Đánh giá khả năng Belarus can dự trực tiếp vào xung đột Nga - Ukraine
VOV.VN - Tuyên bố của Tổng thống Belarus về việc nước này và Nga sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung, đồng thời thành lập một lực lượng quân sự hiệp đồng nhằm đáp trả các động thái từ Mỹ và phương Tây, đã làm gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Kiev.
Mối quan hệ giữa Belarus và Nga không đơn thuần chỉ là đồng minh chiến lược về mặt quân sự, mà họ còn có sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội trong suốt nhiều thập kỷ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho đến nay.
Belarus có khoảng 45.000 binh sỹ tại ngũ. Con số này chỉ giúp Nga gia tăng một phần nhỏ nhân lực nếu kich bản Belarus cử lực lượng tham chiến ở Ukraine trở thành hiện thực, nhưng viễn cảnh đường biên giới dài ở phía Bắc Ukraine sẽ trở thành lối đi cho các lực lượng Nga lần thứ 2 trong năm nay sẽ là một cơn ác mộng đối với các lực lượng Ukraine vốn đang chịu nhiều tổn thất do giao tranh kéo dài. Ukraine và Belarus có đường biên giới chung dài 1.000 km, phần lớn khu vực này là rừng rậm và có dân cư thưa thớt.
Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, nhóm binh sỹ Nga đầu tiên tham gia thành lập lực lượng chung với quân đội nước này đã tới Belarus vào cuối tuần qua. Theo trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, Valery Revenko, tổng số binh sĩ Nga được điều động đến Belarus là 9.000 cùng 170 xe tăng, 200 xe thiết giáp các loại, 100 khẩu pháo và súng cối cỡ trên 100 mm.
Phía Belarus cho biết, việc thành lập lực lượng chung hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nói rằng “tất cả các hoạt động được thực hiện vào lúc này là nhằm đưa ra phản ứng đầy đủ cho các hoạt động gần biên giới của chúng tôi”. Những hoạt động đó, theo Minsk là nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ Ukraine.
Tuần trước ông Lukashenko thông báo chính phủ nước này đã “được cảnh báo về cuộc tấn công nhằm vào Belarus từ lãnh thổ Ukraine”. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Vladimir Makei nói rằng, Belarus đang tiến hành hoạt động chống khủng bố “trong bối cảnh có những báo cáo về khả năng thực hiện hành động khiêu khích của các nước láng giềng”.
Ukraine đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Belarus. Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể loại trừ khả năng đây có thể là một phần của hành động khiêu khích từ phía Nga”. Phát biểu tại cuộc họp của nhóm G7 vào tuần trước, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng: “Nga đang cố lôi kéo Belarus trực tiếp can dự vào cuộc chiến”.
Hiện tại, quân đội Ukraine đang tiến hành các cuộc phản công ở phía Đông và phía Nam trong khi cố gắng cầm chân các lực lượng Nga tại nhiều khu vực ở Donetsk và Zaporizhzhia. Sau 7 tháng giao tranh, quân đội Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể nếu phải điều động lực lượng để bảo vệ sườn phía Bắc sẽ khiến Kiev phải dàn mỏng lực lượng trên nhiều mặt trận.
Video trên mạng xã hội cho thấy nhiều đoàn xe tăng và xe chở các thiết bị khác đang di chuyển trên khắp đất nước Belarus. Trên một số đoàn xe có ký hiệu của Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng những khí tài quân sự này thuộc về Nga và Moscow đang thu hồi từ kho dự trữ ở Belarus để chi viện cho chiến trường.
Hoạt động trên cũng có thể là tín hiệu cho thấy Belarus đang chuẩn bị can dự vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuần trước cho biết, Washington không thấy dấu hiệu nào cho thấy quân đội Belarus đang chuẩn bị tiến hoặc sẽ tiến vào Ukraine. “Bất cứ sự bổ sung binh sỹ nào dưới sự chỉ huy của Nga là điều đáng lo ngại, nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó”.
Mặc dù đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng ông Lukashenko vẫn chưa điều quân đội tham gia chiến dịch quân sự của Nga. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Tổng thống Belarus quyết định can dự thì điều này cũng rất khó làm thay đổi cán cân chiến trường bởi số lượng quân nhân tại ngũ của Belarus khá hạn chế.
Để bổ sung sức mạnh quân sự lớn cho Nga, Belarus cần huy động ít nhất 20.000 người, chiếm gần một nửa số binh sỹ của nước này. Với số lượng binh sỹ còn lại, Belarus sẽ rất khó đảm bảo an ninh trong nước. Tổng thống Lukashenko tuần trước một lần nữa khẳng định rằng, nước này không có kế hoạch ban bố lệnh tổng động viên.
Không giống như quân đội Nga, quân đội Belarus hiếm khi tiến hành các cuộc tập trận trên cấp tiểu đoàn. Tuy nhiên, họ đã tiến hành các cuộc tập trận như vậy với tần suất cao trong năm nay. Nhà phân tích Muzyka đã đưa ra ba kịch bản: thứ nhất, những cuộc tập trận này được thiết kế để đối phó với một cuộc tấn công tiềm tàng từ các nước NATO; thứ hai, nhằm mục đích ngăn cản lực lượng Ukraine tiến qua biên giới và thứ ba, chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine. Theo ông Muzyka, kịch bản đầu tiên chắc chắn rất khó xảy ra còn kịch bản thứ 3 không phải là sự lựa chọn hợp lý đối với nhà lãnh đạo Belarus vì căng thẳng giữa nước này với Ukraine không quá leo thang đến mức phải giải quyết bằng một cuộc xung đột.
Nhưng Ukraine vẫn đặc biệt lo ngại về biên giới phía Bắc, vì khu vực này gần thủ đô Kiev. Trung tướng Serhiy Naiev, người đứng đầu Lực lượng Liên quân Ukraine (JFO) cho rằng, Belarus đóng một vai trò rất quan trọng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Ukraine cho rằng, Nga đã khai hỏa 4 hệ thống tên lửa đạn đạo, 12 hệ thống phòng không S-400 và điều khiển một số máy bay không người lái do Iran sản xuất từ phía Bắc trong cuộc tấn công Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine vào tuần trước.
Bất chấp việc Nga ban bố sắc lệnh huy động một phần, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ tin rằng, hiện tại quân đội Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine từ phía Bắc.
Tổng thống Lukashenko được cho là đã duy trì một trạng thái cân bằng trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine: ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin mà không triển khai lực lượng can dự trực tiếp. Ông tuyên bố: “Belarus đang tham gia vào hoạt động quân sự của Nga. Chúng tôi không che giấu điều đó. Nhưng chúng tôi không gây thương vong cho bất cứ ai và cũng không điều quân đội đi bất cứ đâu. Chúng tôi không vi phạm nghĩa vụ của mình”.
Tuy vậy, khi Điện Kremlin cố gắng tìm mọi cách để giành được ưu thế trên chiến trường, đồng minh Belarus có thể chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc hợp tác. Một số nhà quan sát cho rằng, các lựa chọn đối với Belarus đang dần thu hẹp và trong thời gian tới Tổng thống Lukashenko có thể rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt ông phải tìm cách để không gây gây mất lòng đồng minh, mặt khác tìm cách tránh đưa quân can dự trực tiếp vào cuộc xung đột vì an ninh trong nước sẽ bị đe dọa nếu quân đội Belarus bị phân tán hoặc suy yếu. Sau phong trào biểu tình năm 2020, giới quan sát cho rằng Tổng thống Lukashenko sẽ không muốn mạo hiểm tham gia vào một cuộc xung đột mà người dân Belarus không ủng hộ./.