậy, các quan chức Mỹ và Đan Mạch cho biết họ không hiểu được nỗi ám ảnh của ông Trump với việc mua lại Greenland, điều mà Tổng thống đắc cử Mỹ nói là “tuyệt đối cần thiết”, đặc biệt vì Mỹ đã có một thỏa thuận quốc phòng lâu dài với lãnh thổ này, cho phép Washington hiện diện quân sự đáng kể – bao gồm cả quân đội và hệ thống radar – trên hòn đảo lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng có những lo ngại về động thái của Greenland hướng tới độc lập khỏi Đan Mạch - một đồng minh lớn của Mỹ và NATO. Nếu Greenland tuyên bố độc lập, điều đó có thể khiến hòn đảo này trở nên bất ổn về mặt chính trị hơn - và dễ chịu ảnh hưởng hơn từ Nga và Trung Quốc.
Cũng có thể có những tranh cãi về việc liệu Greenland có còn là thành viên của NATO nếu tuyên bố độc lập hay không.
“Đan Mạch là một đồng minh vững chắc của NATO, và chừng nào Greenland vẫn là một phần của Vương quốc Đan Mạch, như hiện tại, và là một phần của NATO, thì chúng ta không cảm thấy kém an toàn trong tình huống đó” quan chức quốc phòng Mỹ nói. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Greenland trở nên “mơ hồ” hơn nếu Greenland quyết định tuyên bố độc lập.
“Có thể đó sẽ là một câu chuyện tốt nếu nó chuyển đổi theo hướng ổn định, hoặc có thể đi theo chiều hướng ngược lại,” quan chức này cho biết thêm.
Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực đã gia tăng trong suốt 5 năm qua. Trung Quốc và Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên không ở đó. Tháng 10/2024, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tuyên bố họ đã lần đầu tiên tiến vào vùng biển Bắc Băng Dương cùng với Nga.
Trong chiến lược Bắc Cực công bố tháng 7/2024, Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc “có khả năng thay đổi bức tranh ở Bắc Cực”.
Biến đổi khí hậu cũng đang làm tan băng và mở ra các tuyến đường thủy mới ở Bắc Cực, khiến nơi đây trở thành khu vực tranh chấp gay gắt hơn về vận tải và thể hiện sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, việc tiếp quản quyền quản lý an ninh của Greenland sẽ là một gánh nặng đối với Mỹ, đòi hỏi những nguồn đầy tư mới khổng lồ. Hải quân Hoàng gia Đan Mạch hiện đang chịu trách nhiệm tuần tra vùng biển xung quanh Greenland và phá băng quanh bờ biển của hòn đảo này, một trách nhiệm mà Mỹ có thể sẽ phải đảm nhận với đội tàu phá băng cũ kỹ của họ.