Đằng sau tham vọng của ông Trump với Canada, Greenland và kênh đào Panama

VOV.VN - Ý định sáp nhập Canada, mua lại Greenland và kiểm soát kênh đào Panama có thể là một phần trong kế hoạch “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, khác với dự báo của dự báo của giới quan sát, Tổng thống Donald Trump không lập tức tập trung vào các đối thủ chiến lược như Trung Quốc, Nga hoặc Iran. Thay vào đó, ông công khai thể hiện sự quan tâm tới Canada, Greenland và kênh đào Panama - những gì mà thoạt nhìn có vẻ không liên quan đến chính sách đối ngoại mà Mỹ sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ tới.

Sự thay đổi này đã làm dấy lên một loạt suy đoán và tranh luận trong giới chuyên gia. Trong số đó, dường như chỉ có một câu trả lời có thể kết nối những quyết định gây sốc của ông Trump thành một câu chuyện mạch lạc.  

Technate là gì?

Ý tưởng Technate, được hình thành vào đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ tầm nhìn về xã hội không do các chính trị gia hay nhà tài phiệt kiểm soát, mà được điều hành bởi các nhà khoa học và kỹ sư - những người đặt nền tảng quản trị dựa trên hiệu suất, làm chủ công nghệ và tối ưu hóa tài nguyên. 

Các kiến trúc sư đặt ra nền móng đầu tiên cho Technate tin rằng, thay vì sử dụng tiền tệ và thị trường đầu cơ, nền kinh tế nên vận hành dựa trên những nguồn năng lượng có thể đo lường, tiêu biểu như tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Theo đó, Technate sẽ vận hành như một thực thể “tự cung tự cấp, tự duy trì”, nơi sự thịnh vượng không còn được đo lường bằng các đơn vị tiền tệ, mà bằng “sự dồi dào của tài nguyên thiên nhiên, trình độ chuyên môn của cư dân và khả năng tích hợp công nghệ vào hệ thống quản lý xã hội”.

Dựa trên những tiêu chuẩn kể trên, Bắc Mỹ được coi là một địa điểm lý tưởng. Canada sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ, Greenland có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào chưa được khai thác và kênh đào Panama đóng vai trò là huyết mạch hàng hải nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giúp đảm bảo quyền tự chủ chiến lược của khu vực này khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà triết học người Đức Georg Friedrich Junger (1898 -1977) từng cảnh báo về viễn cảnh các sản phẩm công nghệ sẽ dần thay thế vai trò của loài người. Trong tác phẩm “Sự thất bại của công nghệ” (1949), ông nhấn mạnh mối đe dọa hiện sinh của thế giới tương lai nơi các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng quản lý xã hội, tước đi quyền tự chủ của con người và biến các cá nhân thành “những bánh răng vô danh trong một bộ máy khổng lồ”.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Technate và xã hội phi lý tưởng mà triết gia Junger lên án nằm ở lời hứa về điểm cân bằng giữa vai trò của con người và khả năng kiểm soát công nghệ. Thay vì để công nghệ chi phối đời sống, Technate coi đây là một công cụ quản lý xã hội.

Mối liên hệ giữa tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk với Technate mang đến một góc nhìn đầy cuốn hút. Ông Musk, người nổi tiếng với những dự án công nghệ táo bạo, là cháu trai của một cựu giám đốc chi nhánh Canada của Technocracy Incorporated - tổ chức từng ủng hộ lý tưởng Technate. Dù ông Musk có chủ ý kế thừa di sản này hay không, tầm ảnh hưởng của ông trong chính quyền Mỹ đương nhiệm rõ ràng đã làm dấy lên sự quan tâm của ông Trump đến mô hình Technate Bắc Mỹ tự duy trì. Theo cách nhìn đó, mong muốn mua lại Greenland và kiểm soát kênh đào Panama không còn là những quyết định lạc nhịp mà trở thành những nước cờ được tân Tổng thống tính toán kỹ lưỡng.

Kế hoạch của ông Trump

Ban đầu, hầu hết các nhà phân tích chính trị lý giải sự quan tâm đặc biệt của Tổng thống Trump đối với các khu vực này là một phần trong chiến lược tập trung nhiều hơn vào lợi ích Mỹ, giảm bớt sự can dự của Washington tới các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ và tái định hướng các ưu tiên quốc gia.

