Đằng sau Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của G7
VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp tại thành phố Napoli, Italy để thảo luận tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Đông cũng như xung đột tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên G7 tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng tập trung vào lĩnh vực quốc phòng.
Tham dự hội nghị ngoài các thành viên của nhóm G7, còn có sự tham dự của các đại diện Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, hội nghị lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước G7 cho thấy những lo ngại của phương Tây trước những thách toàn cầu.
Cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc Phòng đầu tiên
Cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc Phòng đầu tiên trong khuôn khổ G7 - một diễn đàn theo truyền thống mang tính kinh tế có sự tham gia của 2 khách mời đặc biệt là tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Sự có mặt của 2 đại diện cấp cao thuộc các tổ chức lớn nhất trên thế giới là minh chứng cho sự quan trọng và nghiêm trọng của sự kiện. Điều này cho thấy những diễn biến gần đây trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông cũng như cuộc xung đột Nga – Ukraine đang dần có dấu hiệu mất kiểm soát.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần này tập trung chủ yếu vào các căng thẳng tại Trung Đông đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Điều này được chính Thủ tướng Italy Giorgia Meloni xác nhận trong chuyến thăm Lebanon trước đó một ngày, nơi bà lên án các cuộc không kích của Israel vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Cùng lúc đó tại Dải Gaza, Israel tuyên bố thủ lĩnh Yahya Sinwar của Phong trào Hồi giáo Hamas, người được cho là đứng sau cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10/2023, đã thiệt mạng.
Tuyên bố mới của Israel được các chuyên gia nhận định như một ngòi nổ kéo xung đột lên tầm cao mới. Lực lượng Hamas chắc chắn sẽ có các hành động trả đũa và tấn công trên diện rộng, mục tiêu sẽ bao gồm nhiều khu vực và quốc gia là đồng minh của Israel.
Ở chiều ngược lại, Israel cũng không phủ nhận việc tiếp tục tiến hành các hoạt động vũ trang để tiêu diệt “tận gốc” lực lượng Hamas. Các động thái này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước láng giềng như Ai Cập, Syria… qua đó đẩy thế giới đứng trước nguy cơ phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng năng lượng khí đốt mới.
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng là một trong những chủ đề chính của Hội nghị. Ukraine hiện đang phải đối mặt với một mùa đông thứ 3 đầy khắc nghiệt kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đại đa số các nhà máy sản xuất điện và mạng lưới điện quốc gia của Kiev đang bị xuống cấp trầm trọng do hệ quả của cuộc xung đột. Sản lượng điện của Ukraine đã bị suy giảm 2/3 và nước này cần thêm ít nhất 6 gigawatt điện để có thể vượt qua mùa đông sắp tới.
Chưa kể đến phía Nga đang chiếm nhiều ưu thế nhất định trên nhiều mặt trận. Các cuộc không kích của Moscow đã gây ra nhiều thiệt hại mang tính chiến lược cho Kiev. Trước tình hình đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra sức kêu gọi tăng cường ủng hộ cho Kiev trong bối cảnh lo ngại cắt giảm viện trợ liên quan đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, nhiều khả năng phía Washington sẽ “rút gọn” các khoản viện trợ dành cho Kiev. EU lo ngại về khả năng duy trì của Ukraine.
Tình hình thực tế ở Trung Đông và Ukraine là lý do chính khiến các nước thuộc G7 cần nhóm họp các Bộ trưởng Quốc phòng. Mục tiêu của hội nghị lần này là nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu nhất, bao gồm cả khả năng điều động quân sự các nước này để hỗ trợ trong thời gian tới.
Lập trường về căng thẳng Trung Đông
Sau cuộc họp kéo dài 1 ngày, các Bộ trưởng Quốc phòng nhóm G7 đã đi đến thống nhất kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở dải Gaza và thả các con tin người Israel bị Hamas bắt giữ, nhấn mạnh các cuộc tấn công và trả đũa lẫn nhau có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang xung đột không thể kiểm soát ở Trung Đông.
Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Quốc Phòng của G7 bày tỏ quan ngại về những hiểm họa cho an ninh của Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc (LHQ) tại Lebanon - UNIFIL. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell kêu gọi một biện pháp cải cách từ phía Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tăng cường vai trò của UNIFIL.
Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thông cáo chung của nhóm G7 tái khẳng định “sự hậu thuẫn không gì lay chuyển cho tự do, quyền chủ quyền, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh ý định tiếp tục hỗ trợ Ukraine, kể cả về mặt quân sự trong ngắn và dài hạn.
Cuối cùng, các Bộ trưởng Quốc Phòng của G7 bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận quy mô lớn gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo quốc phòng một lần nữa “phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cam kết đáng chú ý
Một trong những cam kết mang tính đột phá tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng G7 lần này, đó là việc các đại diện của EU và NATO ủng hộ Ukraine trên con đường “không thể đảo ngược”. hướng tới sự hội nhập vào không gian châu Âu, bao gồm cả việc gia nhập NATO.
Ukraine vốn đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số các nước thành viên nhóm 27 về việc tiến hành quá trình đàm phán gia nhập EU hồi năm ngoái. Hồi tháng 6 vừa qua, EU đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về vấn đề kết nạp thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel còn nhấn mạnh rằng đây là một thời khắc lịch sử.
Tuy nhiên, quá trình vận động của Ukraine để xin vào NATO lại không đơn giản như thế. Mặc dù đã đệ đơn xin gia nhập từ tháng 9/2022 nhưng cho đến nay, nhiều nước thành viên NATO vẫn từ chối việc Ukraine gia nhập tổ chức với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí ngay trước hội nghị lần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày “Kế hoạch chiến thắng” với EU, trong đó có yêu cầu sự hỗ trợ của các nước phương Tây để giúp gia nhập NATO nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức của các đồng minh.
Việc các quốc gia G7 cùng với đại diện của EU và NATO ủng hộ Ukraine gia nhập NATO là minh chứng cho sự quyết tâm ở cường độ cao. Điều này đồng nghĩa với việc, NATO đã sẵn sàng đối mặt với nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Nếu Ukraine được gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, các chuyên gia cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine trong tương lai sẽ kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, theo đó cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh. NATO sẽ buộc phải bảo vệ Kiev và điều động quân sự can thiệp vào cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đây có thể coi là viễn cảnh xấu nhất khiến nhiều chuyên gia lo ngại khi đặt Moscow đối đầu với phương Tây, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia địa bàn cũng nhận định những thách thức mà Nga đặt ra có thể được giải quyết mà không cần đưa Ukraine vào NATO. Hồi tháng 7 vừa qua, hàng chục chuyên gia Mỹ đã đệ đơn hối thúc NATO không nên kết nạp Ukraine. Họ cho rằng “NATO càng hứa hẹn về việc Ukraine sẽ gia nhập liên minh thì động cơ để Nga tiếp tục giao tranh sẽ càng lớn”.
Thế nên dù là một cam kết mang tính đột phá nhưng việc bắt đầu các đàm phán gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn cần các lãnh đạo NATO cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi có thể triển khai.