Tuy nhiên, khi nhìn qua lăng kính của Technate, câu chuyện đã khác hẳn. Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị người Đức Constantin von Hoffmeister, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không thể đạt được trạng thái tự cường chỉ với nguồn tài nguyên hiện tại. Để đạt được mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) mà ông Trump từng nêu ra, các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng đòi hỏi phải tiếp cận được các nguồn dự trữ khoáng sản, thủy điện và các tuyến vận tải chiến lược. Trong bối cảnh đó, nguồn khoáng sản dồi dào của Canada, tài nguyên đất hiếm của Greenland và vai trò then chốt của kênh đào Panama như một huyết mạch thương mại không phải là những mối quan tâm thứ yếu đối với ông Trump.  

Đối với Greenland, Tổng thống Trump lập luận rằng việc sở hữu vùng đất này là một yêu cầu thiết yếu đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hòn đảo này không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng đối với các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và giám sát không gian của Nhà Trắng mà còn là nơi đặt Căn cứ Không gian Pituffik, vốn được xây dựng từ đầu Chiến tranh Lạnh. 

Với diện tích hơn 2 triệu km², Greenland sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá, bao gồm dầu mỏ và khoáng sản đất hiếm. Hồi năm 2019, Thượng nghị sĩ Tom Cotton cho rằng việc mua lại Greenland mang lại lợi ích chiến lược to lớn. Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc từng cố gắng mua một căn cứ hải quân cũ của Mỹ trên đảo vào năm 2016, đồng thời tìm cách xây dựng các sân bay tại đây nhằm mở rộng ảnh hưởng.

Ông Trump không phải nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên cân nhắc tới việc mua lại Greenland. Vào những năm 1860, chính quyền Tổng thống Andrew Johnson đã phê duyệt một báo cáo đánh giá tiềm năng khoáng sản của hòn đảo này, nhận định rằng đây có thể là một khoản đầu tư sinh lợi. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không được triển khai vào thời điểm đó.

“Tới năm 2025, có vẻ như những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của ông đã nhận ra rằng để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ cần nhiều hơn là cắt giảm thuế và tinh giảm bộ máy chính quyền. Điều này sẽ đòi hỏi phải có chiến lược mua lại các nguồn lực và cơ sở hạ tầng vượt ra ngoài biên giới hiện tại của Mỹ”, ông Constantin von Hoffmeister nhận định.

Liệu Technate có giúp nước Mỹ đạt được sự cân bằng mà các kiến trúc sư của nó hình dung hay sẽ trở thành một cơn ác mộng như triết gia Junger từng cảnh báo? Đó vẫn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, theo ông Hoffmeister, có một thực tế dễ thấy rằng giấc mơ Technate dường như đang định hình lại bức tranh địa chính trị Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?
Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?

VOV.VN - Kênh đào Panama một lần nữa trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Panama, đặc biệt sau khi Panama khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về tuyên bố mới đây của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập việc “lấy lại” kênh đào này.

Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?

Quốc tế phản ứng thế nào trước việc ông Trump đòi lấy lại kênh đào Panama?

VOV.VN - Kênh đào Panama một lần nữa trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Panama, đặc biệt sau khi Panama khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về tuyên bố mới đây của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập việc “lấy lại” kênh đào này.

Ông Trump tạm hoãn đánh thuế Mexico và Canada
Ông Trump tạm hoãn đánh thuế Mexico và Canada

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/2 đã quyết định tạm hoãn đánh thuế nhập khẩu Mexico và Canada trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ được thực hiện.

Ông Trump tạm hoãn đánh thuế Mexico và Canada

Ông Trump tạm hoãn đánh thuế Mexico và Canada

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/2 đã quyết định tạm hoãn đánh thuế nhập khẩu Mexico và Canada trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ được thực hiện.

Mỹ chính thức áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc
Mỹ chính thức áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức ký sắc lệnh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 04/02 và có nguy cơ làm phát sinh cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ với các nước này.

Mỹ chính thức áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc

Mỹ chính thức áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức ký sắc lệnh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 04/02 và có nguy cơ làm phát sinh cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ với các nước này.